'Sứ mệnh kép' của các đảo Việt Nam
VOV.VN - Sứ mệnh của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc... là ổn định, phát triển, đồng thời phải phòng thủ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc
Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho đất nước chúng ta một Vịnh Hạ Long kỳ vỹ - di sản thiên nhiên của thế giới mà còn ban tặng cho chúng ta “mặt tiền” của biển dài tới hơn 3400km, cùng với hệ thống quần đảo và hàng nghìn hòn đảo thật phong phú, đa dạng hiếm có. Ưu thế đó đã và đang đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về sự phát triển toàn năng của đảo.
Nhìn sang các nước trong khu vực, nhiều quốc gia chỉ là những hòn đảo, giữa biển nước mênh mông mà lại có sự bứt phá ngoạn mục đến không tưởng. Nhật Bản chẳng hạn, với hơn 6800 hòn đảo to, nhỏ khác nhau; còn Singapore là một quốc đảo rất khiêm tốn về diện tích, vẻn vẹn chỉ tương đương với đảo Phú Quốc của ta, dân số khoảng trên 5 triệu dân, nhiều hơn tỉnh Thanh Hóa một chút... Ấy vậy mà họ đã được mệnh danh là “Quốc đảo Sư tử” và ghi tên mình vào một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người vào bậc nhất thế giới, chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao mà nhiều quốc gia đang khao khát vươn tới. Không những vậy, họ có hệ thống phòng thủ về an ninh với thế trận vững chắc mà những kẻ xâm lược không dám đến chiếm đoạt. Có thể kể ra khá nhiều nước và châu lục khác đều có những mô hình “quốc đảo” tương tự với sự hãnh diện, tự tin và là điểm đến mà du khách thập phương phải trầm trồ, thán phục.
Điều gì đã làm nên sự thay đổi tuyệt vời ấy? Có lẽ không có phép mầu của bà tiên hay ông phật nào cả. Họ có quá khứ và xuất phát điểm tương đồng như nước ta. Sự nghèo đói bao trùm lên mảnh đất và hòn đảo của họ cũng đã bao thế kỷ. Thật khó có thể hình dung họ đột phá, đổi mới và cách mạng đến mức thần kỳ như vậy. Họ nói, chúng tôi không có tài nguyên, đến cả nước ngọt và cát cũng phải nhập khẩu. Tài nguyên duy nhất của chúng tôi là con người. Con người với sức mạnh của bàn tay và khối óc đã làm thay đổi tất cả, đã đem đến hạnh phúc cho chúng tôi như ngày nay.
Nghe mà thấy chạnh lòng! Lịch sử nước ta đã phải mất bao năm để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Từ đất liền tới các quần đảo, hòn đảo đều nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Biển cả ngàn năm vẫn vang lên những khúc tráng ca hùng vĩ. Và ngày nay, các quần đảo của chúng ta cũng vẫn đang ngày đêm bị gây hấn, đe dọa. Sứ mệnh của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Vịnh Hạ Long, rồi tới các hòn đảo Cồn Cỏ, Bạch Long Vỹ, Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quốc... là ổn định, phát triển, đồng thời phải phòng thủ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa chiến lược để tạo nên sức mạnh nội sinh vững chắc cho các hòn đảo chính là sự phát triển kinh tế ở các hòn đảo có điều kiện.
Mỗi hòn đảo đều đang mang trên mình một “sứ mệnh kép” rất quan trọng để vừa làm giàu, vừa xây dựng hệ thống phòng thủ vững vàng. Đây đó, cũng từ các hòn đảo, người ta nói: Trung ương không cho chúng tôi tiền mà chỉ cho hai chữ cơ chế. Chỉ vậy thôi là đủ để chúng tôi làm giàu và phát triển như ngày nay.
Nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng không phải khó đến mức không làm được. Họ làm được sao ta lại không? Thiếu cơ chế hay thiếu tư duy, cách nhìn? Sứ mệnh lịch sử đang đặt trọng trách lên vai các nhà lãnh đạo, quản lý đối với những quần đảo, hòn đảo đầy tiềm năng và quyến rũ của đất nước chúng ta./.