Xem người Cơ Tu làm nông thôn mới
(VOV) -Đời sống phát triển, xã Lăng đang tiến tới một nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống
Khi còn huyện Hiên (trước đây), xã Lăng (Tây Giang ngày nay) được biết đến bởi sự sầm uất, náo nhiệt của đa số người vãng lai tìm về nơi đây để mưu sinh.
Sau năm tái lập huyện (năm 2003), xã Lăng cũng là nơi đặt trung tâm huyện lỵ đầu tiên của Tây Giang. Giờ đây, mảnh đất xã Lăng đang dần đổi thay từng ngày, tạo lối đi theo hướng diện mạo nông thôn mới rõ rệt.
Phố núi Cr’veéh...
Khi chưa tách huyện, xã Lăng đã được nhiều người biết đến là nơi tạo ra công ăn việc làm cho những ai dám vượt đường xa, đi bộ dài ngày để đến được nơi đây. Con đường từ trung tâm P’rao đến xã Lăng dài hơn 40km, nhiều người lặn lội đi bộ phải mất 4 đêm ngủ dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh cũ mới đến được thôn Cr’veéh.
Thôn Por'ning vào hội |
Cr’veéh là thôn trung tâm xã, ai lên các xã khu 7 hoặc xuống P’rao đều dừng chân ở đây mua hàng, nghỉ đêm. Nếu dọc tuyến đường đi là những bản làng lụp sụp, vắng bóng người qua lại, thì khi đến thôn Cr’veéh, nhiều người ngỡ ngàng với sự náo nhiệt, mang dáng dấp của một “đô thị” thu nhỏ nơi tuyến biên giới này.
“Văn hóa và lối sống giản dị của người Cơ Tu tạo nên những điều mới lạ, thu hút nhiều nhà nghiên cứu về với người dân bản địa để khám phá nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Cơ Tu.” - ông Bh’riu Pố, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lăng cho biết.
Xã Lăng nằm trong lòng chảo được bao bọc bởi những quả đồi có rừng xanh với hàng trăm cây cổ thụ được bảo vệ từ thế hệ trước đến hôm nay. Con đường vào trung tâm xã dài hơn 3km đã được nhựa hóa cách đây hơn 15 năm. Đây là xã đầu tiên được ưu tiên bố trí vốn đầu tư đạt tiêu chí đường bê tông hóa giao thông nông thôn của huyện Hiên trước đây. Bởi vậy, lúc bấy giờ khi du khách lên đây luôn bất ngờ trước sự hoành tráng của phố núi Cr’veéh.
Thôn Tary, xã Lăng |
“Trung tâm xã Lăng được huyện chú trọng quy hoạch sớm, nhưng không làm phá vỡ nét đặc trưng văn hóa làng. Phát triển bộ mặt nông thôn thì phải đi kèm với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa, có như vậy xã Lăng mới có diện mạo mới như hôm nay.”- ông Alăng Reng, Chủ tịch UBND xã Lăng tự hào khoe.
Nông thôn mới từ người dân...
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài của cán bộ, đảng viên và nhân dân, vì vậy, sau khi kiểm tra, rà soát các tiêu chí theo quy định xây dựng nông thôn mới của Trung ương và tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài huyện, Đảng bộ và chính quyền xã quyết định phát động xây dựng Nông thôn mới, tuyên truyền tới từng cá nhân và hộ gia đình, đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Ông Alăng Reng cho biết: Hiện nay, một số chỉ tiêu đã đạt được, chỉ tiêu còn lại xã tiếp tục triển khai mạnh và đồng bộ, trong đó chú trọng đến việc phát triển cây cao su để tạo thu nhập cho người dân, giảm dần hộ đói nghèo; nâng cấp, bê tông hóa đường giao thông từ trung tâm xã xuống thôn Tary và kênh mương hóa nội đồng để nhân dân phát triển ruộng lúa nước.
Quang cảnh xã Lăng phát động xây dựng nông thôn mới |
Cũng theo ông Alăng Reng, hiện nay toàn xã đã trồng trên 376 ha cao su, điển hình là thôn Pơr’ning 146 ha, Ta ry 67,8 ha, Arớh 53,7 ha, tạo cho hơn 500 lao động địa phương có việc làm, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng/người, hộ nghèo năm 2012 còn 138 hộ/419 hộ, giảm 24 hộ so với năm 2011.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu nơi đây được chú trọng giữ gìn. Khắp các thôn của xã Lăng đều có đội múa cồng chiêng, hát lý, baboóch.
Pơr’ning là thôn điển hình còn giữ nguyên vẹn văn hóa làng truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Nơi đây thường xuyên diễn ra các lễ hội làng, giao lưu văn hóa thập phương, tô thêm văn hóa bản địa càng đằm thắm hơn.
Tary là thôn xa nhất của xã Lăng, trước đây phải đi bộ hơn hai giờ đồng hồ mới đến được thôn. Giờ đây, nhờ sự hưởng ứng từ nhân dân hiến đất mở tộng đường nên ôtô đã về đến bản, hàng hóa cũng được bán tại thôn, không còn phải lặn lội lên xã mua như trước. “Nếu ai cũng đòi Nhà nước “cho” tiền thì làm sao có đường đến thôn, san ủi mặt bằng bố trí dân cư ổn định như hôm nay được. Bà con mình hết vất vả rồi, giờ đây trẻ em đã có trường học trong thôn, nước sạch đã về đến hộ gia đình, điện thắp sáng đã có, không cần lo gì nữa mà chỉ lo phát triển kinh tế gia đình thôi”-anh Bh’ling Lê phấn khởi.
Trung tâm xã Lăng giờ đã sầm uất |
Bh’ling Lê là gương điển hình của xã trong việc phát triển kinh tế xã đình. Anh đã tích góp mở gian hàng buôn bán tại thôn, thu mua các loại nông sản của bà con, đem bán lại cho các thương lái. Anh còn đầu tư trang trại chăn nuôi heo cỏ địa phương, tạo thu nhập cho gia đình khá ổn định.
Theo anh Bh’ling Lê, việc xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ bàn tay nông dân, ai cũng chú tâm làm ăn theo định hướng của nhà nước thì một ngày sớm nhất cũng góp phần cho xã xây dựng thành công nông thôn mới.
Về xã Lăng hôm nay, những nếp nhà được dựng trên nền mặt bằng mới theo hình bầu dục, mang hơi ấm truyền thống văn hóa làng Cơ Tu. Những con đường dẫn vào thôn, hộ gia đình đã được mở rộng và bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.
Ngôi trường xã và thôn rộn ràng tiếng đọc bài của trẻ thơ, đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong nay mai. Người dân cũng không còn e ấp, thẹn thùng khi tiếp xúc, trao đổi hàng hóa với người dưới xuôi lên. Kinh tế phát triển, đời sống đi lên, xã Lăng đang tiến gần tới một nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thông đặc sắc của người Cơ Tu./.