Rào cản chính sách đất đai có gây lãng phí tài nguyên?
VOV.VN - Các thủ tục về đất đai, xác định tiền thuê đất, môi trường… đang là những rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Các doanh nghiệp mong muốn, những rào cản này sớm được tháo gỡ để giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, tạo môi trường kinh doanh bền vững.
Có lãng phí tài nguyên?
Hợp tác xã (HTX) Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện sử dụng 8ha mặt nước, trong đó có 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, 7ha ao chứa và ao lắng. Trong năm 2023, HTX đã nuôi thành công với sản lượng 90 tấn, thu nhập của bà con xã viên được nâng lên rất nhiều.
Theo ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến, việc nuôi tôm mang lại hiệu quả ổn định và HTX đang có kế hoạch mở rộng vùng nuôi nhưng chưa có quỹ đất để đưa vào sản xuất.
Trong khi đó, bên cạnh đất của HTX có khoảng 38.500m2 phù hợp với quy hoạch của địa phương (đất nuôi trồng thuỷ sản) do nhà nước quản lý, chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
Ông Thuyết cho biết thêm, phần đất trên thuộc tờ bản đồ số 10, nằm giáp sông Chợ Bến, một cạnh giáp Tỉnh lộ 44 (huyện Long Điền) rất thuận lợi canh tác, nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thuỷ sản.
Do vậy, Giám đốc HTX Chợ Bến mong muốn được thuê hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển kinh doanh: "Diện tích đất trên UNBD xã An Ngãi đã trả về cho Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Long Điền quản lý 6 năm nay. Hiện đất đang bỏ hoang, rất lãng phí, do đó tôi thấy không chỉ riêng HTX Chợ Bến mà các doanh nghiệp, người dân muốn quan tâm đầu tư nuôi tôm công nghệ cao có thể được xem xét cho thuê phần đất này".
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, các luật mới ban hành về đất đai, nhà ở đã có hiệu lực, tuy nhiên các quy định về hướng dẫn chi tiết thi hành chưa được triển khai kịp thời. Từ đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa nắm bắt được thông tin… ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, đầu tư, tài chính của doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho rằng, Nghị định 103/2024 của Chính Phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 mà trường hợp đã có quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển từ trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần cho cả thời gian thuê… chưa được ngành chức năng hướng dẫn để áp dụng.
Trong thời gian này, số tiền thu 5,4% hàng năm mà doanh nghiệp phải trả bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền thuê đất theo Khoản 2, điều 257, Luật Đất đai 2024 là chưa phù hợp, làm chậm trễ quá trình đầu tư.
"Tôi mong rằng, các Sở, ngành của tỉnh nên phối hợp để làm nhanh thủ tục này. Bởi khi có quyết định của UBND tỉnh thì doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn tài chính để nộp tiền sử dụng đất một lần. Nếu kéo dài thì mỗi năm doanh nghiệp phải nộp thêm 5,4%, thời gian này kéo dài 5-7 năm thì không những thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn thiệt hại về nguồn thu ngân sách của tỉnh", ông Triêm đề nghị.
Từng bước gỡ vướng
Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để áp dụng Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) thì Trung ương giao cho tỉnh phải xây dựng 24 văn bản, 2 Nghị quyết và 22 Quyết định. Đến thời điểm cuối tháng 9/2024 tỉnh chỉ mới ban hành 2 quyết định, các văn bản còn lại chia đều cho các sở, trong đó chủ yếu là Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo ông Nguyễn Thái Sinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh này và nhiều tỉnh, thành khác đang chậm triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 và xin Trung ương được gia hạn.
Đối với các quyết định giao, thuê quyền sử dụng đất triển khai chậm thì hiện nay tỉnh đang từng bước tháo gỡ, xác định lại.
Cụ thể, có rất nhiều trường hợp xác định lại giá đất, Sở cũng đã phân loại, chuyển cơ quan thuế 14 trường hợp, 5 trường hợp yêu cầu tính, bổ sung lại theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, còn lại 26 trường hợp khác Sở cũng đã phân loại và xử lý.
Ông Nguyễn Thái Sinh chia sẻ, việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương: "Vấn đề đặt ra là không chỉ Bà Rịa- Vũng Tàu mà nhiều tỉnh, thành của cả nước cũng đang vướng nội dung này. Nói như thế không phải Sở Tài nguyên và Môi trường không tích cực, hoặc không chủ động. Sở đã làm hết trách nhiệm, tập trung hết lực, để cố gắng đẩy nhanh công tác xây dựng văn bản vi phạm pháp luật, để kịp thời ban hành".
Về trường hợp cụ thể mà HTX Chợ Bến muốn thuê thửa đất cạnh bên, theo ông Nguyễn Thái Sinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hiện Luật Đất đai 2024 không cho phép người sử dụng chuyển mục đích từ đất làm muối sang nuôi trồng thuỷ sản. Hiện Sở cũng chưa nắm thông tin nguồn gốc thửa đất này: "Chúng tôi mong muốn HTX Chợ Bến cung cấp hồ sơ thửa đất, vị trí giáp ranh từ đó Sở Tài nguyên sẽ xác minh nhận nguồn gốc đất này, từ đó sẽ có thông tin thửa đất thì thuận lợi hơn. Nếu diện tích đất trên là đất công thì có thể cho thuê dưới hình thức thông qua đấu giá".
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch trên địa bàn. Do đó, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cam kết sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cùng ngồi lại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để bàn bạc, tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.