Phụ huynh buồn bã vì đặt nguyện vọng kiểu "đánh bạc"
VOV.VN - Sau khi có kết quả điểm chuẩn các trường THPT công lập tại Hà Nội, sáng nay (2/7), nhiều phụ huynh đã mang theo hồ sơ đến Trường THPT Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội để xác nhận thông tin và kết quả tuyển sinh.
Từ 6h kém, nhiều phụ huynh đã mang theo hồ sơ đến Trường THPT Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội để xác nhận thông tin kết quả tuyển sinh. Dù số lượng phụ huynh đến trường đông nhưng việc lấy số thứ tự, xếp hàng vào làm thủ tục diễn ra trật tự.
Đặt nguyện vọng kiểu "đánh bạc"
Đến trường từ 6h30, nhưng số thứ tự của chị Phạm Thị Nụ (ở Điện Biên Phủ, Hoàn Kiếm) đã là 109. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT vừa qua, con trai chị được 34.5 điểm, đồng nghĩa với việc trượt cả 2 nguyện vọng vào Trường THPT Trương Định và Trường THPT Ngọc Hồi.
“Đến đây thấy phụ huynh đông quá, gia đình hy vọng con đỗ vào đây thôi nhưng cũng phải nộp một trường dân lập nữa rồi”, chị Nụ nói.
Trong lúc đợi đến giờ làm việc, chị Nụ kể, biết học lực của con "vừa phải" gia đình đã nghiên cứu đặt nguyện vọng 2 vào Trường THPT Ngọc Hồi. Năm ngoái trường này chỉ lấy 32 điểm nhưng điểm chuẩn năm nay tăng vọt lên tận 37.75.
Chị Nụ nói đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 ở Hà Nội giống như "đánh bạc". “Tiếc lắm, vì nhà mình thuộc khu vực của Trường THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng. Gia đình mình cũng rất thích trường ấy nhưng năm ngoái điểm chuẩn vào trường tận 40. Cô giáo tư vấn học lực của con chỉ đủ vào Trương Định. Do đó, mình không đặt nguyện vọng vào THPT Đoàn Kết nữa mà thay đổi sang THPT Trương Định. Kết quả là trường Đoàn Kết thì giảm mạnh còn 23.75 còn Trương Định thì không đỗ. Đúng là may hơn khôn”, chị Nụ nhăn nhó.
Đến trường từ 7h kém, chị Nguyễn Thanh Hương ở Quốc Tử Giám nhận xét, “năm nay không đông như năm ngoái”. Có thể phụ huynh có con ở ngưỡng trên 36-37 điểm vẫn hy vọng các trường sẽ hạ điểm chuẩn nên chưa nộp hồ sơ còn con mình thì thấp quá rồi”.
Chị Hương cho biết, con chị thi được 34.25 điểm, trượt cả 2 nguyện vọng THPT Trần Hưng Đạo và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Trước đó, từ tháng 4/2023 chị Hương đã nộp tiền giữ chỗ vào Trường THPT dân lập Văn Lang. “Mình giữ chỗ ở trường dân lập nhưng hy vọng con mình được tuyển sinh vào THPT Hoàng Cầu vì mấy năm gần đây chất lượng của trường này đi lên”, chị Hương nói.
Đi cùng mẹ nộp hồ sơ, em Phạm Đỗ Quyên, HS trường THCS Trung Phụng nói chỉ được 35.75 điểm. Điều đó đồng nghĩa em không đạt cả 3 nguyện vọng THPT Đống Đa (điểm chuẩn 36.5), THPT Khương Hạ (điểm chuẩn 36), THPT Ngọc Hồi (36.75).
Quyên buồn bã, kể từ khi biết điểm cả gia đình em đều buồn. Hôm qua cả nhà bàn với nhau các phương án. Sắp tới, em sẽ phúc khảo. Nếu có cơ hội em muốn vào học trường Đống Đa là trường công lập để tiết kiệm cho bố mẹ”.
Không có hộ khẩu ở Hà Nội nên Nguyễn Hữu Thành, HS Trường THCS Nhân Chính phải “thi nhờ” để lấy điểm xét tuyển vào các trường công lập tự chủ hoặc dân lập. Tuy nhiên, với điểm thi 34.75 điểm, Thành nói em không tự tin trúng tuyển vào trường THPT Hoàng Cầu. Nhất là khi sáng nay dù hai mẹ con em đến từ 6h kém nhưng số thứ tự đã là 80 vì có đông phụ huynh đã xếp hàng lấy số từ trước.
“Gia đình cũng thích Trường THPT Phan Huy Chú nhưng học phí và cả điểm chuẩn cao hơn trường THPT Hoàng Cầu. Tôi đã đặt chỗ cho con vào Trường THPT Lê Hồng Phong, Hà Đông”, chị Hằng, mẹ của Thành nói.
Nhà trường lo ảo
Theo cô Nguyễn Thị Lan Phương, phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, năm học 2024-205 nhà trường tuyển 675 chỉ tiêu, tăng hơn 100 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trường ban đầu chỉ có 12 lớp nhưng năm nay có 14 lớp. Nhà trường xây thêm 7 phòng học.
Năm nay, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, nhà trường đã tổ chức đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Ngay từ 2/5 nhà trường đã công khai thông tin trên website. “Nhà trường cũng có zalo, app Hoàng Cầu để phụ huynh truy cập vào đăng ký, khi phát hành hồ sơ cũng có mã QR, mỗi HS có mã riêng biệt, nhập thông tin con vào”.
Cô Lan Phương cho biết, nhà trường đã nhận được gần 2000 hồ sơ đăng ký trực tuyến nhưng nhà trường vẫn rất lo thí sinh ảo.
“Hiện nay, nhà trường vẫn triển khai công tác dự tuyển. Đến 5/7 khi có phiếu điểm về mới tiến hành lọc ảo được. Chỉ khi nào phụ huynh đăng ký chốt được phần điểm, mang phiếu điểm đến, nhà trường tiến hành kiểm tra, thu phiếu điểm có dấu đỏ mới chốt”, cô Phương cho biết.
Buồn thôi, đừng buồn quá!
Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có tỉ lệ HS đỗ vào THPT công lập thấp. Theo TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, nên nhìn nhận xu hướng này ở góc độ tích cực. Việc phân luồng là chuyện tất yếu để đảm bảo sự phát triển nguồn nhân lực, lực lượng lao động.
Trong một kỳ thi có cháu đỗ cháu trượt, thời điểm này cha mẹ và thầy cô cần bên cạnh các cháu để có những định hướng phù hợp. Cả cha mẹ và các con cần thống nhất nhận thức thi vào cấp 3 chỉ là một sự kiện bắt đầu cho một quá trình học tập. Trượt cấp 3 không có nghĩa là thất bại trong tương lai. Sự thành công không nhất thiết cứ phải thi vào cấp 3 công lập, đỗ nguyện vọng 1. Có nhiều cách thức, con đường thành công như học ở trường tư, học nghề, học GDTX vẫn có cơ hội thành công. “Thành công phụ thuộc vào chính mình chứ không phụ thuộc vào môi trường mà họ học. Thua keo này ta bày keo khác, phải biết tiếp tục lập kế hoạch và biết vươn lên trong cuộc sống”, TS. Hoàng Trung Học nói.
Điều quan trọng là con đã cố gắng hết sức mình thì kể cả trượt cũng không có gì đáng xấu hổ. Lúc này cha mẹ cần bên con, tránh chỉ trích, dành cho con một thời gian để con bình tĩnh lại. Cha mẹ cũng có thể tổ chức đi chơi ở đâu đó vài ngày cho khuây khỏa. Khi trở về , sẽ cùng con tiếp tục tìm phương án 2. Đứa trẻ sẽ cùng quẫn, stress, lo âu, trầm cảm khi không tìm được con đường ra. Khi đứa trẻ được bố mẹ hỗ trợ tìm ra hướng đi thì cảm xúc tiêu cực sẽ giảm xuống và có động lực vươn lên.
TS Hoàng Trung Học khuyên, kể cả những cháu đỗ thì “vui thôi đừng vui quá” vì đây chỉ là khởi đầu, niềm vui của người này nhưng có thể lại là nỗi buồn của người khác. Hơn nữa, khi vui quá đứa trẻ không hiểu đúng kết quả và thành tích cháu đạt được, cho mình xả hơi không phù hợp, vào cấp 3 thì sức học và quá trình nỗ lực của các cháu có thể giảm xuống.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, phó hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, với những cháu không đỗ cấp 3, gia đình cần có định hướng cho các bạn sang những con đường khác để đón nhận cơ hội phát triển. Đây cũng là thời điểm cha mẹ cần giúp con cân đối trụ cột sức khỏe tinh thần. Khuyến khích con tham gia các hoạt động như bình thường về mặt thể chất, không nhốt mình vào không gian kín, hẹp cũng đừng để các bạn cô đơn không kết nối. “Cần chia sẻ để con có thể kết nối với mạng lưới xã hội. Nếu con cảm thấy buồn, cần yên lặng một chút thì con có thể giành cho mình không gian riêng tư, nếu không thoải mái con có thể viết ra cũng được nhưng bố mẹ sẵn sàng lắng nghe con và chúng ta còn nhiều kế hoạch phía trước”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.