Sông Tranh 2: Dân hoang mang do "kém hiểu biết" (!?)
(VOV) -“Người dân hoang mang là do kém hiểu biết”- bà Ngô Thị Lư còn yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Nam phải “giáo dục nhân dân”.
Kết luận cho biết, do thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong đới đứt gãy, khi thủy điện tích nước dẫn đến động đất kích thích và khẳng định động đất không gây mất an toàn thủy điện Sông Tranh 2.
Những kết luận chung chung này không thể đáp ứng được mong mỏi của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Vai trái bờ đập thủy điện Sông Tranh 2 bị sụt trượt, vừa được xây kè chắn |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các nhà khoa học phải làm việc nghiêm túc, các Bộ, ngành phải thận trọng hơn đối với việc cho phép hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước trở lại, bởi sự an toàn của hơn 1,5 triệu dân vùng hạ du.
Sau khi dự họp với lãnh đạo tỉnh và các nhà khoa học, chiều 12/9, Chủ tịch UBND các huyện: Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn và Nam Trà My đã tổ chức cuộc họp với cán bộ và nhân dân trong huyện.
Cuộc họp này đã phổ biến nội dung buổi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Nội dung cuộc họp nêu rõ nguyên nhân động đất là “khi thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới đập vỡ, do đó làm giảm độ bền của các đới đất đá trong đất. Khi đứt gãy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền của đới đất đá trong đới đứt gãy dẫn tới dịch trượt làm phát sinh động đất”.
Sau khi lãnh đạo các huyện thông báo cho đến thời điểm này, đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn, còn thời gian tới thì chưa xác định được cụ thể, người dân vùng hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2 không khỏi lo ngại, khi mà mưa lũ đang tiếp tục đến gần.
Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết đã gửi công văn đề nghị nhà đầu tư đặt một thiết bị trên thân đập để báo động. Trong trường hợp đập vỡ thì thiết bị báo về huyện. Huyện xin dùng súng bắn báo hiệu cho dân sơ tán. Nhưng dùng súng thì phải xin ý kiến quân khu, khi quân khu cho phép thì sẽ không kịp. Chính quyền các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể về cách đối phó với động đất.
Tại cuộc họp chiều 12/9 với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tiến sĩ Khoa học Ngô Thị Lư - Viện Vật lý địa cầu đã cho rằng “Người dân hoang mang là do kém hiểu biết”. Bà Lư còn yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Nam phải “giáo dục nhân dân”.
Ông Trần Ngọc Sương - giáo viên trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Tiên Phước, nhà cách thân đập thủy điện Sông Tranh 2 chừng 30 km cho rằng: “Các nhà khoa học bảo dân chúng tôi là kém hiểu biết thì không thể chấp nhận được. Dân chỉ biết động đất là sập nhà, chết người, còn mấy độ richter, dự báo thời gian tới động đất mức độ nào thì dân chúng tôi làm sao biết được. Đã có ai tuyên truyền cho dân kiến thức về động đất bao giờ đâu”.
Trong khi chính quyền các địa phương băn khoăn lo lắng về động đất và chất lượng thân đập thủy điện Sông Tranh 2 thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định đang trình cấp có thẩm quyền cho phép tích nước thủy điện Sông Tranh 2.
Ông Lưu Thế Biểu - Phó ban Quản lý xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, công tác chống thấm đạt mọi tiêu chuẩn tích nước, kể cả động đất lớn hơn thiết kế thì đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn.
Trong một vài ngày tới Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến cuối cùng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thủy điện Sông Tranh 2 tích nước.
Ông Lê Quang - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, sau khi đi kiểm tra thực tế những công trình nhà cửa vùng bị động đất đã khuyến cáo chính quyền địa phương cần xây dựng nhà cửa sao cho phù hợp hơn.
Khuyến cáo trên tỏ ra quá muộn màng chạy theo sự đã rồi, bởi khi xây dựng đập thủy điện Sông Tranh, năm 2003, Viện Vật lý địa cầu, các nhà địa chất đã được mời khảo sát tư vấn và đưa ra khuyến cáo về mức độ động đất có thể xảy ra ở khu vực này. Thế nhưng thời điểm đó các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ một khuyến cáo nào về việc xây dựng nhà cửa cho người dân và chính quyền địa phương.
Ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng nguyên nhân nào thì động đất ở Bắc Trà My cũng do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Mà thủy điện Sông Tranh 2 lại liên tiếp có vấn đề về chất lượng. Vì vậy, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Nam không khỏi hoang mang lo lắng.
Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị sớm lắp đặt hệ thống quan trắc, cần nghiên cứu kỹ các tác động để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tích nước. Trước khi cho phép tích nước phải khẳng định thủy điện an toàn 100% còn nếu 1% không an toàn thì không nên vội vàng cho tích nước. Và khi cho phép tích nước phải bằng văn bản của cấp nhà nước có thẩm quyền để gắn trách nhiệm.
Ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị với các đồng chí là hết sức thận trọng, cần nghiên cứu kỹ tác động của vấn đề xử lý. Ở đây chúng ta dù chúng ta làm điện lực, làm kinh tế, làm khoa học, làm quản lý gì đi chăng nữa thì trách nhiệm của chúng ta đối với dân vẫn phải được đặt lên hàng đâu. Chúng ta chưa thể vội vàng kết luận cho tích nước hay không tích nước”.
Tại cuộc họp chiều 12/9, Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phản ứng gay gắt: "Khi đưa ra câu hỏi, có an toàn tuyệt đối thì không ai khẳng định là đến thời điểm này an toàn tuyệt đối? Không ai dám chắc trong tương lai, tương lai nó phải an toàn thì chúng ta nói với dân mới được. Không khẳng định được chắc chắn thì chúng ta phải có cơ sở, chứ còn không thì phải có giải pháp. Chúng tôi nghĩ, tốn kém tiền bạc không quan trọng, tốn kém thời gian không quan trọng mà chúng ta phải đặt an toàn của dân lên hàng đầu thì chúng tôi mới có thể an dân được"./.