Tăng lương công chức viên chức lại “lôi” theo nhiều đối tượng khác
VOV.VN -Mỗi lần bàn về tiền lương của cán bộ công chức, viên chức nhà nước bao giờ cũng bị “lôi” theo nhiều đối tượng mà đáng lẽ phải tách ra.
Câu chuyện có thể chưa tăng lương theo lộ trình cho cán bộ, công chức vào năm 2016 ngoài chuyện chưa bố trí được nguồn thì cơ cấu, cách thức trả lương hiện nay cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Tiền lương cơ bản vẫn còn nhiều bất cập. |
Bất cập lớn nhất ai cũng có thể thấy là nhiều năm qua, mức lương cơ bản (lương tối thiểu) chỉ bảo đảm bù trượt giá, chưa đảm bảo cuộc sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Vậy do đâu xuất hiện những bất cập này? Thực tế hiện nay, việc bố trí vị trí việc làm của viên chức, công chức chưa rõ ràng. Ví dụ, trong đơn vị sự nghiệp có cả một số công chức. Trong khối doanh nghiệp Nhà nước thì Hội đồng quản trị lại là công chức, thế nhưng khi cải cách tiền lương thì những người này lại không ăn lương theo ngạch công chức mà lại ăn lương doanh nghiệp.
Theo luật, công chức làm việc trong cơ quan hành chính quản lý nhà nước và các đoàn thể. Viên chức thì chỉ có viên chức công lập. Người có công thì chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh người có công, người về hưu thì chịu sự điều chỉnh của Luật BHXH. Thế nhưng, khi bàn về tiền lương của cán bộ công chức, viên chức nhà nước bao giờ cũng bị “lôi” theo nhiều đối tượng (đáng lẽ phải tách ra). Bây giờ nếu nói tăng lương mà không tăng mức lương tối thiểu cho người về hưu thì chắc chắn sẽ xảy ra thắc mắc, tranh luận. Hoặc bây giờ chỉ tăng cho CBVC Nhà nước mà không tăng cho lực lượng vũ trang thì cũng không ổn!
Thực tế, quan hệ tiền lương của lực lượng vũ trang vượt xa so với tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã được xác định. Cụ thể, mỗi phụ cấp công vụ cho cán bộ công chức áp dụng cho cả lực lượng vũ trang, mặc dù tiền lương của lực lượng này được xác định cao hơn của CBCC 1,8 lần ngay trong mức lương thiết kế (lương cơ bản) cộng với phụ cấp. Phụ cấp này đối với cán bộ công chức, viên chức không được tính khi về hưu, còn quân đội thì tính hết về hưu nên lương hưu quân đội bây giờ cao gấp 2,2 lần so với lương chung.
Theo một số chuyên gia về tiền lương, nếu như từ năm 1991chúng ta trả lương hưu theo kiểu hình thành tài khoản cá nhân thì chẳng bao giờ phải điều chỉnh. Bản chất của mình hiện nay là tài khoản cá nhân không đầy đủ và tính không công bằng giữa các khu vực. Đó là khu vực Nhà nước thì đóng ít hưởng nhiều. Khu vực ngoài nhà nước thì đóng và hưởng thì chưa biết thế nào nhưng thường là thiệt thòi so với khu vực nhà nước. Bởi vì họ phải tính bình quân của bao nhiêu năm đóng, còn khu vực nhà nước thì chỉ tính 5-10 năm cuối cùng. Người tham gia trước 1/1/1995 thì bình quân có 5 năm. Luật đã sửa qui định này nhưng chỉ với những người tham gia BHXH từ 1/1/2018.
Tăng lương bằng tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu công
Trong lúc này một số ý kiến cho rằng, tại sao không phân loại công chức, viên chức để tăng lương? Làm như vậy sẽ tránh được việc tăng lương đồng loạt và không phải tăng lương cho những đối tượng “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngại về cách làm này. Vì đây có thể là cơ hội để “thanh thải” chính những người làm được việc nhưng không có “ô dù”. Thực tế, từ trước tới nay, chất lượng đánh giá cán bộ công chức, viên chức không đảm bảo, không công bằng, công việc thì vẫn trì trệ nhưng cuối năm ai cũng lao động tiên tiến, lao động giỏi.
Ngân sách Nhà nước hiện nay không chỉ trả lương cho cán bộ công chức, viên chức mà còn bao gồm cả phụ cấp và trợ cấp (không phải tiền lương). Ngoài số cán bộ công chức xã còn có số ký hợp đồng hưởng lương, còn lại toàn bộ già làng, trưởng bản cho đến các chức danh trưởng các mặt trận, đoàn thể không phải hưởng lương thì lại hưởng phụ cấp.
Một thực tế nữa là càng tinh giản biên chế càng tăng, nhiều cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương có số cán bộ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên, trong khi đó chất lượng đội ngũ này lại không tăng lên. Vì trì trệ, kém phát triển nên không tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn để nuôi trở lại bộ máy này.
Trong một phân tích mới đây về tiền lương đăng trên báo Nhân dân, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho rằng: Các bất cập, hạn chế lớn đã làm cho chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội trở thành điểm nghẽn trong chính sách kinh tế- xã hội, đang là trở ngại của tiến trình phát triển, xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước khoa học, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Cải cách cơ bản chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội đang là một yêu cầu bức thiết. Không phải chúng ta thiếu phương án giải quyết, khắc phục mà chính là, phải thống nhất nhận thức, có quyết tâm chính trị cao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội một cách cơ bản, đồng bộ, triệt để./.