Sạt lở nghiêm trọng, người dân Yên Thành (Yên Bái) “mất ăn, mất ngủ”

VOV.VN - Hiện nay, một khu vực đồi cao thuộc thôn Trung Tâm, xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đang bị sạt lở nghiêm trọng và có vết nứt lớn với cung trượt dài trên 150m, cao khoảng 70m, nguy cơ sạt lở đất đá khối lượng rất lớn xuống nhà dân và tuyến đường tỉnh lộ 170 bất kể lúc nào.

Các ngành chức năng và địa phương đang nỗ lực tìm cách xử lí, còn các hộ dân thì mong muốn có giải pháp để họ vẫn được sinh sống ở khu vực này chứ không di dời đi nơi ở mới.

Có mặt tại thôn Trung Tâm, xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên chứng kiến một quả đồi lớn đang sạt trượt xuống khu vực dân cư. Dưới chân đồi là hàng trăm mét khối đất đá từ ta luy dương đổ xuống áp sát tường phía sau các ngôi nhà dân. Phía trên đỉnh đồi, tiếp tục xuất hiện nhiều đoạn đứt gãy, sụt sạt, cây cối đổ ngổn ngang.

 Ở hai đầu tuyến đường đi qua khu vực này, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo “Khu vực sạt lở đất, thận trọng khi đi lại”. Dây an toàn dài hàng trăm mét cũng được chăng ngang những ngôi nhà sống ở khu vực này.

Theo báo cáo của huyện Yên Bình, có 08 hộ dân ở khu vực này bị ảnh hưởng, lượng đất đá sạt xuống trôi đến chân tường nhà, bếp, chuồng lợn, chuồng gà và vùi lấp một số công trình phụ… Hiện không có mưa lớn nhưng đất đá vẫn đang tiếp tục trượt dần, nếu không khắc phục ngay, khi gặp mưa to nhiều khả năng khối lượng đất đá trên mái ta luy dương (dự kiến khoảng 500.000m3) sẽ theo mặt trượt sạt lở xuống, chôn vùi nhà cửa của các hộ dân đang sinh sống phía dưới.

Ông Lý Văn Lượng ở thôn Trung Tâm, xã Yên Thành cho biết, gia đình ông sinh sống tại khu vực này từ năm 1984, từ đấy đến nay không có dấu hiệu sạt lở. Gia đình gom góp tiền của, dỡ ngôi nhà sàn để xây ngôi nhà xây kiên cố rộng hơn 100m2, trị giá hàng tỷ đồng. Ngôi nhà xây xong chưa khô sơn, thì đến tháng 7/2023 đất trên đồi bắt đầu lở xuống; ban đầu ít, càng cuối năm thì sạt lở càng lớn.

Từ sau nhà nhìn lên, đất đá lở nham nhở, cả quả đồi như chực ập xuống. Hót dọn không xuể, vết nứt phía trên lại dài dần ra nên giờ gia đình ông và các hộ khác không dám ở nhà ban đêm mà phải đi ở nhờ nhà người thân. Ban ngày vợ chồng ông Lượng mới dám về trông nom nhà cửa.

Thẫn thờ nhìn tài sản, nhà cửa có thể bị vùi lấp bởi hàng nghìn mét khối đất đá bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa đang cận kề nhưng ông Lượng không muốn chuyển nhà đi nơi khác. Nguyên nhân bởi, nếu chính quyền địa phương có bố trí đất ở cho gia đình ông ở vị trí khác thì cũng không có tiền để làm nhà mới, chưa kể cuộc sống mưu sinh ở chỗ mới chưa biết tính sao. 

Ông Lượng mong muốn nhà nước đầu tư san gạt cả quả đồi lớn để người dân tiếp tục được ở lại: "Xã, huyện, tỉnh vận động không ở, di dời đi; thế nhưng tài sản ở đây, ví dụ như của chúng tôi là mấy tỷ cơ bây giờ đi cắm đất ở chỗ khác chỉ giá trị vài trăm, nhà chẳng có thì chúng tôi không nhất trí". 

Cách nhà ông Lượng vài nhà là ngôi nhà xây kiên cố cũng có giá trị hàng tỷ đồng của gia đình ông Hà Văn Bách. Chung cảnh ngộ và quan điểm với các hộ dân ở đây, ông Bách chia sẻ, gia đình không có ý định di dời đi nơi khác dù biết ở lại sẽ rất nguy hiểm. Bỏ ngôi nhà tâm huyết cả đời mới xây dựng được để đến nơi ở mới mà không có kinh phí làm nhà là điều gia đình ông chưa nghĩ tới.

Ông Bách mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí xử lí sạt lở để được tiếp tục ở lại mảnh đất này: "Cả đời mới làm được cái nhà, bây giờ di dời đi đến đâu chăng nữa, dù có sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành thì cũng không đáp ứng được đầy đủ cho gia đình. Cho nên là nguyện vọng của chúng tôi là sẽ không di dời đến nơi ở mới mà chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục, hót đất đá sạt lở đi. Nếu như được sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ chúng tôi thì chúng tôi rất cám ơn, thế nhưng không có thì chúng tôi vẫn tự lo được cho cuộc sống của chúng tôi, dần dần khắc phục; nếu không khắc phục được thì chúng tôi sẽ tìm nơi ở mới".

