Quá nhiều phiền toái về giấy test nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2
VOV.VN - Để phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết các tỉnh khu vực ĐBSCL quy định người dân từ tỉnh khác vào phải có giấy chứng nhận test nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2. Quy định này gây nhiều tranh cãi.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, hiện địa phương không sử dụng kết quả xét nghiệm của tỉnh khác. Mỗi người dân muốn vào An Giang phải xét nghiệm và chỉ có giá trị sử dụng một ngày.
“Đối với những người đi từ vùng dịch, đi từ ngoài tỉnh về mà đưa giấy xét nghiệm âm tính chỉ là cơ sở thôi, còn đều phải xét nghiệm lại. Đối với những xe tải chở hàng hóa, phải xuất trình hóa đơn xuất nhập hàng hóa phù hợp để các chốt nhìn vào đó xác định đối tượng này và test nhanh mỗi ngày chứ không phải là 3 ngày. Quy định ở đâu không biết, nhưng vào An Giang mỗi ngày test có âm tính hợp lệ thì cho qua, còn không thì phải quay đầu xe”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp quy định người vào phải có xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 còn thời hạn; công nhân, người lao động, chuyên gia đi làm hàng ngày, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa có thể sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 còn trong thời hạn và giấy xác nhận của cơ sở, doanh nghiệp. Đồng Tháp cũng sẽ xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 như tụ tập đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Xét nghiệm PCR phải được CDC ở các tỉnh, thành được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận. Còn những giấy chỗ khác thì cũng phải được Bộ Y tế cho phép đây là đơn vị được công bố kết quả thì mình mới chấp nhận nhằm tránh tình trạng giả mạo.
Hầu hết các địa phương trong khu vực đồng ý sử dụng kết quả xét nghiệm âm tính của tỉnh khác nhưng thời hạn sử dụng khác nhau. Có tỉnh thì 3 ngày, có tỉnh thì từ 5 - 7 ngày. Đối với Tiền Giang quy định người vào phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.
Với quy định này, nhiều tài xế và người tham gia giao thông đi qua tỉnh Tiền Giang rất bức xúc và phản ứng gay gắt việc các lực lượng chức năng chặn đường yêu cầu tài xế phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2, nếu không thì không được ra vào địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Các chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Bến Tre cũng yêu cầu tài xế và người tham gia giao thông phải có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2. Người chưa có giấy phải dừng lại test nhanh và khi có kết quả âm tính mới được vào Bến Tre. Người tham gia giao thông cho rằng, việc yêu cầu phải xét nghiệm PCR như ở tỉnh Tiền Giang rất bất cập vì hiện nay hầu hết các địa phương không có dịch vụ này.
Riêng test nhanh vừa mất thời gian, người khi đã test nhanh xong vẫn có thể nhiễm bệnh và tiếp tục lây sang người khác. Hơn nữa, các điểm test nhanh trên các trục lộ hiện nay xảy ra ùn ứ giao thông, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.
Anh Phạm Nguyên Khang, một tài xế ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang phản ánh: “Tôi thấy test nhanh bất cập quá. Ví dụ tôi vừa test ở trung tâm y tế xong, ra tiếp xúc với nhiều người là bị nhiễm rồi. Với Tiền Giang thì tôi nghĩ, nên bỏ xét nghiệm PCR đi. Tôi đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu lại, việc test nhanh này không hiệu quả. Bộ GTVT nên cấp mã QR cho từng chiếc xe và từng tài xế đó phải xét nghiệm, rồi giao về cho Sở GTVT các tỉnh quản lý các xe đó”.
Còn anh Nguyễn Văn Sĩ – khu dân cư 91B, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh cũng như yêu cầu phải có giấy xét nghiệm mới qua đi vào thành phố được nên anh cũng hạn chế đi lại. Anh mong muốn nếu có được hỗ trợ phần nào về chi phí xét nghiệm, công việc mưu sinh của anh đỡ vất vả hơn.
“Tôi mới xét nghiệm hôm qua, còn ngày mai nữa là phải đi rồi. Một lần xét nghiệm phải đóng 238.000 đồng, tính ra một tháng bỏ chi phí xét nghiệm khoảng 2,4 triệu đồng, hết lời rồi. Còn các chi phí khác, tiền lời mình giảm nhiều, những vẫn phải làm, bởi cách 1 ngày đi 1 lần, còn nếu tình hình như hiện nay chắc phải 2,3 ngày mới đi lần”, anh Sĩ nói.
Vĩnh Long cũng có quy định phải có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 và ngay cả người dân của địa phương muốn ra khỏi tỉnh cũng phải có giấy chứng nhận này để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.
Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, mặc dù quy định này gây khó khăn cho người đi đường nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp như hiện nay, tỉnh cần phải xiết chặt về người ra vào tỉnh.
“Không thể xem xét được, nếu xem xét cho vào thì không thể ngăn chận được nhất là người từ Đồng Tháp và TP.HCM về, hầu như người nào vào Vĩnh Long cũng dương tính. Do đó buộc phải thực hiện. Có nghĩa là trước khi đi người dân phải có giấy chứng nhận đó, chứ Vĩnh Long không làm cho tỉnh khác. Người dân ở Vĩnh Long trước khi đi phải có giấy xét nghiệm trước”, ông Văn Công Minh cho hay.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có cách làm thống nhất và đồng bộ như hạn sử dụng giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 phải giống nhau và chi phí xét nghiệm cũng thống nhất để người dân thực hiện trong tình hình dịch bệnh khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng nêu vấn đề liệu tờ "giấy thông hành" này có đảm bảo an toàn, không lây nhiễm hay không?