Sinh hoạt công khai: Giải pháp cho Tin Lành Tây Bắc phát triển bền vững  

VOV.VN - Để hạn chế việc tà đạo xâm nhập, Mục sư Nguyễn Hữu Mạc kiến nghị chính quyền cấp xã phường tạo điều kiện để các nhóm Tin Lành được đăng ký sinh hoạt.

Như VOV đã phản ánh trong 3 bài báo trước về tình trạng một số tà đạo biến tướng của Tin Lành xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian gần đây, cụ thể là tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ” ở Điện Biên. Hai tà đạo này đã lôi kéo hơn 1500 người tham gia ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông… Số đối tượng cầm đầu ở nước ngoài ráo riết xuyên tạc Kinh Thánh, triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội facebook… để tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng. 

Tà đạo xâm nhập phát triển ở Điện Biên đã gây ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Một số đối tượng cầm đầu lợi dụng niềm tin tôn giáo để lôi kéo người tham gia tập hợp lực lượng ly khai tự trị, lập nhà nước riêng, gây chia rẽ giữa người Mông với các dân tộc khác. Mặt khác, nhiều đối tượng bị các thế lực thù địch lợi dụng để tham gia vào các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, chống đối chính quyền.

Với sự vào cuộc của các ngành chức năng bằng cách tuyên truyền, vận động, hiện 13 điểm hoạt động tập trung của những tà đạo này đã bị giải tán, gần 1.230 người cam kết từ bỏ tà đạo "Giê sùa" chuyển sang các hệ phái Tin lành hợp pháp và hơn 230 người cam kết từ bỏ tà đạo "Bà cô Dợ". Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 48 hộ, 294 người tin theo "Bà cô Dợ" và 14 hộ, 112 người tiếp tục đi theo "Giê sùa".

Tà đạo “Giê sùa” và “Bà cô Dợ”: Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được thông tin

Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện ở khu vực miền núi phía Bắc có hơn 258.000 tín đồ theo đạo Tin Lành, chủ yếu là người Mông, tiếp theo là người Dao, Sán Chỉ… Tại đây có gần 390 chức sắc và 525 chức việc, 13 chi hội, 1 nhà thờ và gần 1600 điểm nhóm, trong đó hơn 1000 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Hoạt động nhìn chung cơ bản ổn định. Việc cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tiếp tục diễn ra một cách bình thường. 

Sau gần 3 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, số tổ chức tôn giáo trực thuộc (chi hội) tăng thêm 9, số điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tăng thêm 249 điểm nhóm. 

Chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là điểm nhóm Tin lành sinh hoạt thuần túy, đủ điều kiện theo quy định của Pháp luật thì hướng dẫn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, chỗ nào các điểm nhóm sinh hoạt thuần túy, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng ở vùng biên giới, chưa ổn định thì vẫn tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt tôn giáo ổn định theo hình thức kê khai. 

Về tà đạo “Giê sùa” và “Bà cô Dợ”, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được thông tin do chính các tổ chức Tin lành cung cấp. Các tổ chức này cho biết, đây là hiện tượng lợi dụng danh nghĩa đạo Tin Lành để hoạt động chống phá chính quyền, kích động đồng bào chia rẽ và ly khai. Vì vậy, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định, đây không phải là tổ chức tôn giáo. Đối với đồng bào Mông bị lôi kéo, các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bà con trở về với tín ngưỡng truyền thống, nếu bà con có nhu cầu sinh hoạt đạo Tin Lành thì hướng dẫn bà con sinh hoạt tôn giáo chung với tín đồ của các tổ chức Tin Lành hợp pháp. 

Đầy lùi tà đạo: Tạo điều kiện cho Tin Lành sinh hoạt công khai 

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) cho biết, với những hiện tượng tôn giáo biến tướng của Tin Lành xuất hiện trong thời gian gần đây tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Hội thánh đã nắm được. Cụ thể như tà đạo “Bà cô Dợ” do một đối tượng người Mông đang sinh sống tại Mỹ cầm đầu (đối tượng Vừ Thị Dợ), xuất hiện lần đầu tiên ở Thái Nguyên, sau đó lan sang các tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai…  

“Về phía Giáo hội, chúng tôi đã cử những đoàn lên đó gặp trực tiếp các điểm nhóm, thông tin đến anh em tín hữu biết để họ cảnh giác… Lúc đầu, tuyên truyền về tà đạo này, kẻ xấu chưa bộc lộ ý đồ nhưng khi có nhiều người tham gia thì họ càng lộ rõ mục đích kêu gọi, tập hợp lực lượng. Giáo hội chúng tôi hoàn toàn phản đối việc lợi dụng tôn giáo cho những mục đích xấu” 

