Sẽ thành lập thí điểm Uỷ ban điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

VOV.VN - Cần thành lập thí điểm tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước và sự phát triển bền vững cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Chiều nay (7/3), Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Đà Nẵng và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức cuộc họp tham vấn quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Các đại biểu đề nghị thành lập thí điểm tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước và sự phát triển bền vững cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình hoạt động của Ban điều phối quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời gian qua. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất thành lập một tổ chức lưu vực sông thử nghiệm với tên gọi "Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng". Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là những địa phương đầu tiên trên cả nước chủ động thành lập Ban điều phối lưu vực sông

Sau giai đoạn thử nghiệm từ năm 2017 - 2022, trên cơ sở kết quả đạt được và những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình thử nghiệm, Ban điều phối đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng tiến hành thực hiện ký kết Thỏa thuận tăng cường phối hợp giữa hai địa phương về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, công tác phối hợp, quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn chủ yếu tuân thủ theo Quy trình liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định 1865, năm 2019, dù quy trình này có nhiều điểm không sát thực tiễn.

Hiện mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rất thấp và hiện tượng xâm nhập mặn khu vực hạ lưu sông Vu Gia đang diễn biến phức tạp dẫn đến nguy cơ thiếu nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở hạ du. Các đại biểu đặt vấn đề, giữa an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước vấn đề nào cần được ưu tiên?. Ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho rằng, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định 1865 thì thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có quyền yêu cầu các chủ hồ chứa thuỷ điện xả nước vào những thời điểm nhiễm mặn cao hoặc mực nước thấp. Trong khi đó, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương thì lại có văn bản yêu cầu các chủ hồ chứa thuỷ điện tạm ngưng xả nước để giữ nước cho mùa hè.

Ông Hồ Minh Nam đặt vấn đề: “Thế bây giờ Ban điều phối nghe theo ai? Thực sự rất khó, công tác quản lý lưu vực sông Vu gia ở mức độ Ban điều phối hiện nay chưa đủ tầm để có thể ra quyết định được. Cần thiết phải thành lập một Uỷ ban điều phối lưu vực sông để nâng tầm tính quyết định lên. Cần phải xem xét trong tổng thể công tác điều tiết nước hệ thống sông Vu Gia những nội dung nào chung nhất và có lợi nhất cho các bên thì chúng ta triển khai. Uỷ ban điều phối này phải thường trực, điều phối mực nước hồ chứa thuỷ điện cố định đảm bảo cho các đơn vị khai thác ở hạ du có thể khai thác được”.

Tuật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật Tài nguyên nước 2012, trong đó đề cập việc thí điểm tổ chức lưu vực sông trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Các đại biểu cho rằng, nhiều vấn đề đặt ra để đảm bảo an ninh nguồn nước, chất lượng nguồn nước và công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu… để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cách thức tổ chức Uỷ ban điều phối lưu vực sông như thế nào để thực sự nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước thì cần phải tiếp tục lấy ý kiến đa chiều. Nếu tổ chức không khoa học thì việc thành lập Uỷ ban điều phối có thể gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các địa phương trong lưu vực sông. Một số ý kiến đề cập về cách thức tổ chức của Ủy ban quản lý lưu vực sông: Phía trên là Uỷ ban quản lý lưu vực cấp vùng. Phía dưới là Tiểu ban quản lý lưu vực sông cấp khu vực, ví dụ như Tiểu ban quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Dưới Tiểu ban này có một cơ quan chuyên trách giúp việc tham và điều hành trực tiếp.

Một số đại biểu nêu ý kiến, tổ chức bộ máy của Tiểu ban quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phải có sự tham gia của các cơ quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông- Vận tải và các đơn vị sử dụng nước của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, cần phải có đại diện cho cộng đồng dân cư ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tham gia vào Uỷ ban quản lý lưu vực sông.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng đặt vấn đề, nếu bộ máy của Uỷ ban quản lý lưu vực sông chủ yếu vẫn là cán bộ kiêm nhiệm từ các cơ quan nhà nước thì vai trò quản lý tài nguyên nước của các cơ quan này vẫn không có gì mới: “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quản lý lưu vực sông hay Tiểu ban quản lý lưu vực sông là gì? Quyết định ban hành quy chế hoạt động, trong quá trình vận hành của Ủy ban quản lý lưu vực sông có vai trò gì mới và khác so với Chính quyền địa phương? Các cơ quan này trực thuộc ai, ra quyết định như thế nào? Tôi thấy còn đang rất lúng túng về chức năng, quyền hạn, nhiệm của của Uỷ ban điều phối lưu vực sông trong hệ thống tổ chức của Chính phủ Việt Nam”.

Tại cuộc họp, Đại diện các tổ chức quốc tế cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông; kinh nghiệm tăng cường áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước; mô hình, thể chế vận hành tổ chức lưu vực sông...

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài ngyên và Môi trường cho rằng, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo thí điểm tổ chức lưu vực sông để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp:“Phải làm sao để sớm xây dựng lộ trình để thí điểm tổ chức lưu vực sông, từ công tác quy hoạch phải có sự tham gia của Uỷ ban lưu vực sông. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hi vọng với sự đồng hành của Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) thì chúng ta sẽ sớm có được kết quả bước đầu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điều tiết nước mùa khô ở Tây Nguyên, làm gì để hài hoà thuỷ điện và nông nghiệp?
Điều tiết nước mùa khô ở Tây Nguyên, làm gì để hài hoà thuỷ điện và nông nghiệp?

VOV.VN - Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nguồn nước trên các sông suối đang giảm nhanh trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tăng cao. Điều tiết nước để duy trì sự ổn định sản xuất, hài hòa giữa các bên là điều cần thiết.

Điều tiết nước mùa khô ở Tây Nguyên, làm gì để hài hoà thuỷ điện và nông nghiệp?

Điều tiết nước mùa khô ở Tây Nguyên, làm gì để hài hoà thuỷ điện và nông nghiệp?

VOV.VN - Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nguồn nước trên các sông suối đang giảm nhanh trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tăng cao. Điều tiết nước để duy trì sự ổn định sản xuất, hài hòa giữa các bên là điều cần thiết.

Nhà máy thủy điện không xả nước, Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước
Nhà máy thủy điện không xả nước, Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước

VOV.VN - Mới tháng Giêng nhưng tại miền Trung, lưu lượng nước trên các con sông lớn đã cạn kiệt khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Riêng thành phố Đà Nẵng, nước mặn xâm nhập sâu vào cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép. Lượng nước thô cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ có nguy cơ thiếu hụt.

Nhà máy thủy điện không xả nước, Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước

Nhà máy thủy điện không xả nước, Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước

VOV.VN - Mới tháng Giêng nhưng tại miền Trung, lưu lượng nước trên các con sông lớn đã cạn kiệt khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Riêng thành phố Đà Nẵng, nước mặn xâm nhập sâu vào cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép. Lượng nước thô cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ có nguy cơ thiếu hụt.