"Sức ép với lực lượng PCCC trên địa bàn Hà Nội là rất lớn"
VOV.VN - Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, TP quy trách nhiệm cho lực lượng cảnh sát PCCC cực lớn nếu để xảy ra một vụ cháy thì sẽ xem xét nếu không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn sẽ bị kỷ luật.
Chiều 22/9, thông tin về công tác phòng chống, cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho biết, 8 tháng năm 2020, xảy ra 268 vụ cháy, trong đó 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 96 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 11 vụ cháy rừng và 1 vụ nổ làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy tại khu vực nội thành xảy ra 150 vụ (chiếm 56,2% số vụ cháy); loại hình xảy ra cháy chủ yếu tại nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất (189 vụ, chiếm 70,8% tổng số vụ cháy). Theo ông Hiếu nguyên nhân chủ yếu do chập điện (167 vụ, chiếm 62,5% tổng số vụ cháy). Ngoài ra còn có 424 vụ chập diện trên cột, 520 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, phê liệu...). So với cùng kỳ năm 2019: Giảm 105 vụ cháy, 10 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 35 tỷ đồng.
Cũng trong 8 tháng qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp nhận 154 tin báo CNCH, trong đó: mắc kẹt 31 vụ, đuối nước 33 vụ, tự tử 26 vụ, tai nạn giao thông 14 vụ, trong vụ cháy 9 vụ, sập đồ cầu kiện 2 vụ, các vụ việc khác 39 vụ (cây đổ, khống chế đối tượng ngáo đá…).
Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, làm tốt công tác phòng ngừa là biện pháp quan trọng giảm thiểu thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Cháy nổ là điều không mong muốn nếu xảy ra trở thành thảm họa. Doanh nghiệp cháy thì phá sản, nhà dân cháy mất người, mất của. Việc để xảy ra cháy là do ý thức của chính con người chúng ta trong quá trình sinh hoạt, làm việc. Vì vậy việc nâng cao ý thức, có kiến thức phòng ngừa hạn chế tốt nhất các vụ cháy”.
Trao đổi với báo chí về công tác quản lý nhà nước đối với các vi phạm PCCC, xử lý các sai phạm PCCC, Thượng tá Hiếu cho biết: “Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện chủ đầu tư có sai phạm, chúng tôi sẽ có kiến nghị để chủ đầu tư khắc phục. Các tồn tại vi phạm có kiến nghị, có thời hạn khắc phục sẽ được phúc tra lại, còn những sai phạm đã được kiến nghị ở lần trước mà khi phúc tra, kiểm tra lần sau không đảm bảo không thực hiện thì xử phạt, thậm chí hình phạt tăng nặng như tạm đình chỉ hoặc tạm đình chỉ”.
“Đối với các vi phạm tại chung cư ở Hà Nội có số lượng chung cư tương đối lớn nên Hà Nội là đơn vị đi đầu trong toàn quốc trong việc quyết liệt kiểm tra xử lý vi phạm an toàn về PCCC đối với khu chung cư”, Thượng tá Hiếu khẳng định.
“Ngoài áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm, UBND Thành phố còn ban hành văn bản quy định chung cư xây dựng trước khi đưa người dân vào sử dụng phải được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và văn bản về PCCC là một trong những văn bản để cơ quan cấp phép xây dựng cấp phép đưa công trình vào hoạt động”.
Liên quan đến các vụ cháy liên quan đến hóa chất được sử dụng trong sản xuất, ông Hiếu cho rằng, đối với các cơ sở sử dụng hóa chất trong điều tra cơ bản đều được phía công an thống kê, quá trình kiểm tra có kiến nghị về khoảng cách an toàn, cách bảo quản hóa chất để đảm bảo. Nhắc lại trường hợp cháy Nhà máy phích nước Rạng Đông thì việc đầu tiên lực lượng chữa cháy phải nắm tình hình kho hóa chất thủy ngân ở đâu nếu cháy ở khu vực kho để thủy ngân thì chắc chắn gây ra thảm họa. “Cháy sản phẩm bóng đèn cũng có một hàm lượng thuỷ ngân độc hại nhất định, tuy nhiên cơ quan chuyên môn và kết quả quan trắc đo môi trường khẳng định trong cơ thể chúng ta cho phép lượng hóa chất bị nhiễm không đến mức dẫn đến biến bất thường”, Thượng tá Hiếu cho biết.
Theo
“Hiện nay, TP quy trách nhiệm cho lực lượng cảnh sát PCCC cực lớn nếu để xảy ra một vụ cháy thì sẽ xem xét quá trình quản lý địa bàn, triển khai phòng cháy nếu không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn sẽ bị kỷ luật. Vì vậy, sức ép của lực lượng PCCC là rất nặng nhiều trường hợp bị điều chuyển, phê bình kỷ luật”, Đại tá Trần Ngọc Dương chia sẻ./.