Mục sư Nguyễn Hữu Mạc bày tỏ quan điểm, đồng thời cho rằng, trong Hiến chương của Giáo hội ghi rõ, đường hướng, tôn chỉ mục đích của Giáo hội là phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc, đồng hành với dân tộc. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc có tư cách pháp nhân từ rất sớm (từ năm 1958) và từ đó đến nay luôn trung thành với đường hướng này. Cho nên, bất kỳ một ý đồ manh nha nào về ly khai, thành lập một nhà nước riêng thì Giáo hội không bao giờ chấp nhận. 

“Một số trường hợp sau khi được thuyết phục quay trở lại với Tin Lành chính thống, chúng tôi tạo điều kiện cho họ. Còn nếu những chức sắc, chức việc cố tình lôi kéo tín đồ theo các tà đạo này thì buộc Giáo hội phải có hình thức kỷ luật. Với tín đồ, chúng tôi cho họ cơ hội để họ quay về. Nếu không quay về thì chúng tôi kỷ luật bằng cách, không công nhận họ là tín hữu Tin Lành nữa” – người đứng đầu Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) khẳng định. 

Để hạn chế việc tà đạo xâm nhập vào các nhóm Tin Lành, Mục sư Nguyễn Hữu Mạc cũng kiến nghị chính quyền các cấp, nhất là cấp xã phường tạo điều kiện để các nhóm Tin Lành được đăng ký hoạt động. Trên thực tế, trong số gần 1600 điểm nhóm Tin Lành hiện nay ở các tỉnh miền núi phía Bắc mới chỉ có hơn 1000 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Số còn lại vẫn hoạt động âm thầm. Lãnh đạo Giáo hội cũng không thể đến thăm họ một cách chính thức. 

“Cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh có thể rất hiểu vấn đề này. Tuy nhiên, cán bộ cơ sở lại chưa thực sự am hiểu về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thấu hiểu nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của bà con. Do đó, ở một số nơi, việc cấp đăng ký sinh hoạt cho các điểm nhóm còn khó khăn. Chúng tôi mong muốn, sẽ có thêm nhiều cán bộ cấp xã được tập huấn để đưa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thực sự đi vào cuộc sống”- mục sư Nguyễn Hữu Mạc bày tỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tà đạo ở Điện Biên và âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành
Tà đạo ở Điện Biên và âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành

VOV.VN - Một số điểm nhóm theo “Giê sùa” đã công khai cầu nguyện, mong muốn chúa “Giê sùa” về phù hộ, dẫn dắt để có được “Nhà nước Mông”.

Tà đạo ở Điện Biên và âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành

Tà đạo ở Điện Biên và âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông” bất thành

VOV.VN - Một số điểm nhóm theo “Giê sùa” đã công khai cầu nguyện, mong muốn chúa “Giê sùa” về phù hộ, dẫn dắt để có được “Nhà nước Mông”.

Sự thật về tà đạo “Giê sùa" và “Bà cô Dợ” ở Điện Biên
Sự thật về tà đạo “Giê sùa" và “Bà cô Dợ” ở Điện Biên

VOV.VN - Bản chất của hai tà đạo này là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông".

Sự thật về tà đạo “Giê sùa" và “Bà cô Dợ” ở Điện Biên

Sự thật về tà đạo “Giê sùa" và “Bà cô Dợ” ở Điện Biên

VOV.VN - Bản chất của hai tà đạo này là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông".

Cấp phép cho nhiều nhóm Tin lành, đẩy lùi tà đạo ở Điện Biên
Cấp phép cho nhiều nhóm Tin lành, đẩy lùi tà đạo ở Điện Biên

VOV.VN - Chỉ riêng đạo Tin lành, chỉ sau 1 năm, số điểm nhóm được cấp phép hoạt động đã tăng hơn 40%.

Cấp phép cho nhiều nhóm Tin lành, đẩy lùi tà đạo ở Điện Biên

Cấp phép cho nhiều nhóm Tin lành, đẩy lùi tà đạo ở Điện Biên

VOV.VN - Chỉ riêng đạo Tin lành, chỉ sau 1 năm, số điểm nhóm được cấp phép hoạt động đã tăng hơn 40%.