Sự hy sinh thầm lặng của những người nơi tuyến đầu chống dịch
VOV.VN - Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Đắk Lắk ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19. Số ca bệnh tăng dồn dập, các y, bác sĩ phải dốc toàn lực để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều người phải gạt đi nỗi niềm riêng để hoàn thành nhiệm vụ.
Tại Khu cách ly Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh Trường Đại học Tây Nguyên, một bàn thờ vừa được lập nên để chị Trần Thị Hương (sinh năm 1983) là nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đắk Lắk đang làm nhiệm vụ tại đây bái vọng người cha qua đời hôm 1/9. Nước mắt chảy dài khi chị chỉ có thể bái lạy vong linh cha từ xa. Hình ảnh tang lễ ở quê nhà Nam Định chỉ được thấy qua cuộc gọi zalo trên màn hình điện thoại.
Chị Hương hy vọng rằng, dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để chị có thể về quê thắp nhang lên mộ bố: “Hè vừa rồi tôi cũng có kế hoạch đưa con cháu về chơi với ông bà vì ông bà cũng tuổi cao rồi, nhưng vì dịch bệnh không về được. Thế nhưng ông lại ra đi đột ngột nên cuộc hẹn không thể thực hiện được. Mong muốn mọi người cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh để tôi có thể được về quê thắp nhang cho bố”.
15 năm công tác tại Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, chị Nguyễn Thị Kim Tuyền đã đối mặt với nhiều loại dịch bệnh trên người. Xong phải đến khi là thành viên của Đội truy vết số 3, là lực lượng nòng cốt xông pha vào cuộc chiến chống Covid-19, chị mới thấu hiểu được hết những vất vả, hiểm nguy và cả sự hy sinh khi đi làm nhiệm vụ.
Chị Tuyền cho biết, hơn 3 tháng qua, khi dịch Covid-19 tại Đắk Lắk diễn biến phức tạp, bất kể sớm tối, khi ở đâu có ca bệnh là đội của chị lại lên đường để truy vết. Dù phải làm việc xuyên ngày, xuyên đêm trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhưng xác định việc lấy mẫu xét nghiệm có ý nghĩa quyết định đến công tác chống dịch, nên các chị phải tranh thủ từng giây, từng phút để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất. Cuộc sống cá nhân, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ đành phải đặt sau công việc.
“Cường độ thời gian luôn đột xuất, có lúc thì sáng, có lúc làm tới khuya, nửa đêm. Khi nào làm xong hết rồi mới được ăn, nhiều lúc 1-2h sáng mới ăn, ăn tạm thôi. Buổi sáng hôm sau cũng không có thời gian nấu nướng, tôi phải ăn ổ bánh mì hoặc uống chai nước lọc. Bây giờ thì có Zalo, gọi để nhìn thấy hình ảnh của con thôi chứ không biết làm sao”, chị Tuyền nói.
Từ ngày 15/8, khi Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên được chuyển đổi thành khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng của khu vực Tây Nguyên, 21 người gồm nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và kỹ thuật viên đã phải làm việc gấp nhiều lần để giúp các bệnh nhân giành lại sự sống.
Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt, trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc, phụ trách Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết, những bệnh nhân chuyển vào đây đều có nhiều bệnh lý nền và nguy cơ tử vong rất cao. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, các y bác sĩ của khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng luôn nỗ lực từng giây, từng phút quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
“Chúng tôi tìm mọi cách kể cả vận mệnh kể cả vận lực, kể cả trình độ chuyên môn, kể cả cái tâm của thầy thuốc để giành giật từng giây từng phút và từng giờ, giữa tính mạng của người bệnh trước lưỡi hái của tử thần”, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt chia sẻ.
Cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 còn dài và nhiều chông gai, những chiến sĩ trên tuyến đầu trận chiến chống dịch tại Đắk Lắk vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh kiên cường, ngày đêm truy vết, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và nhân dân. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng./.