Tàu hàng liên vận Việt-Trung hoạt động, phòng dịch corona thế nào?
VOV.VN -Với việc tiếp tục cho chạy tàu hàng liên vận quốc tế qua lại biên giới Việt - Trung sẽ giúp giải phóng hàng hóa chờ xuất sang Trung Quốc và Châu Âu.
Cục Đường sắt Việt Nam đã có công văn gửi các Công ty vận tải đường sắt tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch do virus Corona gây ra đối với các tàu vận chuyến hàng hóa liên vận sang Trung Quốc.
Với việc tiếp tục cho chạy tàu hàng liên vận quốc tế qua lại biên giới Việt - Trung sẽ giúp giải phóng hàng hóa chờ xuất sang Trung Quốc và Châu Âu. |
Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục đã có công văn gửi các Công ty vận tải đường sắt tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp (virus corona) gây ra đối với các tàu vận chuyến hàng hóa liên vận sang Trung Quốc.
Cụ thể, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) định kỳ trước 10h30 phút hàng ngày hoặc đột xuất báo cáo Cục về lượng hàng hóa vận chuyển ngày hôm trước, lượng hàng hóa sẽ vận chuyển trong ngày tiếp theo, lượng hàng hóa phải thực hiện theo hợp đồng đã ký để Cục Đường sắt Việt Nam chủ động đề nghị Bộ GTVT xử lý phương án chạy tàu hàng liên vận quốc tế.
Đoàn tàu chuyên container đầu tiên kết nối giữa Đường sắt Việt Nam và Đường sắt Trung Quốc. |
“Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu các Công ty trên nghiên cứu, theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh, không khuyến khích tiếp tục gia tăng vận tải hàng hóa đường sắt bằng tàu hàng quốc tế qua lại hai cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra, nhất là trường hợp phải dừng tàu hàng do dịch bệnh diễn biến xấu”, Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo.
Trong khi đó, theo ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), với quyết định tiếp tục cho chạy tàu hàng liên vận quốc tế qua lại biên giới Việt - Trung của Bộ GTVT sẽ giúp đường sắt giải phóng hàng trăm toa xe đang chờ xuất sang Trung Quốc và châu Âu.
Cụ thể, qua cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường, hiện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội còn khoảng 100 toa xe chở sắn đang chờ xuất vì phía đường sắt Trung Quốc đang nghỉ Tết.
Tàu chở quặng từ cảng Hải Phòng đi Hà Nội - Lào Cai, xuất sang Trung Quốc qua đường sắt biên giới Lào Cai - Sơn Yêu. |
Ratraco cũng đang tổ chức khai thác vận chuyển thường xuyên với tần suất 2 chuyến/tuần qua cửa khẩu này, sản lượng vận chuyển hàng hóa trong tháng 1/2020 là 207 container. Còn kế hoạch tháng 2, hiện có 20 container đang chờ tại ga Đồng Đăng để xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, hàng điện tử quá cảnh Trung Quốc xuất sang châu Âu là 60 container, hàng quặng là 30 container, hàng thanh long khoảng 15 container.
Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Ratraco cho hay, lô hàng 15 container thanh long là lô thử nghiệm đầu tiên chạy trực tiếp bằng đường sắt từ Đồng Đăng sang bãi kiểm dịch ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Từ trước đến nay, do phía đường sắt Trung Quốc chưa có bộ phận kiểm dịch, thông quan đối với hàng hóa tươi sống tại ga Bằng Tường, Ratraco phải tổ chức vận chuyển container lạnh hoa quả như thanh long từ miền Nam ra.
Khi đến Đồng Đăng thì trung chuyển bằng đường bộ để thực hiện kiểm dịch, sau đó đến ga Bằng Tường sẽ tiếp tục vận chuyển bằng đường sắt. Tuy nhiên, việc trung chuyển này mất rất nhiều thời gian và chi phí, có đợt phải chờ đợi từ 5 - 7 ngày để thực hiện kiểm dịch, thông quan.
“Sau nhiều lần thương thảo, đàm phán, phía đường sắt Trung Quốc thống nhất đặt bộ phận kiểm dịch hàng hóa tươi sống tại ga Bằng Tường, nhưng phải thực hiện thử nghiệm trước. Dự kiến lô hàng thử nghiệm 15 container thanh long vận chuyển bằng tàu hàng liên vận sẽ chạy vào ngày 6/2”, đại diện Ratraco cho biết.
Trên tuyến đường sắt liên vận Lào Cai- Trung Quốc, tại cửa khẩu Lào Cai - Sơn Yêu, theo ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, theo kế hoạch trong tháng 2 sẽ nhập 34.885 tấn, xuất 33.820 tấn và dự kiến từ sau ngày 2/2 sẽ tiếp tục chạy từ 3 đến 4 đôi tàu/ngày đêm. Hàng trên tuyến này chủ yếu là nguyên vật liệu cho các nhà máy sản xuất.
Về vấn đề phòng ngừa dịch bệnh khi tổ chức chạy tàu hàng liên vận quốc tế qua lại biên giới với Trung Quốc, ông Trần Thiện Cảnh cho hay, phía cửa khẩu Lào Cai - Sơn Yêu, phụ trách chạy tàu hàng giữa hai nước do đường sắt Việt Nam đảm nhận. Hàng ngày, trên mỗi đoàn tàu thường xuyên có 5 nhân viên đường sắt Việt Nam gồm 2 lái tàu, 3 nhân viên giao tiếp thực hiện các tác nghiệp.
Hiện các nhân viên đều được trang bị phòng hộ y tế khi tham gia chạy tàu liên vận quốc tế và được kiểm tra đo thân nhiệt trước khi đi và sau khi về đến ga Lào Cai.
Đối với nhân viên đường sắt Trung Quốc tham gia tác nghiệp trên tàu hàng liên vận quốc tế cả hai phía Lào Cai - Sơn Yêu và Đồng Đăng - Bằng Tường (Trung Quốc) đều được các cơ quan chức năng tại cửa khẩu phối hợp ga đường sắt kiểm tra kiểm dịch và kiểm soát hành trình chặt chẽ theo quy định.
Trước đó, Bộ GTVT có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị đường sắt thực hiện dừng chạy tàu khách liên vận quốc tế đi Trung Quốc và ngược lại từ ngày 4/2/2020.
Đối với các đoàn tàu khách quốc tế, tạm dừng khai thác các đoàn tàu số hiệu T8701/MR2 (bao gồm cả các toa xe khách liên vận quốc tế) kể từ 18h05 ngày 4/2/2020.
Tạm dừng khai thác các đoàn tàu số hiệu MR1/T8702 (bao gồm cả các toa xe khách liên vận quốc tế) kể từ 21h20 ngày 5/2/2020. Việc khôi phục khai thác chạy tàu các đoàn tàu này sẽ được thực hiện khi có thông báo mới của Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với các đoàn tàu hàng quốc tế, Bộ GTVT cho hay, trước mắt tiếp tục khai thác chạy tàu đối với các đoàn tàu hàng quốc tế qua hai cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng, Lào Cai./.
Tối 3/2, tàu liên vận MR1 chở 91 khách Trung Quốc trở về nước
Siết chặt kiểm dịch khách và nhân viên tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng
Khi nào dừng hoạt động tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc?