Sau Tết, ăn xin tràn lan tại TP HCM: Quản lý thế nào?
VOV.VN -Nhiều người ăn xin, lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội một thời gian thì được bảo lãnh ra ngoài rồi tiếp tục quay lại con đường cũ.
30% người ăn xin vi phạm lần hai. Đây là thống kê của Trung tâm hỗ trợ xã hội TpP HCM từ ngày 1/1/2015 đến ngày 24/2/2016 đối với tổng số 42 người ăn xin được các quận, huyện, phường, xã chuyển giao.
Thực hiện chỉ đạo trước đó của UBND TP HCM từ ngày 18/12/2014 về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố và mới đây nhất là chỉ đạo đẩy mạnh dẹp nạn ăn xin của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, các quận, huyện đang ráo riết thực hiện công tác này.
Dọc các tuyến đường nội đô TP HCM vẫn còn tình trạng người ăn xin quỳ lạy, bồng bế theo trẻ em để xin tiền. Phần lớn đối tượng xin ăn là người của tỉnh, thành khác, chiếm tới 80% đến 90%. Khảo sát cho thấy phần lớn đối tượng xin ăn có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng cũng có một số còn là do ngại lao động nhưng muốn có thu nhập. Trong đó, có một số đối tượng có hành vi ăn xin tái đi tái lại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố.
“Tôi cũng hay thấy người già, trẻ em, đặc biệt là có mấy đứa bé chỉ có 5- 6 tháng tuổi được người lớn bế đi ăn xin thấy tội, thấy thương. Không những tôi cho tiền mà còn về lấy quần áo, chăn màn nữa, tại vì lúc đó vào mùa đông mà cháu ăn mặc phong phanh. Cô đem ra cô cho cả tiền nữa”.
Tất cả những hình ảnh đó có thể dễ dàng bắt gặp tại các tuyến đường lớn như Hồng Bàng (Quận 11), An Dương Vương (Quận 5), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) hoặc các chùa có đông người đền lễ Phật như: chùa Phước Hải (Quận 1), chùa Phật Cô đơn (huyện Bình Chánh)... và các ngã tư, giao lộ.
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng thu gom những người này về Trung tâm hỗ trợ xã hội của thành phố, thì không ai thừa nhận mình đi ăn xin. Họ đều ngụy biện rằng đi bán hàng và vì người dân chủ động cho tiền nên họ nhận.
Anh Lý Thanh, quê ở Sóc Trăng mang cả đứa con 9 tháng để xin tiền, được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố kể lại: "Em đi bán vé số ở chợ, chợ tên gì em không biết chữ. Ẵm thằng bé này mệt quá nên ngồi nghỉ tí cho nó bú và ngủ. Em ngứa đầu để cái nón xuống, thì người ta cho tiền. Người ta tưởng ăn xin, xong rồi mới bị bắt vào đây. Tại đi bán vé số mẹ nó không bế nổi, mới kêu em bế."
Tại TP HCM, công tác quản lý và thu gom người ăn xin đã được thực hiện nhiều lần, nhiều đợt. Gần đây nhất là cuối năm 2014, thành phố đã mở đợt ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sau hơn một năm thực hiện truy quét, Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố đã tiếp nhận gần 1.900 đối tượng, trong đó chuyển đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố đóng trên địa bàn và các tỉnh lân cận khoảng 1.300 trường hợp, giải quyết hồi gia cho gần 800 trường hợp.
Còn hiện nay, tình trạng người xin ăn bắt đầu xuất hiện và tăng dần bằng các hình thức trá hình, mánh khóe hơn để tránh các lực lượng chức năng. Tình trạng người xin ăn giả dạng như người bệnh, bán vé số, tăm bông, thầy tu đi khất thực, lợi dụng trẻ em để xin ăn... ngày càng gây khó khăn trong việc xử lý.
Ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội, Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo mới đây của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về tăng cường quản lý, thu gom người ăn xin, ngành bảo trợ xã hội thành phố sẽ tiếp tục duy trì 3 đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng người ăn xin. Những thông tin người dân phản ánh sẽ được xử lý nhanh chóng, kịp thời để tránh tình trạng người ăn xin, ăn xin trá hình di chuyển, gây khó khăn cho việc quản lý.
Ông Lê Chu Giang cũng cho biết, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truy quét người ăn xin, công tác tuyên truyền người dân không cho tiền người ăn xin sẽ phải được đẩy mạnh tận các khu phố. Ông Lê Chu Giang nói: "Hướng sắp tới chúng tôi đã có văn bản, sẽ triển khai cho các quận huyện để tiếp tục triển khai chủ trương tập trung đối tượng để làm sao đến tận các địa bàn dân cư. Còn đối với các đối tượng mà lười lao động để đi xin ăn, mà thường xuyên tái đi tái lại thì chúng tôi sắp tới phối hợp với các sở ngành nhờ tham mưu ra các giải pháp để xử lý các đối tượng này."
Như chúng tôi vừa đề cập, đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo TP HCM đặt ra yêu cầu này giải quyết tình trạng người ăn xin. Năm 1997, UBND thành phố đã ra chỉ thị 44 nhằm giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố. Tháng 5/2009, một kế hoạch với 8 nội dung thực hiện cũng được UBND thành phố ban hành nhằm giải quyết thực trạng trên. Vào tháng 12/2014, TP HCM đã mở đợt ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Mục tiêu đề ra là trước Tết Nguyên đán 2015, thành phố cơ bản không còn người ăn xin.
Tuy nhiên, hơn một năm sau, hằng ngày, người dân Tp.HCM vẫn bắt gặp cảnh người lớn lẫn trẻ em ngồi xin ăn tại nhiều góc đường.
Thực tế thời gian qua, nhiều người ăn xin, lang thang được vào trung tâm bảo trợ xã hội một thời gian thì được bảo lãnh ra ngoài rồi tiếp tục quay lại con đường cũ và họ tiếp tục đi ăn xin. Làm sao có thể dẹp được nạn ăn xin?
Cách làm của TP HCM cũng tương tự như cách làm của Đà Nẵng nhiều năm qua, địa phương đi đầu trong việc mạnh tay xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn. Đà Nẵng đã nâng mức trợ cấp cho người nghèo cô đơn, người tàn tật, chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, giải quyết vốn làm ăn cho người phạm tội sau khi ra tù để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Chính quyền TP Đà Nẵng cũng rất cương quyết trong việc đưa người ăn xin vào các cơ sở xã hội. Thành phố đã đầu tư xe chuyên dụng, cử lực lượng liên ngành trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện người lang thang, ăn xin. Bên cạnh đó, Đà Nẵng lập đường dây nóng và thưởng tiền cho người phát hiện, gọi báo có đối tượng lang thang, xin ăn.
Để có thể giải quyết nạn ăn xin cần sự chung tay từ nhiều phía. Mỗi người dân nên đồng hành với chính quyền trong việc không cho tiền người ăn xin, làm từ thiện đúng nơi, đúng đối tượng. Đặc biệt, vấn đề phối hợp với các tỉnh, thành phố để xử lý hết sức cần thiết vì khoảng 90% người lang thang, ăn xin đến từ địa phương khác.