Tăng cường hỗ trợ người dân an toàn ở những vùng ngập lũ

VOV.VN - Mưa lũ gây ngập lụt kéo dài đã khiến nhiều nhà dân ở các tỉnh miền trung: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng bị cô lập và thiệt hại nặng. Chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Mưa lũ gây ngập lụt kéo dài trong mấy ngày qua khiến nhiều nhà dân ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang…, tỉnh Thừa Thiên Huế bị cô lập; các công trình đê, đập bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Hiện hàng ngàn hộ dân ở vùng trũng của huyện Phong Điền đang bị ngập sâu và cô lập trong lũ.

Đến trưa nay (9/10), tại vùng trũng của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn ngập trong nước lũ. Tại 3 xã là Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương vẫn ngập nặng, nhiều khu dân cư bị nước lũ vây quanh. Anh Lê Minh Hoàng, ở thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền cho biết, nước lũ lên nhanh quá khiến nhà cửa bị ngập, cả thôn bị cô lập.

“Ở xã thì ngập nhiều, ngập sâu nhiều, đặc biệt là thôn Ma Nê, thôn Phú Lộc, với xóm Đồng, thôn Nhất Phong, đường sá đi không được. Việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, ra đường thì ngập lụt, phải đi bằng đò. Do lũ lụt đến bất ngờ quá nên việc chuẩn bị chưa được kỹ”, anh Lê Minh Hoàng nói.

Tại các thôn Nhất Phong, Ma Nê, Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, hơn 600 hộ dân bị nước lũ cô lập trong những ngày qua. Chính quyền địa phương phải cứu trợ mì tôm tạm thời cho những gia đình bị ngập sâu. Những lúc mưa lũ kéo dài như thế này, tình làng nghĩa xóm của bà con ở vùng lũ càng khăng khít.

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Đợi, ở thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, liên tục chèo ghe quanh xóm đưa người già neo đơn, bà con có nhà ở khu vực trũng thấp di chuyển lên cao để đảm bảo an toàn. Ông Đợi cho biết, sống trong vùng rốn lũ, bà con ai cũng phải dự trữ lương thực, mì tôm dài ngày. Những lúc này, bà con cần giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn.

“Nước dâng lên rất nhanh, có một số gia đình nước đã vào nhà, còn hầu hết bị ngập, nhất là mấy xóm ở ngoài sâu, vùng sâu vùng xa, bị ngập đường không đi lại được do lũ. Nhất Phong thì có xóm Đồng, thôn Ma Nê thì đường bị cắt, không đi lại được”, ông Đợi nói.

Đến nay, có trên 2.000 ngôi nhà ở huyện Phong Điền bị ngập sâu. Địa phương đã di dời 600 hộ dân ở vùng thấp trũng với 1.800 khẩu đến nơi cao ráo, an toàn. Nhờ chủ động phương châm 4 tại chỗ, chính quyền địa phương đã lên phương án ứng phó với mưa lũ, không để nhân dân bị đói, rét.

Tương tự, tại thành phố Đà Nẵng, những ngày qua có mưa vừa, có nơi mưa rất to. Mưa kết hợp nước sông dâng cao tại một số thôn, xã tại huyện Hòa Vang ngập trong nước, nhiều diện tích rau bị hư hại.

Tại điểm ngập lũ thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, hàng chục nhà dân bên trong thôn bị ngập trong nước lũ, có nơi sâu 1,5m cô lập với bên ngoài. Người dân phải di chuyển đồ đạc, tài sản lên cao, tránh hư hỏng. Có nhiều hộ dân phải dùng thuyền và bè chuối làm phương tiện di chuyển ra ngoài mua thực phẩm.

Mưa lớn cũng đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của người dân. Tại xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, 90% diện tích rau màu của HTX Rau An toàn Tuý Loan chìm trong biển nước, chủ yếu là các loại rau ăn lá, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ông Trần Lượng, Phó Giám đốc HTX rau An toàn Tuý Loan cho biết, HTX đã cam kết cung ứng rau với nhiều đơn vị, hiện giờ rau mất trắng, người dân lo lắng phải bồi thường hợp đồng với phía doanh nghiệp: “Mưa to như thế này vùng rau hư hết, đang thu hoạch có, chuẩn bị thu hoạch có. Khó khăn nhất là đã ký hợp đồng với các đơn vị. Nói chung thiệt hại 100%”.

Mưa kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến nhiều diện tích hoa màu, cây trồng đến kỳ thu hoạch của người dân bị ngập úng, ảnh hưởng lớn đến thu hoạch lúa mùa và sản xuất cây vụ đông.

Toàn thành phố có 40 ha rau màu bị ngập úng, hư hại, 9.000 cây hoa cúc bị dập nát, không thể phục hồi, tập trung ở các xã Hoà Liên, Hoà Phong, Hoà Khương, huyện Hoà Vang. Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, Hội đã có chủ trương hỗ trợ nguồn giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lụt.

“Về thành Hội có chủ trương chỉ đạo các cơ sở nhanh chóng  giúp nông dân triển khai thu hái. Đồng thời, khảo sát các hộ nông dân bị thiệt hại và lên kế hoạch giúp dân khôi phục sản xuất bằng cách hỗ trợ giống cho nông dân phục hồi sản xuất, hướng dẫn các hộ đó vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để tổ chức sản xuất ngay sau khi nước rút”, ông Nguyễn Kim Dũng cho hay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mưa lớn gây ngập lụt nặng ở miền Trung, Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học
Mưa lớn gây ngập lụt nặng ở miền Trung, Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học

VOV.VN - Do mưa lớn trong các ngày 6- 7/10, nhiều tuyến giao thông huyết mạch tại các tỉnh miền Trung bị ách tắc vì nước lũ dâng cao, nhiều thôn bản chia cắt tạm thời.

Mưa lớn gây ngập lụt nặng ở miền Trung, Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học

Mưa lớn gây ngập lụt nặng ở miền Trung, Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học

VOV.VN - Do mưa lớn trong các ngày 6- 7/10, nhiều tuyến giao thông huyết mạch tại các tỉnh miền Trung bị ách tắc vì nước lũ dâng cao, nhiều thôn bản chia cắt tạm thời.

Mưa lớn gây ngập lụt ở Lào Cai
Mưa lớn gây ngập lụt ở Lào Cai

VOV.VN - Đêm về sáng 23/9, mưa dông diện rộng xuất hiện đều khắp tại các khu vực trong tỉnh Lào Cai gây ra tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi.

Mưa lớn gây ngập lụt ở Lào Cai

Mưa lớn gây ngập lụt ở Lào Cai

VOV.VN - Đêm về sáng 23/9, mưa dông diện rộng xuất hiện đều khắp tại các khu vực trong tỉnh Lào Cai gây ra tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi.

Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ ở Quảng Ninh
Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ ở Quảng Ninh

VOV.VN - Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có mưa lớn gây ngập lụt một số khu dân cư, tuyến đường.

Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ ở Quảng Ninh

Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ ở Quảng Ninh

VOV.VN - Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có mưa lớn gây ngập lụt một số khu dân cư, tuyến đường.