Tăng quyền lợi để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện
VOV.VN - Thời gian qua, chính sách BHXH tự nguyện được đánh giá có sự phát triển vượt bậc, điển hình trong 2 năm qua số lượng người tham gia tăng mạnh. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay còn rất thấp so với con số 35 triệu lao động phi chính thức trong cả nước.
Theo Nghị định 7/2021 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021; mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng.
Trước đây, để chia sẻ với những lao động tự do, thu nhập không ổn định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ 30% mức đóng cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, 20% cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác. Còn hiện nay, để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, khi điều chỉnh tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, Chính phủ cũng tăng mức hỗ trợ tiền đóng tùy từng nhóm đối tượng. Cụ thể: Hỗ trợ người thuộc hộ nghèo tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng; hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng và hỗ trợ các đối tượng khác tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng.
Theo chị Nguyễn Thị Hồi, làm nghề tạo mẫu tóc ở phường Phúc Tân, quận Long Biên, Hà Nội, việc linh hoạt mức đóng và thời gian đóng cũng như tăng chế độ hưởng sẽ là điều kiện để những lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn: “Công việc của tôi cũng tạm ổn nhưng những người đi buôn bán thì bấp bênh lắm, có nhiều ngày còn bị lỗ. BHXH tự nguyện thì có chị em tham gia được, có nhiều người chưa thể tham gia bởi kinh tế khó khăn. Để thu hút được nhiều chị em tham gia thì tôi nghĩ quyền lợi phải được tốt hơn, ví dụ có thêm chế độ thai sản, hỗ trợ thì được nhiều hơn thì sẽ thu hút được chị em tham gia”.
Theo PGS.TS Giang Thanh Long- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hệ thống chính sách BHXH của Việt Nam đã tương đối đầy đủ và đáp ứng xu thế chung, song tỷ lệ tham gia chính sách này của nhóm lao động phi chính thức còn rất thấp, do những rào cản về chính sách khiến người lao động đắn đo. Vì vậy, ông Giang Thanh Long cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để lao động di cư tiếp cận được với BHXH tự nguyện như hỗ trợ về việc làm và vốn để họ có được công việc ổn định, từ đó tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. Đồng thời, thiết kế lại chính sách theo hướng tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện sẽ có luôn thẻ BHYT để khám chữa bệnh; bổ sung chế độ thai sản và ốm đau nhằm tăng tính hấp dẫn. Về thời gian thụ hưởng, cũng cần xem xét giảm thời gian chờ thụ hưởng từ 20 năm xuống còn 15 hoặc 10 năm, hoặc cho mua theo gói với nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Bởi, chỉ khi người dân thấy quyền lợi được bảo đảm tương ứng với dịch vụ, họ mới nhận thấy rõ hơn sự thiết thực của chính sách và quyết định tham gia.
“Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện thấp bởi lý do đơn giản, họ cho rằng chỉ có 2 chế độ dài hạn, trong khi đó, với những lao động phi chính thức, cái cần thiết đối với họ là thai sản, tai nạn lao động, hay ốm đau thì họ thường xuyên bị, tất cả các rủi ro họ phải chịu, họ luôn phải đánh đổi giữa thu nhập thấp bây giờ để chi tiêu với tương lai. Do đó, Nhà nước cần có sự điều chỉnh linh hoạt, cân nhắc vào những đặc điểm của người lao động, tôi muốn dùng từ “Đo ni đóng giầy”, cố gắng phù hợp với điều kiện của họ, đặc biệt là điều kiện liên quan đến thu nhập”, PGS.TS Giang Thanh Long nói thêm.
Với nhiều giải pháp tích cực, năm 2021 toàn quốc có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.