Rừng Đắk Đoa bị tàn phá: Chặt phá rừng không phải "lâm tặc"!
UBND huyện Đắk Đoa (Gia Lai) khẳng định, đối tượng chặt phá hàng chục ha rừng hoàn toàn là đồng bào dân tộc thiểu số của 2 xã Đắk Sơmei và xã Hà Đông, không có “lâm tặc”.
- Phá rừng phòng hộ: Ai đánh dấu cây trong rừng Đắk Đoa?
- Phá rừng phòng hộ tại Gia Lai: Kiểm lâm sẵn sàng “làm luật”?
Không có chuyện lấy đất để mua bán
Trong Báo cáo về tình hình chặt phá, lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa quản lý do Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa Lê Viết Phẩm ký ngày 8/3/2012 nêu rõ: Trong 22,65 ha diện tích rừng bị chặt phá chỉ có 3,83 ha là đất rừng phòng hộ, trong đó 2,18 ha là có rừng còn 1,65 ha là đất không có rừng. Diện tích còn lại 18,82 ha là đất rừng sản xuất.
Một khoảnh rừng bị phá tan hoang |
Diện tích rừng bị chặt phá trong thời gian vừa qua trên địa bàn xã Hà Đông, xã Đắk Sơmei thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa. Đối tượng chặt phá là đồng bào dân tộc cư trú tại 2 xã Đắk Sơmei và xã Hà Đông (làng Bok Rẫy, xã Đak Sơmei: 03 đối tượng; làng Kon Jốt, xã Hà Đông: 03 đối tượng, làng Kon Maha, xã Hà Đông: 04 đối tượng; làng Kon Pram, xã Hà Đông: 03 đối tượng).
Tổng diện tích bị phá là 22,65 (23 vụ); thuộc tiểu khu 416 và 418 (địa bàn xã Đắk Sơmei), 456 (địa bàn xã Hải Yang), 413 và 415 (địa bàn xã Hà Đông). Hiện các cơ quan chức năng xử lý 7 vụ (trong đó có 2 vụ truy tố, 5 vụ thu hồi diện tích); 6 vụ đang hoàn tất hồ sơ để ra quyết định khởi tố vụ án chuyển cơ quan cảnh sát điều tra; 10 vụ đang tiến hành điều tra, lập biên bản, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo cáo cho biết, diện tích chặt phá một phần là những nương rẫy cũ của người đồng bào dân tộc thiểu số; một số khu vực liền kề rẫy cũ người dân chặt phá để mở rộng lấy đất trồng mỳ, không có trường hợp lấy đất để mua bán, chuyển nhượng cho người khác.
Rừng bị phá không phải do “lâm tặc”
Trước thông tin báo chí nêu có “lâm tặc” chặt phá rừng tại xã Đắk Sơmei và xã Hà Đông, UBND huyện Đắk Đoa cho biết, qua buổi phối hợp kiểm tra thực tế tại khu vực rừng bị chặt phá giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND huyện Đắk Đoa cũng như biên bản kiểm tra tại hiện trường đã xác định được đối tượng chặt phá rừng hoàn toàn là đồng bào dân tộc thiểu số của 2 xã Đắk Sơmei và xã Hà Đông. Không có việc lâm tặc khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép.
Việc đánh dấu hình chữ V là để xác định cây đó đã có người lựa chọn và cây được nuôi dưỡng? |
Theo phản ánh của các báo, cách chốt kiểm lâm khoảng 300m người dân dựng lều, trại và tiếp tục chặt phá rừng. Nhưng theo chính quyền huyện Đắk Đoa, qua kiểm tra, các lều, trại đó là của các công nhân đang thi công tuyến đường từ xã Đắk Sơmei đi xã Hà Đông. Bên cạnh đó, thời gian này đang là mùa thu hoạch mỳ của người dân nên các hộ thu mua hàng nông sản dựng các lều, trại để thu mua mỳ khô của người dân trên địa bàn xã Hà Đông.
Còn về việc đánh dấu trên các cây có đường kính từ 30 – 50cm, Báo cáo của huyện Đắk Đoa khẳng định, theo phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số, việc đánh dấu hình chữ V hoặc hình dấu cộng là để xác định cây đó đã có người lựa chọn và cây được nuôi dưỡng.
Ban Quản lý đốt diện tích bị chặt phá
Về những băn khoăn liên quan đến các khu vực bị chặt phá bị đốt cháy, huyện Đắk Đoa cho biết, sau khi phát hiện người dân chặt phá rừng để làm nương rẫy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa đã tiến hành đốt diện tích đã chặt phá nhằm ngăn chặn việc người dân trồng trọt vào mùa mưa.
Theo lý giải trong báo cáo của huyện Đắk Đoa, vì đốt vào thời điểm này chỉ có những lá, cành nhỏ sẽ cháy hết còn những cây lớn vẫn còn làm cho việc dọn dẹp trở nên khó khăn và người dân sẽ bỏ, không trồng trọt ở những khu vực đó nữa. Nếu để đến mùa khô khi các cây bị chặt phá đã khô thì việc ngăn chặn người dân đốt nương làm rẫy sẽ trở nên khó khăn hơn.
Một cây gỗ lớn khác vừa bị cưa hạ nhưng chưa kịp xẻ gỗ |
Báo cáo của huyện này cũng cho biết, cách đây 4 năm, trong quá trình xử lý việc phá rừng, Ban Quản lý đã tích thu 1 tấm gỗ rộng khoảng 1m, dài khoảng 3m. Vì không xác định được đối tượng chặt phá rừng nên Ban Quản lý không xử lý và để tấm gỗ đó trong kho của đơn vị.
Theo UBND huyện Đắk Đoa, sau khi báo chí phản ánh, UBND các xã có rừng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý bảo vệ rừng.
UBND các xã: Hà Đông, Đak Sơ Mei và Hải Yang tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân vì đã để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn; riêng Chủ tịch UBND các xã trên phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của mình và gửi về UBND huyện.
Hạt Kiểm lâm huyện hối hợp với Công an, Ban CHQS huyện, các đơn vị chủ rừng và UBND các xã có rừng tổ chức truy quét các đối tượng chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn. Tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong đơn vị vì đã thiếu trách nhiệm về việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tiếp tục kiểm tra, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm các vụ phá rừng, nếu vụ nào đủ điều kiện truy tố thì chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố trước pháp luật.
Công an huyện tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ việc phá rừng do Hạt Kiểm lâm huyện chuyển sang để đưa ra xử lý nhằm răn đe, giáo dục nhân dân trên địa bàn.
Thành lập chốt chặn tại ngã ba đường đi vào xã Hà Đông với thành phần gồm Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa, UBND xã Đắk Sơmei và UBND xã Hà Đông thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn, phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn xã Hà Đông và xã Đắk Sơmei.
Đối với các đơn vị chủ rừng phải phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã có rừng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không được phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, để dân chặt phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn xã Hà Đông và xã Đak Sơmei…
Huyện Đắk Đoa khẳng định, đến nay trên địa bàn không còn xảy ra việc chặt phá, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy tại lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa./.