Quảng Nam tìm cách đưa "đảo cát" ngoài biển vào bờ Cửa Đại
VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với các nhà nghiên cứu để tìm cách dịch chuyển nguồn cát bồi ngoài biển vào bờ biển Cửa Đại - vốn bị sạt lở nghiêm trọng.
Hàng chục năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày càng khốc liệt. Trong khi chính quyền và ngành chức năng địa phương đang loay hoay tìm cách nuôi bãi, tạo bãi để giữ bờ thì ngoài biển Cửa Đại xuất hiện một bãi cát lớn, từ bờ có thể nhìn thấy như một đảo nhỏ, gây khó khăn cho tàu thuyền vào ra Cửa Đại.
Tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với các nhà nghiên cứu để tìm cách dịch chuyển nguồn cát ngoài biển vào bờ.
Tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu đưa cồn cát ngoài biển vào bờ. |
Từ năm 2013 đến nay, hầu như năm nào Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng ưu tiên bố trí vốn chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, bằng các hình thức kè cứng kết cấu bê tông cốt thép hoặc túi vải địa kỹ thuật.
Trong 3 năm (từ năm 2014 đến năm 2017), Nhà nước đã đầu tư cả trăm tỷ đồng chống xói lở khẩn cấp hơn 1.350 mét bờ biển Cửa Đại, đoạn từ khu nghỉ dưỡng Victoria đến khách sạn Palm Garden. Đó là chưa kể nguồn kinh phí mà các chủ đầu tư khu resort, khách sạn tự bỏ tiền xây kè để bảo vệ tài sản. Nhưng sau mỗi đợt triều cường, các đoạn kè bị sóng đánh tan hoang.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mức độ xói lở ở khu vực Cửa Đại ngày càng nghiêm trọng. Các công trình được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước hay vốn tư nhân đều chưa đạt được mục đích như mong muốn.
“Các giải pháp công trình lấy việc nuôi bãi, tức là giải pháp mang tính tự nhiên và có kết hợp công trình. Về mặt định hướng chung tôi nghĩ là giải pháp tốt vì đây là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam thì ngoài vấn đề kỹ thuật, hầu như chúng ta rất ít kinh nghiệm triển khai các dự án khôi phục bãi biển bằng đổ cát. Thứ 2 là liên quan đến cả vấn đề là nguồn cát, chất lượng cát. Thứ 3 là vấn đề thi công. Đó chính những vấn đề đó liên quan đến kỹ thuật mà thường gọi là “nuôi bãi” thì bắt buộc phải có các thử nghiệm" - ông Quỳnh phân tích.
Hiện tượng xói lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam xuất hiện từ năm 2000. Khu vực bị xâm thực nhiều nhất là từ bờ Bắc của Cửa Đại đến khu vực biển Cẩm An, thành phố Hội An, dài khoảng 7,5km.
Phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng, nguyên nhân gây xói lở là thiếu hụt bùn cát nên không thể tái tạo được bãi biển. Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Thế, Trưởng khoa Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường, Trường Cao đẳng Công nghệ- Kinh tế và Thủy lợi miền Trung cho rằng, năng lực dòng chảy không đủ sức đưa lượng bùn cát từ thượng lưu sông Thu Bồn về đến cửa Đại.
Các giải pháp kè bằng bao cát không phát huy hiệu quả. |
Bên cạnh đó, cơ chế xói lở bờ biển Cửa Đại là khi có gió mùa Đông Bắc, sóng lớn gây xói lở bờ biển phía Bắc, từ đó lấy đi lượng cát rất lớn. Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thế, bùn cát tạo thành đảo và bãi bồi như hiện nay là từ ngoài khơi theo gió mùa lùa vào chứ không phải lượng cát bồi từ sông Thu Bồn.
Về hiện tượng cát bồi thành đảo ngoài biển, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thế cho rằng, nguyên nhân có thể do xói lở bờ Bắc Cửa Đại và đợt mưa của năm 2017 đưa cát từ thượng lưu sông Thu Bồn tạo thành.
“Năng lượng của sông vào mùa lũ lớn thì có một lượng cát ở thượng lưu đổ về. Thứ 2 là lượng cát ở ven bờ phía Bắc. Đặc biệt là lũ lớn, năng lượng thừa thì mới đưa cát từ thượng lưu xuống được. Còn đối với lũ nhỏ, năng lượng của sông nhỏ thì không có cát đó đâu” - ông Thế nói.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng tình với nhận định của các chuyên gia về cơ chế hình thành đảo cát. Theo ông Thanh, hiện nay ở trước Cửa Đại có 1 bãi bồi đang lớn dần. Bãi bồi này hình thành khoảng 5 đến 6 năm trước, với kích thước nhỏ. Sau đó, vì chế độ dòng chảy ven bờ có thay đổi, mang cát ở phía Bắc thuộc bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An vào phía Nam, phía huyện Duy Xuyên và bị đọng lại chứ không trả về lại theo dòng chảy cũ, dần hình thành nên "đảo cát", gây khó khăn cho tàu thuyền vào ra.
Ông Lê Trí Thanh cho biết, địa phương đang nghiên cứu, thăm dò hút cát từ đảo mới hình thành để phun trả về phía bờ biển Cửa Đại vốn đang bị xói lở nghiêm trọng.
“Nguồn cát trả lại cho bãi biển Cửa Đại ưu tiên lấy từ bãi cát này. Bởi vì bãi cát này nguyên thủy là cát của Cửa Đại, nó đồng dạng, cùng một địa hình, địa mạo, địa chất ở đây, khi phun vào thì sẽ chịu đựng rất tốt và kết dính được với thềm ở biển Cửa Đại".
Cũng theo ông ông Lê Trí Thanh, luồng tàu nguyên thủy nằm ở phía Bắc, nhưng qua thời gian đến bây giờ luồng tàu dịch về phía Nam, dẫn đến dòng chảy cũng dịch về phía Nam, không đưa cát ở sông ra bổ sung cho Cửa Đại. Hướng đang nghiên cứu là dịch chuyển nguồn này ổn định hơn về phía Bắc để tạo điều kiện cho cát trong sông ra cũng về Cửa Đại./.
Quảng Nam thiếu vaccine để đối phó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
Quảng Nam buộc tháo dỡ khu nghỉ dưỡng “chui” trong rừng phòng hộ
Nông dân Quảng Nam lao đao vì tiêu rớt giá, phải chuyển đổi giống