Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển
VOV.VN - Tỉnh Thừa Thiên-Huế, ngành thủy sản đang tập trung thả con giống tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển.
Sự cố môi trường biển xảy ra hơn một năm trước ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi từ biển và sinh kế của ngư dân. Việc tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản là cấp bách sau sự cố nghiêm trọng này. Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, ngành thủy sản đang tập trung thả con giống bổ sung và tăng cường bảo vệ các bãi giống bãi đẻ.
Thả tôm sú giống ở phá Tam Giang |
Ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch Chi hội nghề cá thôn Phước Lập, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: "Nguồn lợi thủy sản trước năm 2016 nhiều hơn năm nay, vì ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Tôm, cua, cá năm nay kém, nuôi trồng cũng không khả thi như trước. Với thêm phần giờ chừ họ đánh bắt vụng trộm, mắt lưới càng về sau càng dày và họ làm càng ngày càng nhiều".
Vùng đầm phá Tam Giang qua huyện Quảng Điền những năm gần đây được xem là điểm nóng của việc khai thác thuỷ sản trái phép bằng giã cào, xung điện, lưới quét... khiến nguồn cá tôm cạn kiệt. Huyện Quảng Điền đã giao hơn 2.500 héc ta mặt nước cho 14 chi hội nghề cá ở các xã dọc phá Tam Giang khai thác và bảo vệ.
Từ đó, trên địa bàn hình thành 3 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản gồm: khu bảo vệ Vũng Mệ ở xã Quảng Lợi, khu bảo vệ Cồn Máy Bay ở xã Quảng Ngạn và khu bảo vệ cồn Doi Trộ Kèn ở thị trấn Sịa với tổng diện tích gần 100 héc ta đã tác động tích đến tái tạo nguồn lợi thủy sản, hạn chế được nạn đánh bắt hủy diệt.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang vận động các tầng lớp xã hội và người dân tích cực tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển |
Ông Hà Văn Duy, cán bộ phụ trách thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Quảng Điền cho biết, vừa qua địa phương tổ chức thả bổ sung 80 ngàn tôm sú và 60 ngàn con cua giống tại các khu bảo vệ thủy sản. "Huyện đã phối hợp Chi cục Thủy sản bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Khu bảo vệ thủy sản cồn Máy Bay. Trong thời gian tới đây đẩy mạnh công tác tái tạo nguồn lợi này, đồng thời vận động các cộng đồng ngư dân trong vùng đầm phá quan tâm hơn trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản, đặc biệt chú ý khai thác các đối tượng đạt kích cỡ theo quy định, hạn chế khai thác tận diệt", ông Duy nói.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập và đưa vào quản lý 23 khu bảo vệ thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, với hơn 600 héc ta mặt nước được bảo vệ nghiêm ngặt. Các khu bảo vệ được quản lý thông qua các chi hội nghề cá địa phương, các ngư cụ đánh bắt vi phạm sẽ bị tịch thu và giao cho UBND xã giải quyết.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định: Các khu bảo vệ thủy sản được bảo vệ nghiêm ngặt đã tạo điều kiện cho các loại thảm thực vật, rong, cỏ... phát triển tốt, đây chính là nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của các loại cá. Ví như cá nâu, loài cá có giá trị nhất ở vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, trước đây hầu như biến mất giờ đã xuất hiện trở lại, các loài tôm cá khác cũng sinh sôi nảy nở.
Ngoài ra, hằng năm đơn vị thả bổ sung thêm nguồn giống như tôm sú, cua, cá góp phần tái tạo và khôi phục nguồn lợi thủy sản nơi đây. Ông cũng cho biết: "Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tái tạo trực tiếp nguồn lợi thủy sản trên các vùng sông hồ, đầm phá nước lợ và vùng biển. Đối với vùng biển thì thả tôm sú trưởng thành ra biển thì bổ sung nguồn tôm bố mẹ ra biển để bổ sung đàn tôm bố mẹ và công tác tái tạo".
Những nỗ lực tái tạo của tỉnh Thừa Thiên-Huế đang góp phần hồi phục nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sản vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai sau sự cố môi trừong biển. Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức người dân trong việc quản lý khai thác và tái tạo nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng đang phát huy hiệu quả./. Hà Tĩnh kỷ luật 5 lãnh đạo vi phạm trong dự án Formosa