Quảng Bình: Đào tạo kỹ năng nghề cho lao động đi xuất khẩu
VOV.VN - Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đưa 5000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, tập trung đào tạo lao động có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, am hiểu văn hóa, có tính kỷ luật cao khi đi làm việc nước ngoài.
Mới đây, anh Ngô Đình Quang, 37 tuổi, ở phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đáp chuyến bay về nước sau khi hoàn thành đợt lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo hợp đồng xuất khẩu lao động. Sau khi về nước, anh Quang tham gia các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề chuẩn bị đăng ký đi đợt tiếp theo.
Theo anh Ngô Đình Quang, ngoài tay nghề tốt thì lao động nước ngoài cũng nên quan tâm thêm các kiến thức về văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật của nước sở tại để bớt đi những bỡ ngỡ ban đầu và làm tốt công việc.
“Khi xã, phường thông báo về xuất khẩu lao động, mình có nguyện vọng nên đã đăng ký làm thủ tục để đi nước ngoài. Đi theo thời vụ nông nghiệp thì nhanh chóng, từ ngày làm thủ tục cho đến khi lên máy bay ra nước ngoài trong vòng 1 tháng. Sang đó chủ yếu làm nông nghiệp, trồng sâm, trồng rau củ quả, thảo dược. Tháng đầu tiên làm cũng ổn, mong tạo điều kiện cho những anh em vừa về nước năm sau bay sang lại nước sở tại làm việc thì tốt”, anh Quang nói.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình quan tâm việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có người dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cơ hội tốt giúp người lao động vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng thêm thu nhập, thay đổi tư duy, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều gia đình thoát nghèo nhờ có người đi xuất khẩu lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương: “Về chất lượng xuất khẩu lao động thì chủ yếu tập trung ở lao động chân tay cho nên tay nghề của người lao động chưa được nâng cao. Thời gian tới chúng tôi đề xuất cấp trên để tổ chức tập huấn, đào tạo nghề để người lao động có tay nghề, nhằm xuất khẩu lao động có hiệu quả và mang lại nguồn thu nhập cao hơn”.
Năm 2023, tỉnh Quảng Bình có hơn 6.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt hơn 163% so với kế hoạch. Các ban, ngành, địa phương tỉnh này tập trung đào tạo kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ cho người lao động, giúp nâng cao chất lượng lao động được tuyển dụng và người lao động vững chân ở xứ người. Năm 2024, Quảng Bình đặt mục tiêu tạo việc làm cho 19.500 người, trong đó đưa trên 5.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thực tế thời gian qua, chất lượng lao động tham gia tuyển dụng ở nước ngoài vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Người lao động làm việc ngành ngư nghiệp tuy có kỹ năng đi biển tốt, đáp ứng điều kiện của chương trình nhưng trình độ văn hóa còn hạn chế, việc tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập tiếng Hàn cũng khó khăn, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Nhiều lao động hạn chế về ngoại ngữ dẫn đến mâu thuẫn với chủ lao động rồi bỏ trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương chú trọng công tác đào tạo toàn diện kỹ năng cho người lao động trước khi xuất cảnh.
“Chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt ưu tiên cho các lao động qua đào tạo. Chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp đón bắt nhu cầu của thị trường lao động để có đào tạo phù hợp, tư vấn cho người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bởi vì khi lao động có tay nghề thì khi làm việc ở nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn những ngành nghề có mức lương cao hơn và những thị trường lao động điều kiện lao động tốt hơn”, bà Lan cho hay.