Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Khác với mọi năm là phải từ giữa tháng 3 và tháng 4 hạn hán, xâm nhập mặn mới diễn ra gay gắt, năm nay, ngay từ đầu vụ đông xuân, nhiều địa phương trong vùng đã phải đối phó với tình trạng hạn- mặn.

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong mùa lũ năm nay, mực nước sông và mực nước nội đồng ở khu vực ĐBSCL xuống thấp nhất trong vòng 30 năm qua, nên khả năng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ xảy ra.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, nhận định: Năm 2011 có khả năng xảy ra hạn, mặn gay gắt. Mặn có thể lấn sâu hơn vào nội đồng so với năm trước với diễn biến phức tạp, gây nên tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Trong khi đó, dự báo mùa mưa có thể đầu tháng 6 mới bắt đầu, muộn hơn so với trung bình nhiều năm 20 ngày, ảnh hưởng đến việc sản xuất vụ hè thu. Cũng qua quan trắc và ghi nhận tình hình thủy văn những ngày trước và sau Tết Tân Mão cho thấy, độ mặn tại đầu các cống trên hệ thống sông Tiền đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình này, ngày 10/2, tỉnh Tiền Giang có văn bản yêu cầu các địa phương và ngành hữu quan, đặc biệt các huyện phía đông là Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Chợ Gạo ngay sau Tết Nguyên đán khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Để giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến khoảng 270.000 ha lúa vụ đông xuân vừa mới gieo cấy, ngay từ đầu vụ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đã thông báo lịch thời vụ đến các địa phương bố trí mùa vụ gieo sạ phù hợp. Trung tâm Khuyến Nông Khuyến ngư tỉnh chỉ đạo cho vận hành các cống trên tuyến đê biển. Bên cạnh đó, đến nay, toàn tỉnh đã đắp được 107 trong tổng số 120 đập ngăn mặn, kinh phí hơn 4 tỉ đồng.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Kiên Giang nói: “Trước khi gieo sạ, Trung tâm cũng làm lịch thời vụ gửi các ngành, địa phương sản xuất lúa bố trí thời vụ cho phù hợp. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật ở 116 xã, đầu vụ hướng dẫn nông dân sản xuất. Đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, báo Kiên Giang đưa tin, hướng dẫn nông dân trước khi lấy nước gieo cấy cần thử độ mặn”.

Dự báo của Viện Lúa ĐBSCL cho thấy, các tiểu vùng trong khu vực như bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, ven biển, phù sa ngọt đều bị ảnh hưởng hạn, mặn. Khoảng 500.000 ha lúa ở ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ đông xuân 2010 – 2011 và hơn 100.000 ha lúa có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập nặng nề, chủ yếu ở các tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre và Hậu Giang. Đặc biệt là nông dân vùng bán đảo Cà Mau (tỉnh Kiên Giang) đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ngay đầu vụ.

Ông Nguyễn Đình Vượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thuỷ nông và cấp nước, thuộc Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam cho rằng, năm nào tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn ở ĐBSCL cũng diễn ra. Vì vậy chính quyền, ngành chức năng và người dân các địa phương cần có biện pháp chủ động phòng chống để thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng:

Ông Nguyễn Đình Vượng cho biết thêm: “Thường thì mặn lên đỉnh điểm vào khoảng tháng 4 hàng năm, hiện nay chưa diễn ra ở mức độ gay gắt. Điều quan trọng là người dân cần nắm bắt thông tin về tình hình hạn, mặn từ các địa phương để có kế hoạch xuống giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý hơn”.

Hiện nay, các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn và các Công ty khai thác công trình thủy lợi tổ chức quan trắc, thông báo tình hình khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn thường xuyên trên hệ thống thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động đối phó; tích cực làm thủy lợi nội đồng, theo dõi tình hình nhiễm mặn trên hệ thống sông rạch để có kế hoạch lấy nước tưới phù hợp. Đồng thời, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, hệ thống dẫn nước, kênh rạch, ao hồ có khả năng trữ nước ngọt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên