Tai nạn lao động nghiêm trọng sao vẫn liên tiếp xảy ra?
VOV.VN- Trong 2 ngày 18- 19/11 đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong đó, đáng lưu ý là vụ sập hầm tại mỏ than ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc – Hòa Bình) làm 1 người chết và 2 người chưa tìm thấy; vụ sập cần cẩu trên đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng làm 1 người chết và vụ tai nạn sập lò vôi ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng xảy ra sáng 19/11 làm 3 người chết.
Thực tế này lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng và khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Anh Thơ-Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động. |
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động và biện pháp để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.
Phóng viên: Trong 2 ngày 18-19/11 đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động liên quan đến lĩnh vực xây dựng và khai thác khoán sản. Qua những vụ việc này ông thấy nổi lên vấn đề gì?
Ông Nguyễn Anh Thơ: Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng có tính lặp lại rất cao. Chủ sử dụng lao động tại các đơn vị này đã vi phạm các quy định về an toàn. Điển hình, như vụ sập mỏ than ở Tân Lạc, Hòa Bình, việc cấp phép thăm dò đối với một vùng khoáng sản đã kéo dài hàng chục năm nay, giờ lại tiếp tục được cấp phép.
Báo cáo cho thấy, trong quá trình thăm dò kéo dài, việc giữ các đường lò thăm dò sâu trong vùng mà trước kia đã khai thác than thổ phỉ hàng chục năm trước, để lại rất nhiều mối nguy hiểm, khó kiểm soát về địa chất khi các lò than thổ phỉ không còn được khai thác.
Đây là vi phạm cần thiết phải chấn chỉnh và dừng các hoạt động tương tự. Nếu có nhiều sự phức tạp về điều kiện vận hành thì cần thiết phải sử dụng công nhân lành nghề để hạn chế sự non kinh nghiệm hay sự yếu kém trong điều kiện thực tế để giảm sự cố dẫn đến tai nạn.
Nhiều địa phương đã có những biện pháp sau các vụ tai nạn, đã có những chấn chỉnh nhất định về hoạt động của các thiết bị nâng ra các đơn vị lân cận hoặc khu vực giao thông; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các thiết bị đấy.
Tôi thấy là các thiết bị nâng có tầm hoạt động lớn và rộng như vậy, hoạt động trong khung giờ có nhiều người qua lại như vậy thì cần phải hạn chế đồng thời rút kinh nghiệm.
Chúng ta cần thiết phải có những chấn chỉnh chỉ đạo thêm về những hoạt động này, nhất là trong dịp cuối năm có rất nhiều công trình đang giai đoạn nước rút. Các Bộ, ngành cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra ở các địa phương.
Phóng viên: Thưa ông, rõ ràng qua vụ tai nạn vừa xảy ra cho thấy công tác đào tạo an toàn vệ sinh lao động còn bị buông lỏng và vi phạm quy định Luật An toàn vệ sinh lao động?
Ông Nguyễn Anh Thơ: Hiện nay việc đào tạo an toàn, chính sách cũng đã có những thay đổi nhất định. Trong các vụ tai nạn gần đây chưa thấy nêu nguyên nhân do đào tạo, hiện nay vẫn là vi phạm quy trình vận hành, quy định an toàn và các quy chuẩn trong khai thác mỏ hay thiếu các biện pháp an toàn, chưa nói đến kỹ năng của công nhân. Chúng tôi cũng đánh giá là công tác an toàn, đào tạo an toàn lao động, cơ bản tất cả các đơn vị cũng đã tuân thủ các quy trình khung, các tài liệu.
Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta mở rộng các đơn vị hoạt động dịch vụ ra thì đâu đó có một số đơn vị, chất lượng đào tạo không đảm bảo, kể cả chất lượng giảng viên. Một số đơn vị sử dụng lao động dành thời gian cho đào tạo không nhiều, do đó chất lượng bị ảnh hưởng.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay theo quy định thì việc cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản do các Bộ và địa phương quản lý nhưng công tác thẩm định an toàn lao động thường hay bị động. Vậy theo ông, Cục An toàn vệ sinh lao động cần phải làm gì để chấn chỉnh việc này?
Ông Nguyễn Anh Thơ: Hiện nay, vấn đề cấp phép cho hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hoạt động khai thác mỏ, các công trình thì chủ yếu là các cơ quan chuyên ngành. Các cơ quan lao động thì chỉ vào hậu kiểm, sau các hoạt động sản xuất kinh doanh rồi mới tiến hành kiểm tra chứ không tham gia từ đầu khi phê duyệt dự án đó. Tuy nhiên, Luật an toàn vệ sinh lao động, sắp tới các văn bản quy định chi tiết sẽ cần thiết phải có những báo cáo đánh giá rủi ro để kiểm soát những nguy cơ tai nạn ngay từ nguồn, ngay quá trình lập các báo cáo, ngay lúc đầu phê duyệt các dự án. Công tác quản lý phải có sự tăng cường trong kiểm tra và thanh tra thì việc chấp hành đó mới liên tục./.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!