Thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã, phường: Có cũng như không
VOV.VN - Qua thí điểm hoạt động của thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp xã, phường, thị trấn cho thấy lực lượng này có cũng như không.
Hà Nội là một trong 2 thành phố trong cả nước tiến hành thí điểm hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp xã, phường, thị trấn. Được trao quyền thanh tra độc lập, lực lượng này được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm đang nhức nhối hiện nay. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực hiện thí điểm cho thấy lực lượng này có cũng như không.
Ngại va chạm vì sợ ảnh hưởng đến bầu cử
Phường Láng Hạ, quận Đống Đa là một trong 10 phường, xã, thị trấn được thành phố Hà Nội chọn triển khai thí điểm lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Do không được tăng biên chế nên 10 thành viên của đội thanh tra chuyên ngành phường đều phải kiêm nhiệm, gồm cán bộ các ban, ngành: trạm y tế, cán bộ thú y, công an phường…
Lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp phường, xã chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan |
Ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân phường Láng Hạ kiêm Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm phường cho biết, mô hình này lần đầu tiên được thực hiện tại cấp xã, phường nên khi tiến hành thanh tra phải chuẩn bị nhiều bước, tốn nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, nhân sự lại kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng và kinh nghiệm hoạt động.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là cán bộ cơ sở kiêm nhiệm rất nhiều việc. Để một tuần thanh tra được 4-5 buổi thì rất khó. Mỗi lần đến thanh tra thì gặp vướng mắc là chủ cơ sở thường chống đối, không hợp tác lại mất thời gian, phải ra quyết định thanh tra buổi sau. Trong khi đó, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, nay bán chỗ này, mai bán chỗ khác nên việc xử phạt rất khó khăn. Hiện nay, không có biên lai xử phạt ngay mà phải ra quyết định. Khi ra được quyết định thì chủ cơ sở họ nghỉ kinh doanh hoặc người ta tìm mọi cách chống đối thì rất khó” – ông Quang nói.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù được giao quyền được thanh tra độc lập và 100% số tiền xử phạt được giữ lại địa phương để đầu tư cho công tác thanh tra, nhưng cũng chưa khuyến khích được lực lượng thanh chuyên ngành cấp phường, xã hoạt động.
Một phần do tâm lý ngại va chạm với làng xóm, họ hàng; phần khác do đội thanh tra đều là cán bộ dân cử nên sợ rằng nếu hoạt động tích cực sẽ ảnh hưởng đến kết quả trong các cuộc bầu cử sau này. Sau hơn 4 tháng thí điểm, đơn vị thực hiện tích cực nhất là phường Trung Liệt, quận Đống Đa, cũng chỉ kiểm tra được 12 cơ sở và chỉ duy nhất 1 cơ sở bị xử phạt với mức tiền 2 triệu đồng.
Thanh tra nhưng không xử lý được ngay
Theo ông Nguyễn Chí Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Liệt: “Việc thiếu các thiết bị xét nghiệm thực phẩm cũng khiến cho lực lượng thanh tra cấp xã, phường hoạt động không hiệu quả, chỉ phát hiện được những vi phạm nhỏ. Ngành nào cũng đòi hỏi có thanh tra chuyên ngành, nhưng với thanh tra thực phẩm thì quá trình chế biến thực phẩm có nhiều nguồn. Do vậy để thanh tra được, khi phát hiện vi phạm thì lập biên bản xử lý ngay thì mới hiệu quả. Còn việc thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã, phường hiện nay, chúng tôi thấy chưa yên tâm vì hiện nay thanh tra an toàn thực phẩm khi phát hiện vi phạm không xử lý được ngay”.
Có một thực tế là hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xử phạt của thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp phường, xã. Chẳng hạn khi phát hiện một cơ sở vừa không có giấy phép kinh doanh vừa không đảm bảo an toàn thực phẩm, mức phạt lên đến 7 triệu đồng nhưng mức phạt tối đa của thanh tra cấp xã, phường chỉ là 5 triệu đồng nên không xử lý được.
Hoặc theo quy định hiện hành, lực lượng thanh tra xã, phường, thị trấn được phép kiểm tra đột xuất và thanh tra độc lập nhưng vẫn phải thông báo trước cho chủ cơ sở và khi phát hiện những sai phạm về an toàn thực phẩm lại phải về trụ sở để ra quyết định xử phạt nên kết quả thanh tra, xử lý vi phạm bị hạn chế phần nào.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Quy trình khó khăn nhất hiện nay là việc thông báo thời hạn thanh tra. Việc này, chúng tôi đang xây dựng những hướng dẫn để sau này không cần phải báo trước mà vừa thanh tra vừa thông báo ngay, giống như cảnh sát khi phát hiệu ra dấu hiệu vi phạm thì có quyền xử lý ngay những vi phạm, không để người vi phạm bỏ trốn hoặc xóa dấu vết hiện trường. Trong tuần này, chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn đó để việc thanh tra ở cơ sở được thực hiện tốt hơn”.
Hy vọng rằng, sau khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về quy trình xử lý vi phạm của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp phường, xã, thị trấn thì lực lượng này sẽ phát huy được hiệu quả hoạt động, trở thành "cánh tay nối dài" của ngành thanh tra để góp phần lập lại trật tự sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời khắc phục được tình trạng hơn 2/3 số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở chưa được xử lý hiện nay./.