Phó Tổng Giám đốc VOV: Chuyển đổi số đang đặt ra nhiều thách thức
VOV.VN - Hiện nay, việc chuyển đổi số đang diễn ra trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tại tất cả các quốc gia trên thế giới và trong mọi lĩnh vực, mọi ngành, trong đó có cả phát thanh – truyền hình.
Trong khuôn khổ các hoạt động tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV tổ chức tại TP.HCM, chiều nay (3/8), Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội nghị trao đổi mô hình, giải pháp, kế hoạch triển khai nền tảng phát thanh số quốc gia. Tham dự hội nghị có ông Vũ Hải Quang – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban xây dựng đề án chuyển đổi số của Đài, ông Đồng Mạnh Hùng – Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Hà Yên – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện lãnh đạo các đài phát thanh – truyền hình trong cả nước.
Cách mạng 4.0 làm thay đổi thói quen công chúng
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Hải Quang cho biết: Hiện nay, việc chuyển đổi số đang diễn ra trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tại tất cả các quốc gia trên thế giới và trong mọi lĩnh vực, mọi ngành, trong đó có cả phát thanh – truyền hình. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại các đài vẫn còn manh mún và cuộc cách mạng 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức khi làm thay đổi mọi thói quen của công chúng trong lĩnh thông tin và báo chí.
Theo ông Vũ Hải Quang, nếu như trước đây công chúng chỉ đón nhận, nghe – xem thông tin một chiều và các đài phát thanh – truyền hình chỉ phát sóng những sản phẩm mình có thì ngày nay hoàn toàn ngược lại. Công chúng chỉ nghe – xem những gì cần nghe, muốn nghe và có thể nghe – xem ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Chính cuộc cách mạng 4.0 đang làm xuất hiện các hình thức khác cạnh tranh với báo chí truyền thống.
Lý giải về nguyên nhân đặt ra vấn đề cần phải có hạ tầng số quốc gia, ông Vũ Hải Quang cho biết, hiện nay cả nước có rất nhiều đài phát thanh – truyền hình nhưng chưa tập trung về một mối, còn manh mún, tản mác. Điều này dẫn đến tốn kém và lãng phí về nguồn lực, khó khăn trong định hướng thông tin vì không nhất quán. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin của công chúng trong và ngoài nước cũng chưa thuận lợi, dễ dàng.
Do đó, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông là xây dựng một nền tảng số quốc gia thống nhất, bao gồm các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam và của các đài địa phương trên cả nước để tập trung về một mối. Từ đó, nội dung được phân phối trên các hạ tầng internet dưới dạng website, OTT và app.
Ông Vũ Hải Quang nhấn mạnh, trong xu thế của công nghệ hiện nay người dân chỉ việc dùng điện thoại sẽ có thể nghe – xem trong phường của mình việc lĩnh lương thế nào, đi bầu cử ra sao, phòng chống dịch bệnh COVID-19, đi tiêm chủng…tất cả sẽ có thông tin ở trên hệ thống số", ông Vũ Hải Quang nói.
Đài địa phương sẵn sàng cho hạ tầng số
Theo ông Nguyễn Hà Yên, đối với lĩnh vực phát thanh – truyền hình, có 2 nền tảng là phát thanh số quốc gia và truyền hình số quốc gia được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với 2 đài quốc gia xây dựng kế hoạch hình thành các nền tảng số. Về phía Bộ đã ban hành quyết định về việc thúc đẩy các nền tảng số gửi cho các đài địa phương. Như vậy, các đài địa phương là một phần trong kế hoạch. Thời hạn hoàn thành các nền tảng số là tháng 7/2023, trong quá trình này sẽ có một buổi hội thảo toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022.
Ông Nguyễn Hà Yên nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là cơ quan đôn đốc, thúc đẩy và ban hành một số chính sách quan trọng để nền tảng số phát thanh và nền tảng số truyền hình mang tầm quốc gia có thể đi vào cuộc sống. Nhiệm vụ của Bộ sẽ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó tính ra dự toán chi phí cho hoạt động duy trì việc cung cấp nội dung của các đài địa phương trên nền tảng số quốc gia. Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách để người dân tiếp cận nhanh nhất, dễ dàng nhất trên các thiết bị đầu cuối.
Ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch Công ty hệ thống thông tin FPT (đơn vị hợp tác xây dựng hạ tầng số) cho biết: Lợi ích của hệ thống hạ tầng số giúp công chúng có trải nghiệm mới về việc nghe – xem tất cả các đài trên một nền tảng. Ngoài ra, việc nghe lại, xem lại các chương trình cũng dễ dàng, được lựa chọn chương trình ưa thích. Đối với các đài địa phương, nền tảng số quốc gia là một kênh phân phối nội dung giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Ông Triều cho rằng: "Nền tảng truyền hình FPT Play hiện nay có khoảng 25 triệu người dùng có thể chia sẻ kinh nghiệm để phát triển nền tảng phát thanh quốc gia, đem lại lợi ích cho người dân và các đài phát thanh – truyền hình. Với thiết kế của FPT có thể tối ưu chi phí cho các đài, về đường truyền, lưu trữ cũng như các chi phí khác trong việc vận hành nền tảng".
Ở góc độ đài địa phương, ông Hồng Quang Năm – Phó Giám đốc thường trực, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng cho biết: Nhu cầu chuyển đổi số của đài đang là bức thiết. Đài đã từng bước thực hiện nội dung này như xây dựng app, sản xuất nội dung đưa lên các mạng xã hội cũng như chuẩn bị hình thành tổ chuyên môn cho công tác này. Tuy vậy, các đài địa phương, trong đó có Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định:
"Hiện nay khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực để chuyển đổi số còn mỏng. Thứ hai, kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số chưa có. Về sản xuất nội dung chúng tôi đã sẵn sàng, chỉ cần trang bị thêm một số hệ thống kỹ thuật, quản trị nội bộ, triển khai mô hình hội tụ. Chúng tôi tin rằng khi có nền tảng số quốc gia do VOV triển khai sẽ tạo điều kiện cho các đài địa phương tham gia vào sân chơi lớn, chuyên nghiệp, mang tầm quốc gia", ông Năm khẳng định./.