Sử dụng điện thoại khi lái xe: Rảnh tay và bận lòng
VOV.VN - Mặc dù mức phạt với hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe liên tục được nâng lên, từ Nghị định 100/2019 đến Nghị định 123/2021, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến, do không kịp phát hiện và xử lý kịp thời.
Bởi vậy, để xử lý hành vi này, cần tận dụng ưu thế của công nghệ, từ camera giám sát, đến chứng cứ của người dân, tạo thuận lợi cho lực lượng thực thi.
Quy định về cấm dùng tay sử dụng điện thoại khi lái xe vẫn đang có hiệu lực kể từ luật Giao thông đường bộ 2008 đến nay, nhưng năng lực thực thi rất thấp. Cho nên khi được nhắc lại ở Luật TTATGT đang xây dựng, nó không khỏi gây băn khoăn.
Người ta băn khoăn về khả năng lặp lại và tiếp diễn tình trạng “nhờn quy định”, trong bối cảnh, chiếc điện thoại ngày càng gắn chặt hơn với nhiều người. Và ghi nhận trực quan, người lái ô tô sử dụng điện thoại ngày càng phổ biến.
Thính giả rảnh tay đã không ít lần gửi tới VOVGT với những hình ảnh, video về người ngồi xe bên cạnh tranh thủ nhắn tin, xem phim, tương tác mạng xã hội ngay khi đang cầm lái, chứ không chỉ là nghe gọi.
Lo ngại càng có căn cứ khi cho đến nay, việc quản lý các dịch vụ xe xe ghép, xe hợp đồng vẫn đang lúng túng, với những tài xế vừa chạy xe, vừa điện thoại liên tục để trao đổi với khách, vừa xem bản đồ chỉ đường.
Nỗi ám ảnh điện thoại
Tai nạn do điện thoại khi lái xe đã không còn là nguy cơ. Nhưng khi hiện tượng này vẫn phổ biến, nó đặt ra những yêu cầu mới trong thiết kế quy định và thực thi pháp luật.
Trước hết, cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn các hành vi nguy hiểm, bị hạn chế liên quan đến sử dụng điện thoại khi đang lái xe. “Sử dụng” là một từ chung chung. Công nghệ các phát triển, các loại thiết bị điện tử ngày càng phong phú và hình thái “sử dụng” theo đó cũng rất đa dạng.
Vậy từ giải nghĩa thuật ngữ trong luật cũng cần làm rõ nội hàm thiết bị điện tử, quy định rõ các hình thức, cách thức sử dụng bị cấm. Bởi thực tế các nghiên cứu về ATGT đã cho thấy, ngay cả cuộc điện thoại rảnh tay cũng có thể gây bận lòng người lái, dẫn đến mất tập trung, mất ổn định tâm lý, cảm xúc, và đều có thể là tác nhân tai nạn.
Quy định cần thiết kế đủ mở để phù hợp với xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ trong đời sống giao thông, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính chặt chẽ, chi tiết để chỉ có một cách hiểu, rõ ràng và thống nhất.
Quy định cần sự đồng bộ giữa các luật, để lực lượng chấp pháp không vướng khi thực thi, do liên quan đến các quyền về nhân thân và tài sản
Thứ hai, cần thay đổi cách tổ chức thực hiện, để quy định đi vào đời sống và có tác dụng ngăn ngừa, chứ không chỉ là cảnh báo.
Số trường hợp dùng điện thoại khi đang lái xe bị xử phạt rất ít so với vi phạm thực tế, và hiếm khi được công bố rộng rãi. Điều này phần nào dẫn đến nhầm tưởng của người tham gia giao thông rằng đó không phải là việc gì nguy hiểm.
Nếu vấn đề nằm ở chỗ lực lượng quá mỏng, trang thiết bị nghiệp vụ không đủ để phát hiện và xử lý, thì cần sửa quy định để sử dụng hiệu quả các chứng cứ do người dân cung cấp. Xử lý vi phạm có rất nhiều cấp độ, không nhất thiết phạt tiền, phạt quả tang. Trích xuất dữ liệu hỉnh ảnh, camera gửi về nơi học, nơi làm, nơi sinh sống của người vi phạm và yêu cầu xử lý, báo cáo phản hồi, thì tác dụng giáo dục răn đe sẽ không hề nhẹ.
Cũng bởi tính chất nguy hiểm cao độ, dùng điện thoại khi đang lái xe nên được đưa vào nhóm vi phạm bị trừ điểm bằng lái, để lái xe phải thuộc nằm lòng.
Hà Nội, TPHCM đều đang có kế hoạch phủ rộng hệ thống camera công cộng tại nhiều nơi. Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đang tích cực được xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ. Đây là nền tảng quan trọng cho phép kiểm soát tốt hơn việc chấp hành pháp luật của mỗi người, trong đó có luật giao thông.
Và điều kiện không thể thiếu để người tham gia giao thông chấp hành được quy định mà không bị ảnh hưởng nhiều đến các mặt đời sống khác, là sự phù hợp của hạ tầng.
Đường sá cần có điểm dừng đỗ, dừng nghỉ với cự ly phù hợp để khi có việc khẩn cấp, lái xe có thể dừng lại nghe cuộc điện thoại quan trọng mà không mắt trước mắt sau lo bị phạt, hoặc gặp rủi ro tai nạn.
Giao thông công cộng cần đáp ứng tốt hơn, để với các môi trường phức tạp và nhiều áp lực như nội thành, đa số người dân không cần, không muốn phải sử dụng xe cá nhân.
Các phương thức vận tải kết nối bằng công nghệ cần được đưa vào khuôn khổ pháp lý, để không còn tình trạng lái xe vừa chạy vừa alo đón khách.
Quan niệm “rảnh tay là an toàn” đang là một rào cản lớn trong cả thiết kế cũng như thực thi quy định pháp luật về cấm điện thoại khi lái xe. Vì thế, để luật không bị “nhờn”, thì khi thiết kế, các nhà làm luật cần “bận tâm” nhiều hơn, dụng công nhiều hơn, để người chấp hành phải nghĩ khác, và tất nhiên ứng xử khác, ngay từ khi quy định được đọc lên.