Rừng đặc dụng Mường Phăng lại bị chặt phá nghiêm trọng
VOV.VN -Số rừng bị chặt phá mới có diện tích gần 1.800 m2, trạng thái IIb liền kề với vị trí điểm phá rừng số 1 có diện tích hơn 2.200 m2.
Trong khi các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đang tiến hành điều tra, xác minh củng cố hồ sơ xử lý hai điểm phá rừng hơn 6.500 m2 tại các lô l, k, khoảnh 4, tiểu khu 717b diễn ra trong thời gian từ ngày 15/7 đến 4/8/2017 trên địa bàn bản Đông Mệt, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên. Đến ngày 27/9, Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng lại phát hiện thêm một vụ phá rừng mới liền kề
Số rừng bị phá mới này có diện tích gần 1.800 m2, trạng thái IIb liền kề với vị trí điểm phá rừng số 1 có diện tích hơn 2.200 m2 mà Công ty cổ phần hoa Anh Đào Trần Lệ đã phá trước đó với lý do lấy đất trồng cây hoa Anh Đào.
Các cây Anh Đào mới được trồng có kích thước rất bé, có cây chỉ to bằng ngón tay cái, nhiều cây không có lá và khả năng sống sót rất thấp. |
Ghi nhận của phóng viên VOV tại hiện trường vào chiều 29/9, cả một khoảnh rừng đặc dụng đã bị phá tan hoang. Những vết cắt sắc lẹm ở thân cây cho thấy dấu hiệu sử dụng cưa xăng để tàn phá. Ghi nhận có hơn 70 gốc cây đường kính khoảng từ 15 – 40 cm đã bị cưa sát gốc, phần thân cây hầu hết đã bị lấy đi chỉ còn lại trơ cành nhỏ và lá. Ngay cạnh diện tích bị phá có một hàng rào dựng bằng thân gỗ còn khá mới.
Cũng ngay trong buổi chiều 29/9, các cơ quan chức năng của tỉnh cùng lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên đã tiến hành kiểm đếm, lập biên bản hiện trường sự việc này. Qua xác định cho thấy, ông Trần Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần hoa Anh Đào Trần Lệ sau khi phá những diện tích rừng thuộc các lô l, k, khoảnh 4, tiểu khu 717b, trạng thái rừng IIb trong thời gian từ 15/7 đến 4/8 trước đó thì đã tiếp tục chỉ đạo cho phá thêm mới các diện tích rừng đặc dụng này.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đây là hành vi thách thức và có nhiều tình tiết tăng nặng, cố ý phá rừng đặc dụng trái pháp luật, thách thức cơ quan bảo vệ rừng. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên phối hợp với các cơ quan chức năng và chủ rừng là Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng kiên quyết ngăn chặn, thu giữ tang vật, phương tiện phá rừng, lấy lời khai của những người có liên quan. Cần thiết sẽ phải xem xét ra quyết định tạm giữ hành chính đối với những người cố tình phá rừng, đồng thời củng cố hồ sơ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hơn 70 gốc cây đường kính khoảng từ 15 – 40 cm đã bị cưa sát gốc. |
Trước đó như đã đưa tin, trong các ngày từ 15/7 đến 4/8/2017, ông Trần Lệ, Giám đốc Công ty cổ phần hoa Anh Đào Trần Lệ đã chỉ đạo bà Mai Thị Thìn và 2 người làm thuê khác là các ông: Lò Văn Láo, Lò Văn Bun thực hiện chặt phá, đốt dọn diện tích hơn 6.500 m2 rừng đặc dụng với lý do lấy đất để trồng cây hoa Anh Đào.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên tại hiện trường, các cây Anh Đào mới được trồng có kích thước rất bé, có cây chỉ to bằng ngón tay cái, nhiều cây không có lá và khả năng sống sót rất thấp. Do đó theo dự kiến của tỉnh Điện Biên, từ tháng 11 đến tháng 12/2017, tại đảo hoa Anh Đào, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên sẽ tổ chức Lễ hội hoa Anh Đào thì dự kiến những diện tích cây này cho ra hoa sẽ là không khả thi.
Ông Phạm Văn Khiên, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, theo quyết định 1976 (ngày 30/10/2014) của Thủ tướng Chính phủ, rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích hơn 4.400 héc ta, tập trung trên địa bàn 2 xã Pá Khoang và Mường Phăng của huyện Điện Biên. Đây là khu rừng có vai trò hết sức quan trọng, bởi có khu rừng thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là khu rừng tự nhiên nguyên sinh.
Ngoài ra, tại xã Pá Khoang là khu rừng phục hồi sau khai thác đến nay trạng thái cây rừng đã có rừng đạt tới trạng thái loại 3 và có những hệ thống thực vật phục hồi rất tốt, rất đặc trưng của khu vực này.
Do vậy, cây đặc trưng chủ yếu ở đây là các loại cây Dẻ, Tô Hạp Điện Biên, cây Vối Thuốc và một số cây lá rộng. Đây là một kiểu rừng rất đặc trưng của Mường Phăng, phân bố ở độ cao trên 900m so với mực nước biển. Vì vậy, sinh cảnh sau phục hồi tự nhiên là rất tốt, phục vụ cho đảm bảo giữ gìn nguồn gen thực vật, đảm bảo giữ ổn định cho nguồn nước hồ thủy điện, thủy lợi Pá Khoang. Đây là hồ lớn phục vụ cho công trình thủy điện ở dưới lưu vực hạ lưu và nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của cả cánh đồng Mường Thanh.
Phóng viên VOV sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến xử lý của sự việc này./.
** Video rừng đặc dụng Mường Phăng bị chặt phá nghiêm trọng:
Đà Nẵng: Cháy lớn tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân
Rừng đặc dụng Nam Hải Vân phát cháy trở lại
Hình ảnh dồn sức chữa cháy tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà