PTT Vũ Đức Đam: Đảm bảo ATTP phải đưa vào tiêu chí thi đua
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần đưa đảm ATTP vào tiêu chí thi đua như làng văn hoá, nông thôn mới.
Phát biểu ý kiến trước Quốc hội trong chiều nay về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, về ATTP chúng ta có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt được yêu cầu. Chính phủ cho rằng chúng ta cần quyết tâm hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, về ATTP chúng ta có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt được yêu cầu.
Năng lực thực hiện còn hạn chế
Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc Quốc hội lập đoàn giám sát về ATTP, hoạt động giám sát của QH cũng như báo cáo của QH.
“Có thể nói, đây là cuộc giám sát rất quy mô. Ngay khi chuẩn bị giám sát, chúng tôi đã bàn, phối hợp để phục vụ đoàn giám sát, tạo sự chuyển biến nhiều ngành nhiều cấp. Kết quả giám sát vừa qua không chỉ đánh giá tiến bộ, hạn chế trước đây mà quá trình khảo sát nhiều địa phương, qua làm việc với đoàn giám sát, đã có kết quả tốt hơn.
Trước khi QH quyết định có đoàn giám sát, Chính phủ đã ý thức được vấn đề quan trọng là phải đảm bảo ATTP”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các tổ chức quốc tế từ đầu năm 2016: “Chúng tôi cũng đã đề nghị các tổ chức quốc tế cùng với Ngân hàng thế giới và 1 số tổ chức làm nghiên cứu độc lập về ATTP ở Việt Nam trùng hợp với thời điểm đoàn giám sát của QH.
Báo cáo đưa ra cho thấy cách thể hiện khác nhau nhưng đánh giá nguyên nhân thực trạng, giải pháp… cơ bản giống nhau. Điều đó cho thấy chúng ta có giám sát, đánh giá báo cáo khách quan”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, báo cáo của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá rằng, hệ thống pháp luật giám sát ATTP của Việt Nam đứng đầu các nước trong khu vực, chỉ có năng lực thực hiện còn hạn chế.
“Chúng ta đã chuyển từ cắt ngang sang cắt dọc theo chuỗi là đúng với xu thế thế giới. Nhiều mô hình trên thế giới cho thấy không mô hình nào giống mô hình nào, không mô hình thành công nào áp dụng được cho tất cả các nước khác vì sự vận hành khác nhau; tình hình sản xuất khác nhau.
Ở Việt Nam chúng ta, đặc biệt với 2 dạng: Doanh nghiệp sản xuất lớn và sản xuất tiêu dùng theo hộ kinh doanh, nhỏ lẻ. Việt Nam có 9 triệu hộ sản xuất, nửa triệu hộ chế biến”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.
Quản lý vấn đề ATTP sẽ không giao cho một cơ quan
Nói về việc nhiều đại biểu cho rằng cần giao về một bộ quản lý ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Chúng ta khó tổ chức được 1 cơ quan thuộc Chính phủ hay một Bộ. Bởi lẽ, Bộ NN& PTNT chuyên nuôi trồng không thể quản lý thực phẩm chức năng. Do đó, có cơ chế giao nhiệm vụ theo từng việc chính cho từng bộ ngành.
“Chúng tôi chia sẻ với cơ chế điều phối chung dưới dạng Ban chỉ đạo cấp từ Chính phủ đến cấp tỉnh, huyện. Điều này không chỉ riêng với vấn đề ATTP. Phần lớn các Ban chỉ đạo nằm ở 1 số cơ quan.
Ban chỉ đạo ATTP Trung ương có 14 thành viên, Ban chỉ đạo sinh hoạt định kỳ một năm 2 lần, còn chủ yếu làm ở bộ phận thường trực, khi có việc liên quan đến bộ ngành mới họp. Tôi tin rằng ở địa phương cũng tương tự, vấn đề quan trọng là người đứng đầu ủy ban các cấp”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Đánh giá về ATTP, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt được yêu cầu, cần quyết tâm hơn, sự kiên trì hơn.
“Chúng tôi đồng tình ý kiến của ĐBQH, tới đây vấn đề đảm bảo ATTP phải đưa vào tiêu chí thi đua như làng văn hóa, nông thôn mới” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, mới đây Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thành lập một kênh phát thanh chuyên biệt về Sức khỏe và An toàn thực phẩm, qua đây những vấn đề về vệ sinh ATTP sẽ được thông tin rộng rãi đến người dân cả nước. Cũng qua kênh này sẽ nhân rộng các mô hình cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn, đồng thời lên án, tẩy chay những cơ sở làm ăn gian dối, không đảm bảo ATTP./.