Phục hồi hệ sinh thái để sếu sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

VOV.VN - Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã từng ghi nhận hơn 1.000 cá thể Sếu đầu đỏ di cư đến sống. Thế nhưng những năm gần đây, Sếu về ít, có những năm Sếu không về, điều này cho thấy môi trường sống có sự thay đổi và đã đến lúc phải có chiến lược để giữ chân Sếu ở tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

 

Hơn 30 năm gắn bó với công tác phòng cháy, chữa cháy của Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, ông Đỗ Minh Chánh, 59 tuổi không lúc nào rời mắt khỏi những gốc tràm, mảng xanh ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Gắn bó gần như cả đời người với Tràm Chim, ông Chánh luôn nở nụ cười khi đưa du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng tràm bạt ngàn và cũng là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Ông Chánh chia sẻ, tham gia bảo vệ rừng từ năm 1993, cũng chính từ ngày gắn bó với rừng tràm ông đã nặng lòng với sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới. Hàng ngày, khi ở trạm canh gác, ông Chánh cùng các đồng nghiệp luôn dõi, quan sát và phóng tầm mắt ra phía xa để mong được nhìn thấy sếu đầu đỏ di cư về lại Tràm Chim.

Ông Đỗ Minh Chánh vẫn còn nhớ như in vào khoảng những năm đầu 90, số lượng sếu đầu đỏ di cư về Tràm Chim có lúc lên đến hàng ngàn con. Năm nào sếu về, ông Chánh cũng được gặp sếu. Vẻ đẹp của loài sếu khiến những người gắn bó với rừng tràm như ông càng thêm mê mẩn.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với rừng tràm, ông Chánh cho biết, sếu đầu đỏ thường về Tràm Chim khoảng đầu tháng 1 dương lịch. Nhưng từ sau năm 2001, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim thưa dần khiến những người gắn bó với rừng như ông cảm thấy buồn, hụt hẫng như vừa chia tay một người bạn mà chẳng không biết khi nào mới gặp lại.

UBND tỉnh Đồng Tháp đang triển khai Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 để đón những cánh sếu về lại Tràm Chim. Khi biết được tin này, bản thân ông Chánh đã không giấu được vui mừng và bày tỏ sẽ nỗ lực hết sức, sẵn sàng chung tay bảo vệ đàn sếu quý hiếm này.

Với ông Chánh, rừng không chỉ là hệ sinh thái mà còn là “chốn thiêng” cần được nâng niu giữ gìn. Như “đôi mắt” luôn canh gác cho rừng, ông Chánh không luôn quan sát và kiên nhẫn dõi theo từng cánh sếu bay về Tràm Chim. Với ông Chánh, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã trở thành ngôi nhà thứ hai, giờ đây không chỉ là trách nhiệm của người gác rừng, mà đó là niềm trăn trở với sếu, loài chim quý hiếm và rất đặt biệt ở nơi đây.

“Sếu đi rồi trở về cũng như kiểu có người thân về đoàn tụ với gia đình vậy đó. Nó quay về số lượng giảm khiến tôi buồn với hụt hẫng tâm lý mà không hiểu lý do gì. Các nhà nghiên cứu tạo lại hệ thái để sếu trở về ở đây rất vui mừng vì đàn sếu có lâu đời rồi nhưng nếu đàn sếu giảm thì thế hệ con cháu mình sau này sẽ không biết được loài sếu này. Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và sẵn sàng chung tay để bảo vệ cái môi trường sinh thái phục hồi trở lại”, ông Đỗ Minh Chánh chia sẻ.

Trong những năm 2017 - 2018, sếu đầu đỏ quay lại Tràm Chim nhưng chỉ cư ngụ thoáng chốc rồi đi. Đến năm 2019, những cá thể sếu đầu đỏ lại về Tràm Chim. Năm 2020, sếu không về Tràm Chim. Đến năm 2021, 3 con sếu đầu đỏ di cư trở về, nhưng rồi vắng bóng suốt 2 năm sau đó. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2024, có 4 sếu đầu đỏ di cư trở về.

Theo một số ghi chép và tư liệu đang lưu giữ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim thì gần 30 năm trước có hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ di cư đến sống tại Tràm Chim trở thành niềm tự hào của người dân Đồng Tháp. Nhưng từ khi đó đến nay đàn sếu về thưa dần rồi có những năm sếu không về nữa.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) không khỏi suy tư trước sự sụt giảm nghiêm trọng của loài sếu được mệnh danh quý hiếm nhưng lại xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (Tổ chức IUCN). 

UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Mục tiêu chung trong vòng 10 năm, nuôi thả 100 cá thể sếu, tối thiểu có 50 cá thể sống sót.

Để thực hiện đề án này, nhiệm vụ được đặt ra là nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Song song với đó là cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu.

Theo thạc sĩ Bảo, không chỉ dừng lại ở 1 năm, 2 năm, công cuộc phục hồi môi trường sống cho sếu phải là câu chuyện dài hơi có thể là chục năm, thậm chí cả trăm năm. Thạc sĩ Bảo nhấn mạnh, để phục hồi nguyên bản môi trường Đồng Tháp Mười như trước kia rất khó, nhưng chúng ta có thể chung tay để phục hồi được phần nào đó với mục tiêu trong suốt 10 năm. Để sếu trở về, phải bắt tay vào phục hồi môi trường sống xung quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim, phục hồi trong vùng lõi, phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp và đặc biệt kêu gọi sự ủng hộ của người dân địa phương.

Theo ông Bảo, điều cốt lõi là tạo sinh kế, giúp bà con nhìn thấy được lợi ích của việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang mô hình lúa sinh thái, để trên mỗi mảng xanh của lúa, sếu và các loài chim muông có thể sinh sống mà không sợ hóa chất cùng sự ô nhiễm môi trường đe dọa. Bên cạnh đó, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp với phát triển du lịch, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái để từ chính mảnh đất từng hứng chịu hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, loài sếu đầu đỏ quý hiếm bậc nhất có thể sống và sinh sôi.

“Điều chúng tôi mừng nhất được cộng đồng quan tâm, đặc biệt người dân ở Tam Nông ủng hộ chương trình này. Chương trình này đem lại niềm hy vọng rất lớn để chúng ta phục hồi đàn sếu. Để người dân ủng hộ, phải tạo ra được sinh kế bền vững hơn, không phải sản xuất nông nghiệp mà giúp cho họ làm được nền kinh tế nông nghiệp công việc như du lịch cũng như nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện phục hồi”, ông Nguyễn Hoài Bảo cho hay.

Hơn 30 năm lặn lội với hoạt động bảo tồn sếu đầu đỏ, từ nỗi niềm đau đáu, trăn trở khi đàn sếu Việt Nam - Campuchia bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng, đến thời điểm hiện tại, tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc Chương trình Bảo tồn sếu Đông Nam Á vui mừng khi sự chung tay của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cùng chung tay đưa đàn sếu trở về với Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo ông Triết, đàn sếu đầu đỏ Việt Nam - Campuchia thường di chuyển theo mùa, vào mùa mưa là mùa sinh sản sếu sẽ ở phía Bắc Campuchia, đến mùa khô sếu mới di cư về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Kiên Giang. Do đó muốn có đàn sếu định cư ở khu vực này quanh năm, cần phải có nơi sống thích hợp cho sếu, quan trọng nhất là nơi ở trong mùa sinh sản. Trong giai đoạn sinh sản, sếu đầu đỏ sẽ ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn, đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Bởi vậy ruộng lúa phải đảm bảo chất lượng môi trường trong sạch, không có hóa chất độc hại, canh tác lúa thân thiện với môi trường, sinh vật và đảm bảo an toàn.

Có giai đoạn dài Vườn Quốc gia Tràm Chim giữ nước vì yêu cầu phòng cháy, chữa cháy cho rừng tràm, điều này đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái, dẫn đến môi trường sống không phù hợp với sếu đầu đỏ. Cuối năm 2023, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã điều tiết nước nhằm tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên của Tràm Chim, đại diện hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. 

“Để làm được việc có một đàn sếu sống ở đây quanh năm, chúng ta biết rằng, sếu sống ở ngoài ruộng lúa thì ta phải xây dựng được khu vực canh tác nông nghiệp xung quanh đây, đặc biệt là canh tác lúa cho thân thiện với môi trường, thân thiện với sinh vật nó an toàn. Chúng ta có nhiều tên gọi lúa sinh thái, lúa hữu cơ, lúa tái sinh, như vậy cái cốt lõi của loại hình sản xuất nông nghiệp là nó phải có một môi trường trong sạch”, TS. Trần Triết chia sẻ thêm.

Ngập, khô luân phiên là điều kiện sinh thái tự nhiên và nhờ sự điều tiết nước phù hợp đã phục hồi nhanh chóng hệ sinh thái. Qua một 1 năm điều tiết nước, các nhà khoa học rất bất ngờ khi Vườn Quốc gia Tràm Chim đã đón rất nhiều loài chim quay về. Đặc biệt năm 2024, đã có 4 cá thể sếu đầu đỏ đã bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự môi trường đang được quản lý đúng đắn, phục hồi được nơi sống và thả sếu, thu hút sếu tự nhiên tìm về.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

4 cá thể Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau thời gian vắng bóng
4 cá thể Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau thời gian vắng bóng

VOV.VN - Theo Vườn quốc gia Tràm Chim, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 7/3, trong lúc kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy và chuẩn bị các bước cần thiết phục vụ cho đợt diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, viên chức và nhân viên Vườn quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận 4 cá thể Sếu đầu đỏ tại phân khu A5.

4 cá thể Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau thời gian vắng bóng

4 cá thể Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau thời gian vắng bóng

VOV.VN - Theo Vườn quốc gia Tràm Chim, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 7/3, trong lúc kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy và chuẩn bị các bước cần thiết phục vụ cho đợt diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, viên chức và nhân viên Vườn quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận 4 cá thể Sếu đầu đỏ tại phân khu A5.

Bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

VOV.VN - Tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim trong vòng 10 năm từ năm 2022 – 2032 với kinh phí thực hiện khoảng 185 tỷ đồng. Đề án tập trung vào biện pháp nuôi và khi được thả ra sếu có thể tự sinh sản và tồn tại ngoài tự nhiên với hy vọng sếu luôn hiện diện tại vườn Quốc gia.

Bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

VOV.VN - Tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim trong vòng 10 năm từ năm 2022 – 2032 với kinh phí thực hiện khoảng 185 tỷ đồng. Đề án tập trung vào biện pháp nuôi và khi được thả ra sếu có thể tự sinh sản và tồn tại ngoài tự nhiên với hy vọng sếu luôn hiện diện tại vườn Quốc gia.

Triển vọng mới phục hồi sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim
Triển vọng mới phục hồi sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

VOV.VN - Sẽ chuyển giao sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

Triển vọng mới phục hồi sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

Triển vọng mới phục hồi sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

VOV.VN - Sẽ chuyển giao sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.