Tách chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ của Cục Đăng kiểm là hợp lý
VOV.VN - Việc tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
Tính đến phương án cổ phần hóa làm dịch vụ đăng kiểm
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu Đề án trên cũng như đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động, quản lý đối với hệ thống trung tâm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm phương tiện đường bộ, phương tiện thủy thuộc các sở, hoàn thành trong quý II/2023 để trình Bộ GTVT xem xét.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Cơ chế quản lý tài chính của Cục đang áp dụng theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cơ quan Cục.
Với cơ chế trên, một số phòng tham mưu, giúp việc Cục trưởng vừa thực hiện công tác quản lý Nhà nước, đồng thời thực hiện dịch vụ kiểm định phương tiện. Trong khi đó, các đơn vị trực thuộc (chi cục, trung tâm đăng kiểm) cũng thực hiện hoạt động kiểm định phương tiện GTVT và công trình biển. Mọi hoạt động, nhân sự, tài chính của các đơn vị trực thuộc đều phụ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo dự thảo đề án, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được sắp xếp lại theo hướng Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ làm công tác quản lý Nhà nước về đăng kiểm.
37 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự kiến sẽ sắp xếp, tổ chức lại thành 7 trung tâm đăng kiểm để thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện đường bộ đang lưu hành, xe sản xuất mới, phương tiện thủy, tàu biển đường sắt và công trình biển.
Sau khi tổ chức lại, các đơn vị này vẫn thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam song Cục chỉ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị, còn các đơn vị hoàn toàn tự chủ, độc lập về tổ chức, tài chính, con người.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, việc sắp xếp lại các đơn vị đăng kiểm như trên nhằm tạo sự độc lập về tài sản, con người, sau đó nếu đơn vị nào đủ điều kiện sẽ tính đến phương án cổ phần hóa làm dịch vụ đăng kiểm.
Phù hợp xu thế và tránh được "vừa đá bóng, vừa thổi còi"
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam việc tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm, mục tiêu hướng tới là nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
Trước đó, ông Lê Thanh Vân-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, ông ủng hộ tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước. Vì hiện nay, ranh giới phân tuyến quản lý và kiểm soát trong lĩnh vực đăng kiểm: giữa một bên là khu vực công, một bên là khu vực tư nhân còn mập mờ.
"Theo tôi, nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước. Có nghĩa là Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi và vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm và hoạt động đăng kiểm. Trong bối cảnh năng lực quản lý bằng pháp luật, bằng thực tiễn hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm còn nhiều hạn chế, tiêu cực nên mới có hiện tượng móc ngoặc, cấu kết với nhau để "móc túi" người dân thông qua nhiều thủ tục”, ông Vân nói.
Theo ông Lê Thanh Vân, cần phải nhìn nhận những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua là một bài học sâu sắc. Trên cơ sở đó, cần đánh giá lại việc phân công sao cho hợp lý trong quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm.
Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ đăng kiểm là cần thiết và minh bạch. Đăng kiểm là một dịch vụ kỹ thuật nó cũng như các ngành nghề kinh tế kỹ thuật khác mà Nhà nước không nên ôm vào làm mà chỉ nên quản lý nó thông qua các quy định của pháp luật.
Khi xác định đăng kiểm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Nhà nước sẽ xây dựng các khung pháp lý để quản lý như bao ngành nghề khác đã giao tư nhân làm: giám định, định giá, công chứng...
“Việc tách chức năng sẽ tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không khách quan, làm không tròn vai dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực và cả rủi ro cho người làm công tác đăng kiểm. Đặc biệt, sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm”, ông Thủy nói.
Ngoài ra, ông Thủy cho răng, việc tách chức năng là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Việc tách chức năng nhằm giúp hiểu đúng bản chất của hoạt động đăng kiểm và quản lý Nhà nước về đăng kiểm./.
Phó Thủ tướng: Cần tổ chức lại ngay mô hình hoạt động Cục Đăng kiểm Việt Nam
Chiều 8/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, những sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số trung tâm đăng kiểm là hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ôtô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách chức năng quản lý nhà nước và hoạt động của các trung tâm kiểm định, bảo đảm minh bạch, rõ ràng; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên…