Sản xuất cà phê nông lâm kết hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu
VOV.VN - Việc thực hiện mô hình này tại Đắk Lắk góp phần đem lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 "Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân" (Dự án 3), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phục hồi cảnh quan rừng trong quá trình sản xuất cà phê, trồng cà phê kết hợp nông lâm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một trong số các giải pháp được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Phục hồi cảnh quan ở Đắk Lắk: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới tổ chức hôm nay (15/12), tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Đắk Lắk hiện có hơn 657.000 ha đất sản xuất, phát triển nhiều loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu, điều, cây ăn quả. Trong đó cà phê chiếm diện tích gần 213.000 ha, với sản lượng đạt trên 550.000 tấn mỗi năm. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của đại đa số người dân tại Đắk Lắk. Trên thực tế, việc phát triển ồ ạt về diện tích, chạy theo năng xuất, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như tình trạng canh tác độc canh cà phê, khai thác tài nguyên đất nước thiếu khoa học đe dọa đến phát triển bền vững của ngành cà phê.
Tại hội thảo, đại biểu đã đánh giá hiệu quả việc triển khai các hoạt động nhằm phục hồi cảnh quan rừng, nhất là đối với mô hình cà phê nông lâm kết hợp. Đại biểu cho rằng, mô hình này đã đem lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất. Tác động tích cực về mặt xã hội thông qua tăng khả năng thu hút lao động và nâng cao giá trị ngày công lao động. Đồng thời mô hình tạo ra hiệu quả đối với môi trường, giúp giảm nhu cầu nước tưới của vườn cây, giữ ổn định độ ẩm môi trường đất, nhất là trong mùa khô. Mô hình này cũng phù hợp với chủ trương được đề ra trong Tiểu dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Khoa Nông lâm nghiệp, trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Đối với những khu vực hiện đang là đất nông nghiệp nhưng bà con đã canh tác nông nghiệp lâu nay thì để lấy lại diện tích đất đó cho lâm nghiệp để trồng rừng thì rất khó vì nó ảnh hưởng đến sinh kế của bà con sống hoàn toàn phụ thuộc vào diện tích mà họ đang canh tác. Vì vậy chủ trương của Nhà nước là vẫn để bà con canh tác cà phê trên những diện tích đất lâm nghiệp đó nhưng mà khuyến khích bà con trồng nông lâm kết hợp, tức là xen các loại cây rừng vào để tăng độ che phủ và nếu như chứng minh được phần diện tích trên đất lâm nghiệp đó như là rừng thì bà con vẫn được chi trả một phần dịch vụ môi trường rừng”.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, cần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất bền vững, quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học, gắn kết hoạt động sản xuất với các dịch vụ môi trường rừng. Đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu quy chế quản lý, sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng thu được từ trồng cà phê; triển khai các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong khung chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam cho rằng, những giải pháp được nêu ra nhằm mục tiêu cuối cùng là bảo vệ được diện tích đất sản xuất hiện có, hạn chế các tác động gây ảnh hưởng đến rừng. Đồng thời phục hồi các diện tích đất lâm nghiệp, nông nghiệp đã bị thoái hóa, cải tạo đất, bảo vệ sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, mùa mưa thì lượng mưa lớn hơn và trong thời gian ngắn nên dễ gây lũ lụt, mùa khô thì dài hơn cho nên sẽ gây thiếu nước. Cho nên những giải pháp này sẽ góp phần hỗ trợ cho chính quyền và nhân dân địa phương, những người trồng cà phê thực hiện tăng cường hơn nữa nông lâm kết hợp để giảm thiểu được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”, ông Nghị cho hay.