Cần có cơ chế đồng bộ cho các dự án ổn định cư dân biên giới

Tạo sinh kế để giải bài toán ổn định cư dân

VOV.VN - Trong bài trước chúng tôi đã phản ánh thực trạng nhiều dự án bố trí cư dân biên giới với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng tại tỉnh Cao Bằng nhưng chưa thể phát huy hiệu quả, bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Để các dự án này thực sự hiệu quả, giải pháp căn cơ lúc này là phải tạo sinh kế chứ không chỉ là câu chuyện “trao con cá, thiếu cái cần”.

Trở lại câu chuyện thành công của Dự án bố trí ổn định dân cư biên giới Nà Thúng, xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, dự án được xem là thành công nhất của tỉnh Cao Bằng. Từ xóm biên giới này cho thấy, nếu bố trí được vị trí hợp lý, đảm bảo đất sản xuất, nước tưới tiêu, có sự hỗ trợ kịp thời về sinh kế và nhất là có được sự thuận lợi về giao thông, các xóm định cư toàn có thể mang lại sự đổi thay tích cực cho cuộc sống người dân.

Ông Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá: “Dự án có thể nói là thành công, thậm chí thành công ngoài mong đợi. Dự án bố trí 10 hộ thì hiện đủ 11 hộ sống ổn định, thậm chí mức khá, 100% nhà xây kiên cố, vượt lên mức hỗ trợ của nhà nước. Và làng đó nếu theo nguồn lực đầu tư là thành công, đạt mục tiêu dự án đề ra đó là ổn định dân cư và điều kiện dân cư phát triển tốt”.

Vấn đề đặt ra đối với các dự án đã kết thúc đầu tư là việc bố trí nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thiết yếu như nước sạch, đường giao thông, trường học, trạm y tế…Đây cũng là những trở ngại để các địa phương tiếp tục triển khai xây dựng các dự án bố trí, ổn định cư dân biên giới. Đơn cử, dự án Phia Siển, xã Cần Yên, huyện Hà Quảng muốn khắc phục hệ thống giao thông, địa phương cần tự cân đối số tiền hơn 2,8 tỉ đồng. Hay ở xóm Lũng Choang, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, yếu tố giao thông chính là “điểm nghẽn” khiến xóm định cư này không phát huy hiệu quả. 7 năm qua, các kiến nghị của chính quyền, người dân vẫn chưa thể giải quyết do thiếu nguồn lực đầu tư.

Bà Nông Thị Ngân, Chủ tịch UBND xã Lăng Hiếu nói:  “Cấp ủy chính quyền cũng đã vận động, tuyên truyền nhưng do trong đó còn bất cập, còn thiếu thốn nên người dân vào đó chưa đầy đủ là vậy. Có được con đường vào thì bà con sẽ yên tâm bám trụ trong đó. Để những công trình trong Lũng Choang không lãng phí, qua các kỳ họp hội đồng rồi tiếp xúc cử tri cũng đã có rất nhiều lần có ý kiến, các đại biểu cũng có ghi nhận và báo cáo cấp trên nhiều lần, nhưng đến thời điểm này cũng chưa được đầu tư".

Người dân ở một số điểm dân cư cũng cho rằng, việc hỗ trợ cho các hộ đăng ký tới nơi ở mới cũng cần tính toán lại cho phù hợp với thời điểm hiện tại, bởi các hộ gia đình này đều thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Chị Triệu Thị Huế, người dân tại dự án Khuổi Luông, xóm Pò Rẫy, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết, gia đình được nhận 50 triệu đồng để làm nhà, tuy nhiên đó là quy định từ cả chục năm trước, nay không còn phù hợp. Hiện nhiều hộ gia đình muốn làm nhà phải vay mượn thêm dẫn tới không còn vốn phát triển sản xuất: “Gia đình tôi là tự xây nhà, xong thì được hỗ trợ 50 triệu, nhưng nhà ai muốn làm đẹp thì phải bù thêm. Vì số tiền ấy chỉ đủ mua gạch, vật liệu, công vận chuyển vào. Nhưng mà mức này theo dự án từ 2008 rồi, tận 2023 mới nghiệm thu làm thì không đủ. Năm 2008 cho 50 triệu thì đúng là nhà làm đẹp thật, nhưng giờ không được, nên như nhà tôi giờ vẫn chưa có cửa, lấy gỗ che tạm thôi. Giờ mà vào ở hẳn thì cũng chưa ở được, phải làm thêm cửa, rồi bếp, công trình vệ sinh cũng vài chục triệu nữa".

Trước những thực trạng trên, tỉnh Cao Bằng thẳng thắn thừa nhận: trong giai đoạn trước, các địa phương tập trung chủ yếu cho xây dựng hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức đến hỗ trợ sinh kế cho người dân. Người dân có đất sản xuất nhưng chưa có những mô hình phát triển kinh tế thực sự hiệu quả, cho thu nhập ổn định để an tâm bám trụ nơi ở mới. Ông Lã Phi Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho rằng việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm đã khiến các dự án khó thành công. 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia đang được triển khai sẽ là nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân.

“Vừa rồi chính quyền đã cấp gà giống cho bà con, tới triển khai chương trình MTQG của năm 2024 một số hộ sẽ thuộc diện cấp lợn nái, lợn thịt để chăn nuôi và một số được hỗ trợ phát triển rừng sản xuất. Sinh kế là yếu tố quan trọng, để ổn định cuộc sống bà con phải có công ăn việc làm, có thể tăng gia sản xuất như nuôi gà, lợn, trâu bò, rồi trồng ngô, lúa, trồng rừng, tới có các chương trình nữa thì sẽ tiếp tục hỗ trợ để bà con an tâm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới…", ông Lã Phi Trường cho hay.

Tỉnh Cao Bằng có đường biên giới lên tới hơn 330km, đa phần là địa hình đồi núi và qua các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Địa phương này cũng xác định, các dự án bố trí, ổn định dân cư biên giới có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, với các dự án trong thời gian tới, địa phương sẽ có những phương án điều chỉnh để người dân an tâm bám trụ tại nơi ở mới: “Qua kinh nghiệm, bài học rút ra chúng ta phải điều tra kỹ, khảo sát kỹ, phải lấy ý kiến từ người dân, từ cơ sở và thận trọng đối với các dự án ổn định dân cư. Yếu tố sinh kế phải là quan trọng nhất, vì theo tập quán của họ, khi họ chuyển đến nơi ở mới họ cũng rất thận trọng. Vì theo tập quán thì người dân miền núi họ muốn cuộc sống độc lập, cần có khoảng cách sinh sống, mỗi nhà thường sống một quả đồi, ngọn núi ở đó có điều kiện như nước tự chảy, đất… để thuận lợi chăn nuôi lợn gà thì họ sống thoải mái hơn… Với dự án không phù hợp trước đây thì vẫn phải điều chỉnh. Tỉnh vẫn chỉ đạo các địa phương điều chỉnh sao cho ổn định dần dần”.

Ông Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng, để các dự án triển khai đảm bảo mục tiêu đã đề ra, việc đầu tư cần có những tính toán phù hợp, có chọn lọc, tránh dàn trải, không để lãng phí nguồn lực. Đặc biệt không nên kéo dài dự án tới hàng chục năm: "Triển khai một dự án để đạt mục tiêu di dãn dân, ổn định dân cư, bảo vệ, khẳng định chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng biên thì cần đầu tư đồng bộ, tránh dàn trải. Dự án này chưa xong lại phê duyệt dự án khác rồi nguồn lực lại không đủ. Đặc biệt là thời gian, theo tôi 10 năm hoàn thành dự án là quá lâu, tôi nghĩ như vậy. Khoảng 2-3 năm thì người dân sẽ phấn khởi và sẵn lập nghiệp nơi mảnh đất mới”. 

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng xây dựng kế hoạch thực hiện 36 dự án bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, khu rừng đặc dụng. Trong đó, hiện 2 dự án bố trí dân cư biên giới đang được triển khai tại các xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng và xã Đại Sơn, huyện Quảng Hòa với tổng số vốn khoảng 30 tỉ đồng. Từ các chương trình đã triển khai giai đoạn trước có thể thấy, việc đầu tư một cách tập trung, có chọn lọc, phù hợp điều kiện, tập quán sinh sống của người dân kết hợp việc tạo sinh kế bền vững là yếu tố tiên quyết cho thành công của các dự án. Do đó, Cao Bằng và nhiều tỉnh biên giới khác ngoài sự quan tâm đầu tư cũng cần khảo sát kỹ, đánh giá đúng mức về các dự án để có những điều chỉnh phù hợp. Có như vậy, những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mới đi vào cuộc sống, qua đó tạo tâm lý ổn định cho cư dân vùng biên giới yên tâm phát triển kinh tế.

Đừng để nguồn lực đầu tư trở thành lãng phí

VOV.VN - Trong giai đoạn 2010 – 2020, Cao Bằng đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng 11 dự án ổn định dân cư ở khu vực biên giới. Đến nay, một số dự án đã bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu đồng bộ, một số dự án có nguy cơ “phá sản” do người dân không vào ở. 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những người vợ “ăn chưa no, lo chưa tới” ở Hà Quảng, Cao Bằng
Những người vợ “ăn chưa no, lo chưa tới” ở Hà Quảng, Cao Bằng

VOV.VN - Không có ước mơ, chỉ cần được chồng chăm sóc, yêu thương là mong ước của nhiều cô vợ đang "tuổi ăn tuổi lớn" ở xã Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng. Ở cái tuổi đáng ra được đến trường học kiến thức, vui vẻ bên chúng bạn thì nhiều thiếu nữ người Mông ở đây đã nghỉ học để lấy chồng rồi làm mẹ.

Những người vợ “ăn chưa no, lo chưa tới” ở Hà Quảng, Cao Bằng

Những người vợ “ăn chưa no, lo chưa tới” ở Hà Quảng, Cao Bằng

VOV.VN - Không có ước mơ, chỉ cần được chồng chăm sóc, yêu thương là mong ước của nhiều cô vợ đang "tuổi ăn tuổi lớn" ở xã Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng. Ở cái tuổi đáng ra được đến trường học kiến thức, vui vẻ bên chúng bạn thì nhiều thiếu nữ người Mông ở đây đã nghỉ học để lấy chồng rồi làm mẹ.

Cao Bằng: Tăng cường chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện
Cao Bằng: Tăng cường chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện

VOV.VN - Mưa lớn đã khiến 23 căn nhà và nhiều diện tích cây trồng của người dân tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại do sạt lở, lũ quét gây ra.

Cao Bằng: Tăng cường chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện

Cao Bằng: Tăng cường chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện

VOV.VN - Mưa lớn đã khiến 23 căn nhà và nhiều diện tích cây trồng của người dân tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại do sạt lở, lũ quét gây ra.

Ông Vũ Đình Quang tái cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng
Ông Vũ Đình Quang tái cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng

VOV.VN - Trong hai ngày 30 và 31/7, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra với sự tham gia của 246 đại biểu chính thức. Ông Vũ Đình Quang tiếp tục được Đại hội tín nhiệm, tái cử chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng.

Ông Vũ Đình Quang tái cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng

Ông Vũ Đình Quang tái cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng

VOV.VN - Trong hai ngày 30 và 31/7, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra với sự tham gia của 246 đại biểu chính thức. Ông Vũ Đình Quang tiếp tục được Đại hội tín nhiệm, tái cử chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng.