Sinh viên thất nghiệp vì thiếu nhiều kỹ năng
VOV.VN -Kỹ năng giao tiếp, kiến thức xã hội, làm việc nhóm… là những kỹ năng mà sinh viên còn thiếu sau khi ra trường.
Sinh viên ra trường thiếu các kỹ năng mềm, kiến thức thực tế, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Trong khi, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Đó là thực trạng được nhiều bạn trẻ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ IX diễn ra vừa qua phản ánh.
Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho sinh viên
Nguyễn Thị Kim Anh- SV Đại học Tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội |
Tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là vấn đề khá nhức nhối hiện nay. Thậm chí nhiều bạn sau khi ra trường có trong tay tấm bằng loại ưu nhưng vẫn chưa tìm được một công việc phù hợp. Dẫn đến thực trạng này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về phía sinh viên: trong quá trình học tập, các bạn dành quá nhiều thời gian cho học tập mà quên đi nhiệm vụ cũng rất quan trọng đó là rèn luyện kỹ năng. Trong khi, đối với sinh viên tốt nghiệp, các doanh nghiệp rất quan tâm về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp… Nhưng sinh viên khi ra trường đa phần chưa định hướng cụ thể nghề nghiệp của mình. Sinh viên chỉ có kiến thức khô khan trên giảng đường đại học mà không có kiến thức thực tế, kỹ năng mềm.
Thời gian qua, Hội Sinh viên, nhà trường cũng đã mời các nhà diễn thuyết am hiểu về tâm lý cũng như kỹ năng tìm kiếm việc làm hoặc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị nhà nước tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp. Song, hiệu quả các chương trình chưa cao, và mới dừng lại ở chỗ hỗ trợ sinh viên thực tập, tiếp nhận sinh viên trong quá trình thực tế. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn “tự bơi” để tìm kiếm việc làm.
Với vai trò là người anh cả của sinh viên, Hội Sinh viên đã cố gắng chăm lo một cách tốt nhất tới đời sống của các bạn trẻ. Tuy nhiên, tại một số cơ sở, lãnh đạo nhà trường hoặc số ít sinh viên nghĩ rằng Hội Sinh viên chỉ có nhiệm vụ tập trung vào các hoạt động vui chơi giải trí, còn nhiệm vụ học tập và nghiên cứu là do giáo viên và nhà trường. Chính vì lẽ đó mà cơ sở Hội gặp không ít khó khăn từ chính các bạn sinh viên cũng như lãnh đạo nhà trường.
Qua đại hội lần này, em rất mong muốn, các cơ hội Hội tổ chức thêm các buổi hướng nghiệp cho các bạn năm 3, năm 4, năm cuối được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với những người đã có sự thành công nhất định trong công việc cũng như trong cuộc sống. Ngoài ra Hội Sinh viên cần tạo tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối được thực tập, thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp nhiều hơn nữa để ngòai kiến thức trong sách vở, các bạn có thêm nhiều kỹ năng xã hội.
Cân đối lại nguồn nhân lực
Đỗ Huy Hoàng-Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Kiến trúc –Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên TP Hà Nội |
Tình hình kinh tế đất nước trong năm qua gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề tìm kiếm việc làm của sinh viên. Hiện nay, cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm với con số không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, với đặc thù của khối ngành Kiến trúc quy hoạch đô thị, các đơn vị tuyển dụng thường yêu cầu sinh viên có kinh nghiệm làm việc từ 1-2 năm. Trong khi đối tượng sinh viên mới ra trường chưa thể có kinh nghiệm ngay. Điều này dẫn đến việc ứ đọng nguồn nhân lực mới. Nhiều bạn nản chí, thậm chí mất niềm tin đối với ngành nghề được đào tạo.
Vì vậy, tôi mong muốn Hội Sinh viên có những đề xuất cân đối lại nguồn nhân lực của đất nước, thu hẹp lại những ngành đào tạo ồ ạt và mở rộng thêm những khối ngành đất nước đang cần từ đó đáp ứng được nhu cầu việc làm của sinh viên sau khi ra trường, hạn chế tình trạng nhân lực dư thừa, chảy máu chất xám.
Sinh viên làm trái ngành phổ biến
Nguyễn Thị Tuyết Nhung- Sinh viên năm cuối hệ Tiểu học, trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái |
Hội Sinh viên trường CĐ Sư phạm Yên Bái trong thời qua đã có nhiều việc làm thiết thực trong việc định hướng việc làm cho sinh viên. Nhiều hoạt động ngoại khóa, hội thi nghiệp vụ sư phạm, giao lưu văn hóa-văn nghệ với các trường trên địa bàn được tổ chức thường niên. Tuy nhiên, các chương trình mới chỉ dừng lại ở việc tạo phong trào tạm thời mà chưa có ảnh hưởng, tác động lâu dài.
Chương trình đào tạo cho sinh viên khối Tiểu học khá nặng. Sinh viên học cả ngày, kín hết tuần, nên không có nhiều thời gian để giao lưu, trao đổi với đoàn nhóm. Các bạn thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm… Trong khi khối ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm Tiểu học chỉ tiêu hàng năm tại địa phương rất ít, thậm chí không có. Nên tình trạng sinh viên làm việc trái với ngành đào tạo trở nên phổ biến, thậm chí nhiều bạn ra trường không xin được việc làm trong thời gian dài.
Qua Đại hội lần này, tôi đề xuất Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cần hỗ trợ sâu hơn, sát hơn tới các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là tỉnh Yên Bái giúp sinh viên có định hướng tốt, sau này có cơ hội phát triển, tương lai sáng hơn. Các đợt sát hạch, tuyển chọn giáo viên được tổ chức khách quan, đúng với năng lực giáo viên từ đó chọn được những người tài giỏi thực sự, đưa nền giáo dục Việt Nam phát triển hơn.
Cơ sở Hội cần quan tâm hơn nữa tới sinh viên
Bùi Xuân Lượng- Sinh viên chuyên ngành Tin học, trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái: |
Sinh viên chuyên ngành Tin học có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hơn so với các bạn sinh viên chuyên ngành Sư phạm. Sinh viên Tin học có thể làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, hoặc các công ty về công nghệ thông tin. Nếu muốn đi theo con đường giảng dạy, trong khi với năng lực của bản thân thì những sinh viên như chúng tôi sẽ phải lên vùng sâu, vùng xa thì mới tìm được việc. Vì chỉ tiêu giáo viên hàng năm tại địa phương rất ít.
Nhiều bạn sinh viên lựa chọn ngành học theo mong muốn của bố mẹ hoặc đi theo bạn bè chứ chưa hề xác định đúng đắn sở thích, năng lực của mình. Điều này dẫn đến các bạn sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc không tìm thấy nghề phù hợp với ngành được đào tạo.
Tôi mong muốn Hội Sinh viên, nhà trường quan tâm hơn nữa tới đời sống, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên. Hoạt động tại cơ sở Hội ngày càng đến gần hơn với sinh viên, là người bạn thân thiết, tin cậy của sinh viên; định hướng sâu rộng hơn về việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp./.