Sự cố tại sân bay Cát Bi: Đủ điều kiện khởi tố?
VOV.VN - Việc hai chuyến bay không thể liên lạc được với kiểm soát viên sây bay Cát Bi (Hải Phòng) là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng.
Do nhân viên trực Đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi ngủ quên nên 2 chuyến bay đến và đi ở sân bay này đã bị chậm hơn 30 phút. Sự việc này được xem là sự cố đặc biệt nghiêm trọng của ngành hàng không. |
Theo quy định của pháp luật, việc hai chuyến bay của Vietjet không thể liên lạc được với kiểm soát viên sây bay Cát Bi (Hải Phòng) là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng, hoàn toàn có đủ điều kiện có thể khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm liên quan.
Biện pháp khẩn cấp tạm thời
Chiều 22/3, trả lời PV VOV.VN, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Hàng không Việt Nam đánh giá việc hai chuyến bay của Vietjet không thể liên lạc được với kiểm soát viên sây bay Cát Bi (Hải Phòng) là sự cố đặc biệt nghiêm trọng.
“Đối với sự cố gián đoạn cung cấp dịch vụ không lưu ngày 9/3, chúng tôi xác định đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng của kíp trực dẫn đến sự cố uy hiêp an toàn cao”, ông Thanh nói.
Việc hai chuyến bay của Vietjet không thể liên lạc được với kiểm soát viên sây bay Cát Bi (Hải Phòng) do nhân viên ngủ quên là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng. |
Vẫn theo ông Thanh, ngay sau sự cố Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty an toàn bay đã thực hiện các biện pháp đình chỉ kíp trực, đình chỉ Đài trưởng, đưa cán bộ có kinh nghiệm ở trên về thay thế, tăng cường…
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp khẩn cấp tạm thời để đưa những nhân viên vi phạm ra khỏi dây chuyền cung cấp dịch vụ, đồng thời vẫn phải duy trì hoạt động bình thường đài kiểm soát không lưu Cát Bi theo tiêu chuẩn”, ông Thanh nói thêm.
Ông Thanh cho biết thêm, hiện Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập đoàn thanh tra nhằm điều tra kiểm tra tổng thể toàn diện hoạt động của đài kiểm soát không lưu Cát Bi.
Vietjet xin xây nhà ga hành khách thứ 2 tại sân bay Cát Bi
“Trong đó, tập trung vào một số vấn đề quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn. Đó là bố trí nguồn lực của Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam đối với đài kiểm soát không lưu theo quy định của đài kiểm soát không lưu, năng lực cũng như công tác điều hành của các cán bộ các cấp quản lý, chất lượng nguồn nhân lực kiểm soát viên cũng như công tác đào tạo kiểm soát viên không lưu của Tổng Công ty, việc tuân thủ các quy định về điều hành bay như giao ca, phân công trực, giám sát nội bộ rồi bình giảng rút kinh nghiệm qua các sự cố đã xảy ra”, ông Thanh cho hay.
Điều tra toàn diện Đài kiểm soát không lưu Cát Bi
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, Cục Hàng không sẽ đánh giá toàn diện hoạt động của hệ thống quản lý an toàn hàng không để có những xử lý tiếp theo, đồng thời nhằm ngăn chặn, phòng ngừa sự cố trong tương lai.
“Qua đợt tra này sẽ chúng tôi sẽ phải đề ra biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa sự cố tương tự xảy ra trong tương lai, đảm bảo an toàn toàn bộ hệ thống bay của hàng không Việt Nam”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Cũng trong chiều 22/3, một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đơn vị đang làm báo cáo để gửi Bộ Giao thông vận tải.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Đức, Phó Chánh Văn phòng - phụ trách Văn phòng Bộ GTVT cho biết trên cơ sở báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam Bộ sẽ có ý kiến sau./.
Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định: Tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay:
1. Người nào chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.