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã mời các ngành liên quan tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình sạt lở tại khu vực này và nhận định địa chất ở đây rời rạc, phong hoá mạnh, đã hình thành vết nứt, sạt lở từ trước; bên trên là rừng sản xuất, thảm phủ thưa thớt...

Với thực trạng nêu trên thì sạt lở đồi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt với nhiều vết nứt sâu, rộng, kéo dài dễ tạo thành dòng nước chảy và có nguy cơ sạt lở với khối lượng rất lớn trong mùa mưa bão, sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của 8 hộ gia đình và làm tắc nghẽn giao thông tuyến đường tỉnh lộ 170.

Trước tình hình trên, UBND huyện Yên Bình đã yêu cầu UBND xã Yên Thành di dời toàn bộ người và tài sản của các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo và thắp bóng điện sáng ban đêm để cảnh báo người và phương tiện giao thông, đồng thời cử lực lượng tuần tra, canh gác, cảnh báo; chủ động hiệp đồng với các chủ phương tiện máy xúc, máy ủi, ô tô để sẵn sàng ứng phó tình huống sạt đất đá...

 Ông Lý Ánh Dương, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Thành cho biết: Phương án là phải di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn hơn. Trong khi chờ đợi triển khai các giải pháp, xã cử lực lượng thường xuyên theo dõi diễn biết sạt lở và cuộc sống của từng người dân để có biện pháp ứng phó kịp thời.

"Các hộ có nêu lên là bây giờ dồn hết của cải vật chất vào đây làm nhà rồi, bây giờ đến chỗ mới được hỗ trợ vài chục triệu đến trăm triệu không thể tài nào làm được nhà. Các hộ cũng báo cáo thế nhưng quan điểm của xã, của huyện, của tỉnh là sẽ cương quyết vẫn phải di dời các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm này", ông Dương cho biết.

Theo thông tin mới nhất từ UBND huyện Yên Bình, huyện đã đề xuất 2 phương án đề nghị UBND tỉnh Yên Bái xem xét cho chủ trương thực hiện để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân và tài sản của nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây đoàn công tác của UBND tỉnh Yên Bái do ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch thường trực đã trực tiếp đến kiểm tra thực địa; yêu cầu huyện Yên Bình di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời xây dựng phương án đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm điều kiện di chuyển, ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân nơi đây.

Mùa mưa bão đang đến gần, nguy hiểm đang treo lơ lửng trên đầu người dân, chính quyền địa phương cần triển khai các phương án kịp thời, hiệu quả và phù hợp nhất, giúp người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó các hộ dân cũng cần coi việc đảm bảo an toàn tính mạng là trên hết, đồng lòng phối hợp triển khai các phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cận cảnh sụt lún, sạt lở mùa khô ở vùng ngọt Cà Mau
Cận cảnh sụt lún, sạt lở mùa khô ở vùng ngọt Cà Mau

VOV.VN - Vùng ngọt của tỉnh Cà Mau đang bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trong mùa khô. Toàn tỉnh đã xảy ra hơn 450 vị trí, gây thiệt hại lớn.

Cận cảnh sụt lún, sạt lở mùa khô ở vùng ngọt Cà Mau

Cận cảnh sụt lún, sạt lở mùa khô ở vùng ngọt Cà Mau

VOV.VN - Vùng ngọt của tỉnh Cà Mau đang bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trong mùa khô. Toàn tỉnh đã xảy ra hơn 450 vị trí, gây thiệt hại lớn.

Quảng Nam xây kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế
Quảng Nam xây kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế

VOV.VN - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Đây là khu vực có tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, mỗi năm nước sông ăn sâu vào làng mạc, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Quảng Nam xây kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế

Quảng Nam xây kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế

VOV.VN - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Đây là khu vực có tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, mỗi năm nước sông ăn sâu vào làng mạc, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Quảng Nam sơ tán khẩn cấp các hộ dân ở khu vực sạt lở
Quảng Nam sơ tán khẩn cấp các hộ dân ở khu vực sạt lở

VOV.VN - UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa tiến hành sơ tán các hộ dân tại khu vực đồi Khí tượng Trà My, thuộc tổ Đồng Bàu, thị trấn Trà My. Gần đây, khu vực này xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở cao. Các cơ quan chức năng đang theo dõi, khảo sát tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Quảng Nam sơ tán khẩn cấp các hộ dân ở khu vực sạt lở

Quảng Nam sơ tán khẩn cấp các hộ dân ở khu vực sạt lở

VOV.VN - UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa tiến hành sơ tán các hộ dân tại khu vực đồi Khí tượng Trà My, thuộc tổ Đồng Bàu, thị trấn Trà My. Gần đây, khu vực này xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở cao. Các cơ quan chức năng đang theo dõi, khảo sát tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục.