Tây Nguyên chủ động ứng phó với khô hạn khốc liệt
VOV.VN - Hạn mùa khô, từ lâu đã trở thách thức lớn cho đời sống, sản xuất ở khu vực Tây Nguyên. Nhưng biến đổi khí hậu, mất rừng thường xuyên, đang đe dọa an ninh nguồn nước. Các tỉnh đang lồng ghép nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để chống hạn hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất.
Tây Nguyên đang trong cao điểm mùa khô, mực nước trên các sông, suối đang giảm nhanh, một số nơi đã cạn kiệt nguồn nước. Ngành nông nghiệp các địa phương đang cùng người dân khẩn trương triển khai các giải pháp, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho sản xuất.
Sau nhiều tháng hanh khô khắc nghiệt, hồ Đan Kia - Suối Vàng, nguồn nước lớn nhất dưới chân núi Lang Biang đã trơ đáy. Đất bùn lòng hồ cũng nứt nẻ. Canh tác trong vùng tưới của hồ, bà con nông dân ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng liên tục phải nối dài thêm ống, vươn ra tận khe suối còn sót lại ở nơi mà mấy tháng trước còn là đáy hồ sâu.
Ông Cil Mên, ở thị trấn Lạc Dương cho biết khô hạn năm nay kéo dài hơn mọi năm, đang đe dọa nghiêm trọng vườn cây của gia đình: “Như mọi năm thì nay đã có mưa rồi, giờ thì chưa có trận nào. Người dân đang lo mà khồng biết làm cách gì, nhất là nhà vườn nếu không có nước tưới thì cây trồng sẽ chết héo”.
Cũng do khô hạn khắc nghiệt, hầu hết cây trồng ở cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, đã khô héo. 80 héc ta lúa nước ở đây đã bị cháy khô, không còn khả năng cứu chữa. Ông Vũ văn Khiển, người dân thôn Đoàn Kết, cho biết, vụ đông xuân này, gia đình ông gieo cấy 12 héc ta lúa với số tiền đầu tư gần 400 triệu đồng, nhưng nắng hạn có thể khiến gia đình ông bị mất trắng:
"Do năm nay mùa mưa hết sớm. Ở đây canh tác chủ yếu dựa theo nguồn nước của suối AKe. Theo tính toán thời vụ của chúng tôi thì bị lỡ vụ, bằng giờ mọi năm thì vẫn còn nước tưới, nhưng bằng giờ năm nay suối lại hết nước nên xảy ra tình trạng lúa cháy như thế này”- Ông Vũ Văn Khiển thông tin.
Tại huyện Krông Nô, vùng “rốn hạn” ở tỉnh Đắk Nông, năm nay tình hình diễn ra khốc liệt hơn nhiều năm. Mực nước ở cả 33 công trình thuỷ lợi đều đã giảm sâu, một số nơi đã khô kiệt.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô, cho biết, huyện đang chủ động làm việc với các đơn vị quản lý các hồ, đập trên lưu vực các sông suối lớn để điều tiết nước cho các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, các hồ thuỷ điện phải xả nước về hạ du cả những khi không phát điện.
Theo ông Lộc, giờ cao điểm khi điện mặt trời lên lưới, hầu như A0 sẽ không huy động các tổ máy thuỷ điện: "Phòng NN và PTNN phải phối hợp Thuỷ điện Buôn Kuốp, từ thời điểm 10h sáng đến 15h chiều công ty ngừng, nhưng từ 15h chiều đến 9h sáng hôm sau công ty sẽ phải thực hiện điều tiết nước phục vụ sản xuất, mặc dù có hoà máy hay không”.
Theo Ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp - đơn vị quản lý 3 nhà máy thuỷ điện bậc thang trên lưu vực sông Krông Nô, chảy qua hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, cho biết, năm nay hiện tượng El Nino rất rõ. Lượng mưa và lưu lượng nước về các hồ chứa rất thấp so với những năm trước. Công ty đã làm việc với các huyện thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để nắm thông tin về nhu cầu sử dụng nước của địa phương. Từ đó, lên kế hoạch điều tiết nước trên cơ sở tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông về việc ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chúng tôi phối hợp để đảm bảo cung cấp nước”- ông Khánh cho biết thêm.
Hạn mùa khô, từ lâu đã trở thách thức lớn cho đời sống, sản xuất ở khu vực Tây Nguyên. Nhưng biến đổi khí hậu, mất rừng thường xuyên, đang đe dọa an ninh nguồn nước. Các tỉnh đang lồng ghép nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để chống hạn hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất.