Sống cùng Đài Tiếng nói Việt Nam trong mưa bom, bão đạn

VOV.VN -Đài là vũ khí có sức mạnh to lớn, vạch trần âm mưu xâm chiếm, chia cắt đất nước của kẻ thù

Trong hai cuộc kháng chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam là cầu nối hai miền Bắc – Nam cả về chính trị và tình cảm. Đài là vũ khí có sức mạnh to lớn, vạch trần âm mưu xâm chiếm, chia cắt đất nước của kẻ thù và tuyên truyền, cổ vũ nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu, giành độc lập dân tộc. Trong hoàn cảnh bom đạn đánh phá ác liệt, những cán bộ, phóng viên, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã không quản hy sinh, gian khổ để giữ vững “cây cầu” nối 2 miền Nam - Bắc đó.

Ông Đặng Trung Hiếu bên những kỷ vật về Đài TNVN.

Tháng 10/1956, nhà báo Trần Đắc Lộc chuyển sang công tác ở Ban Biên tập miền Nam - Đài Tiếng nói Việt Nam với bút danh Viễn Kính. Ở tuổi đôi mươi, chàng trai quê Cần Thơ mang trong mình niềm đam mê văn chương và ấp ủ những hoài bão đẹp. Nhà báo Đắc Lộc cho biết, khi bước vào nghề, chúng tôi mới hiểu được thế nào là khó khăn, gian khổ của một phóng viên thời chiến. Những phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ tác nghiệp chỉ bằng cuốn sổ và cây bút. Ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm mà bom đạn thì cứ dội xuống liên miên. Ấy vậy mà những phóng viên của Đài vẫn sáng tạo và hoạt động “hết công suất”. Mỗi bài được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là mỗi lần phóng viên được tiếp thêm năng lượng để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Nhà báo Trần Đắc Lộc nói: “Chúng tôi lúc đó làm việc không tính toán ngày giờ. Buổi sáng đi họp giao ban viết ngay một bài cho buổi trưa. Nhưng đến buổi trưa, viết xong nhận nhiệm vụ viết bài khác. Nghĩa là viết không kịp thở. Một tuần phóng viên viết 7 bài mà không nghĩ đến tiền nong hay chế độ đãi ngộ gì”.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Đài Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói của cách mạng, tiếng nói của nhân dân cả hai miền Nam - Bắc. Cán bộ và nhân dân ta nghe Đài để nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình chiến sự trong nước và quốc tế. Kẻ địch thì nghe Tiếng nói Việt Nam để thăm dò phản ứng của chính quyền cách mạng Việt Nam mỗi ngày. Những bài viết phát trên sóng của Đài đánh trúng điểm yếu của kẻ địch, khiến chúng điên cuồng và xem Đài Tiếng nói Việt Nam là mục tiêu quan trọng hàng đầu để đánh phá. 

Đối với nhà báo Huy Lan, một thời lăn lộn với nghề khi làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng ở Trung ương Cục miền Nam (nay thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh) là những kỷ niệm không thể nào quên. Những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông và các đồng đội đã leo núi, lội suối, băng sông để đưa những thông tin mới nhất về phong trào cách mạng ở miền Nam đến với nhân dân cả nước.

Trong 6 năm làm phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng, nhà báo Huy Lan không còn nhớ hết có bao nhiêu lần giặc Mỹ và tay sai càn quét, bắn phá. Những năm 1969-1970, có những trận càn của địch làm chia cắt liên lạc, chặn đường tiếp tế lương thực giữa căn cứ Trung ương cục miền Nam với những vùng lân cận. Các phóng viên phải tìm mọi cách thoát khỏi vòng vây để tác nghiệp.

Thành công của các phóng viên là nhờ một phần rất lớn từ sự cưu mang, che chở, giúp đỡ của nhân dân. Thông qua Đài Phát thanh Giải phóng, đồng bào miền Nam luôn vững tin vào tiếng nói của Đảng, tiếng nói của cách mạng và con đường đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong mưa bom, bão đạn, nhiều phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng thời chống Mỹ đã hy sinh trong khi đang tác nghiệp trên chiến trường.

Nhà báo Huy Lan nhớ lại: “Cuộc chiến đấu của đồng bào ta ở miền Nam lúc đó rất sôi động, đòi hỏi người phóng viên phải làm việc không mệt mỏi. Chúng tôi nhiều khi phải vừa viết, vừa chạy. Những trận càn của giặc thì anh em phải đào hầm rồi ngồi ở dưới hầm viết. Khi chuyển ra đến Hà Nội, ngày hôm sau nghe đài ở trong này thấy bài của mình được phát thì phấn khởi lắm”.

Trong căn nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM, ông Đặng Trung Hiếu, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật phát thanh thuộc Tổng Cục Bưu điện - Truyền thanh và Nghệ sỹ ưu tú Trần Thị Ngọc Linh (nghệ danh Việt Hà) - vợ ông, người gắn bó 20 năm với nghiệp Xướng ngôn viên của Đài đã dành một không gian nhỏ để lưu giữ những kỷ vật về một thời hoa lửa. Đó là chiếc Radio cũ kỹ, chiếc máy đánh chữ cùng những bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ và các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam... Đối với vợ chồng ông, đó là những thứ rất đáng trân trọng về những tháng năm gắn bó với làn sóng quốc gia. Cũng từ “ngôi nhà” 58 Quán Sứ, Hà Nội, ông bà đã gặp nhau để rồi tình yêu đơm hoa, kết trái. 

Nghệ sỹ ưu tú Việt Hà (Ngồi thứ 3 từ phải qua) cùng các đồng nghiệp được đến thăm bác Hồ, tháng 2 năm 1967.

Ông Đặng Trung Hiếu cho rằng mình rất may mắn vì là người được chứng kiến những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. Ông là người có mặt trong ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) và tiếp quản Sài Gòn (30/4/1975); đồng thời là một trong những người đầu tiên tiếp quản Đài Phát thanh của Pháp ở miền Bắc và Đài Phát thanh của chế độ Mỹ - Ngụy ở miền Nam. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, những người làm công tác kỹ thuật của Đài đã có nhiều sáng tạo để làn sóng Tiếng nói Việt Nam luôn được giữ vững.

Ông Đặng Trung Hiếu nói: “Cái đêm giặc Mỹ dùng chiến thuật pháo đài bay để bắn phá miền Bắc đó, tôi được phân công ở lại Đài làm nhiệm vụ. Đồng chí Trần Lâm hôm đó cũng ở lại để chỉ huy biên tập bên Quán Sứ. Trong đêm, đồng chí ấy điện qua hỏi: “Bây giờ Mễ Trì bị đánh sập rồi, giờ làm sao”?. Tôi mới nói rằng: “Y như kế hoạch chúng ta đã chuẩn bị trước”. Sáng hôm sau, nhân dân thủ đô không hề biết trạm phát sóng Mễ Trì bị đánh sập, bởi vì chúng ta phát bằng sóng đặt ở 45 Bà Triệu. Rất nhiều người trong ngành cũng không hiểu được điều đó, vì tất cả những kế hoạch chúng ta thực hiện đều là bí mật”.

Chiến tranh đã dần lùi sâu về quá khứ. Những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài năm xưa nay đã tóc bạc, da mồi. Tuy nhiên, những tháng năm họ đã sống, làm việc và cống hiến đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt 70 năm đồng hành cùng đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người cống hiến trọn đời cho phát thanh tiếng Nhật trên VOV
Người cống hiến trọn đời cho phát thanh tiếng Nhật trên VOV

VOV.VN - Rất nhiều báo lớn của Nhật Bản đã viết về bà với ý nghĩa vinh danh người có nhiều đóng góp cho mối quan hệ Việt - Nhật.

Người cống hiến trọn đời cho phát thanh tiếng Nhật trên VOV

Người cống hiến trọn đời cho phát thanh tiếng Nhật trên VOV

VOV.VN - Rất nhiều báo lớn của Nhật Bản đã viết về bà với ý nghĩa vinh danh người có nhiều đóng góp cho mối quan hệ Việt - Nhật.

VOV khánh thành bia kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm
VOV khánh thành bia kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm

VOV.VN -Đài TNVN đã vinh dự được đón Bác đến thăm 6 lần, trong đó có chuyến thăm bất ngờ vào dịp đầu năm 1955.

VOV khánh thành bia kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm

VOV khánh thành bia kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm

VOV.VN -Đài TNVN đã vinh dự được đón Bác đến thăm 6 lần, trong đó có chuyến thăm bất ngờ vào dịp đầu năm 1955.