Sân chơi hè cho trẻ em ở nông thôn vừa thiếu, vừa yếu
VOV.VN - Năm học vừa kết thúc, cũng là lúc nhiều phụ huynh lại lo chọn sân chơi cho con em mình. Sân chơi cho trẻ em là vô cùng cần thiết, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sân chơi cho trẻ em vừa thiếu, vừa yếu không chỉ ở các vùng nông thôn, miền núi mà ngay cả trong khu vực thành phố.
Năm nào cũng vậy, khi hè đến, chị Nguyễn Thị Kim Thạnh ở xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình lại lay hoay tìm sân chơi hè cho con mình. Hè năm nay, ngoài việc đăng ký cho con mình học môn võ, bơi, chị còn ghi danh cho con học thêm đá banh. Chị Thạnh cho biết, dù xa xôi cũng phải cố gắng vì muốn con có sân chơi lành mạnh trong dịp hè.
"Ngoài môn bóng đá, con còn học bơi. Bản thân tôi mong muốn dịp hè này trẻ em phải có sân chơi lành mạnh. Ví dụ như nhà ở gần nhà văn hoá xã, có thể tạo điều kiện cho các em có năng khiếu về cờ vua thành lập nhóm vào nhà văn hoá xã để chơi nhưng ở đây vẫn còn hạn chế. Do sân chơi dành cho trẻ còn quá ít, trong khi đó số lượng trẻ nhiều nên các cháu chơi không đủ".
Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để chọn và đăng ký cho con mình có sân chơi lành mạnh. Ở vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hè về lũ trẻ lại theo chân cha mẹ lên nương, lên rẫy để chơi.
Chị Bích Thị Duyên - một phụ huynh ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cho biết, do không có sân chơi, các em thường chỉ leo trèo trên cây hoặc tắm sông, suối… Nhiều trẻ em ở vùng này còn phải tham gia lao động phụ giúp bố mẹ. Chị Duyên cho biết thêm: "Mùa hè, các cháu theo cha mẹ ra đồng chơi hoặc phụ làm ruộng, không thì tập trung lại để đá bóng trên những chân ruộng khô hoặc tắm sông…Trẻ em tự chơi với nhau thôi chứ cha mẹ đi làm không thể ở nhà mà trông con được".
Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có nhà văn hóa. Không ít nhà văn hóa được xây dựng khang trang, tốn kém, nhưng hoạt động chưa hiệu quả, trong khi trẻ em nông thôn lại thiếu nơi vui chơi, giải trí. Anh Nguyễn Thanh Phương ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, mỗi lần cho con đi học bơi phải đi gần 20 km vào tận thành phố Phan Thiết: "Thường vào thứ 7, chủ nhật tôi lại chở con xuống đây học bơi. Cháu lớn biết bơi rồi, còn cháu nhỏ học lớp 3 đang tập bơi. Sân chơi cho thiếu nhi trên đó cũng hạn chế, ở nông thôn chủ yếu các em đi chơi với bạn bè, chơi tại nhà".
Do nhiều phụ huynh chọn môn bơi cho con mình học vào dịp hè, nên những điểm bơi tại khu vực nông thôn cũng như thành thị trở nên quá tải. Anh Nguyễn Hoàng Nhật- một trong những người trực tiếp dạy môn bơi ở Trung tâm thể thao Quốc Hùng, thôn Xuân Hoà, xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết cho biết, trong ngày hành chính khu này mỗi ngày thu hút từ 200-300 lượt người đến bơi. Riêng 2 ngày cuối tuần tăng lên hơn 1.000 lượt.
Để đáp ứng nhu cầu bơi cho thanh thiếu niên ở thành phố Phan Thiết cũng như các vùng lân cận trong dịp hè này, Nhà Văn hoá Thiếu nhi tỉnh Bình Thuận đang gấp rút thi công hồ bơi với sức chứa khoảng 1.000 người và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu tháng 7 tới.
Để có một sân chơi tích cực dành cho các em để phát triển toàn diện, phải là những thứ vừa giúp các em chơi, vừa giúp các em học. Đó là sách báo, văn hóa phẩm, các dụng cụ, đồ chơi trí tuệ… Tuy nhiên những "đồ chơi này" rất thiếu với trẻ em nông thôn, miền núi và ngay cả với trẻ em thành phố.
Tình trạng thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ em, đã khiến không ít thanh thiếu niên thành phố chọn lòng đường, tiệm internet làm nơi vui chơi, giải trí, vì không còn lựa chọn nào khác hơn.
Để có sân chơi lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt là trong những ngày hè thiết nghĩ, các bậc phụ huynh, chính quyền nhất là ở vùng nông thôn cần quan tâm hơn và có thể tính đến chuyện xã hội hóa đầu tư./.