Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, hướng đến giao thông xanh tại Cần Giờ
VOV.VN - Huyện Cần Giờ là nơi thí điểm phát triển giao thông xanh đầu tiên tại TP.HCM. Việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, để phát triển giao thông “xanh” ở Cần Giờ, cần có sự đồng bộ, tháo gỡ những điểm nghẽn ngay từ khi bắt đầu.
Có nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ người dân
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kinh tế xanh đã được thảo luận và là một trong những mũi nhọn đột phá quan trọng của Thành phố thời gian tới. Nghị quyết 98 đã cho phép TP.HCM thực hiện nhiều cơ chế đột phá để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, trong đó, có xây dựng xây dựng mạng lưới giao thông xanh, giảm phát thải: "Những ý tưởng đó đã được cụ thể hóa, thể chế hóa tại Nghị quyết 98. Như vậy là bước sau Nghị quyết 98 được quốc hội thông qua, một câu hỏi rất quan trọng là chúng ta triển khai thế nào vào thực tế dựa trên các điều khoản của Quốc hội thông qua việc giảm khí thải này".
Vẫn theo ông Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ trình Hội đồng Nhân dân một số chính sách về chuyển đổi xanh, trước mắt tập trung tại Cần Giờ, bởi huyện có vị trí gần biển, tỷ lệ cây xanh cao, mạng lưới giao thông còn nhiều dư địa phát triển và địa bàn ít phức tạp.
Với Đề án giải pháp phát triển giao thông xanh huyện Cần Giờ, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM và Trường Đại học Việt Đức đặt mục tiêu: Có từ 20 đến 30% người dân, 30 đến 50% du khách sử dụng giao thông công cộng tại địa bàn; 50 đến 70% người dân có xe máy điện và 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Các tài liệu nghiên cứu cũng đưa ra các con số giảm phát thải ô nhiễm không khí mỗi năm từ 9.637,2 tấn xuống còn 4.828,8 tấn; nồng độ chất gây ô nhiễm giảm 54% trên các trục đường chính và 12% trên đường dân sinh.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) - cho biết đã nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện. Đáng chú ý là các giải pháp thiết thực như giảm lãi vay, giảm phí cấp biển khi mua sắm phương tiện mới, hỗ trợ phí đỗ xe; trợ giá cho giao thông công cộng; áp phí sử dụng đường với các phương tiện hóa thạch, giảm chi phí cho các hộ và cá nhân dùng xe máy điện.
Thông qua việc khảo sát 370 du khách và hơn 400 hộ gia đình, nhóm nghiên cứu nhận thấy hiệu quả rõ rệt khi áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ cho người dân sử dụng các phương tiện xanh. Ông Vũ Anh Tuấn cho biết: "Khi dịch vụ giao thông công cộng được cung cấp có thể thu hút được 1/3 người dân ở huyện Cần Giờ sử dụng giao thông công cộng. Khi chất lượng dịch vụ cải thiện hơn nữa thì tỷ lệ này có thể tăng từ 33% lên tới 43%. Nếu phí cấp biển được miễn phí hoàn toàn và nhà nước hỗ trợ không phải trả lãi suất thì có đến 69% các hộ gia đình sẽ chuyển qua mua xe máy điện. Nếu nhà nước không hỗ trợ, người mua vẫn phải chịu lãi suất 12%/năm và phí cấp biển vẫn là 2 triệu đồng/năm thì chỉ tỷ lệ dùng xe máy điện chỉ còn khoảng 27%).
Cùng với các ưu đãi về tài chính, các chuyên gia kiến nghị chính quyền cần tăng cường giao thông công cộng thay phương tiện cơ giới cá nhân, phát triển hạ tầng trung chuyển kết nối đa phương thức, hệ thống trạm sạc điểm, tổ chức làn đường ưu tiên cho phương tiện xanh tại đường Rừng Sác.
Cần phù hợp với mức sống, điều kiện ở địa phương
Các chuyên gia nhận định, khác với các quận huyện của Thành phố, Cần Giờ còn có nhiều dự địa phát triển mạng lưới giao thông xanh. Theo bà Đặng Tuyết Ly – Chuyên gia tại Hợp tác Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ), đối với các phương tiện chạy bằng điện cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống trạm sạc lớn, có khả năng sạc 24/7 đối với các loại xe buýt 60-80 chỗ.
Bà Đặng Tuyết Ly nêu băn khoăn: "Trong các trụ sạc này, nhóm tư vấn nên xem xét liệu nên có ít nhất 1 trụ sạc 120 KWH để dự phòng không. Không thể lúc nào xe bus cũng chờ được 10 tiếng. Mà nói đến trụ sạc 120KWH thì không biết mạng điện lưới của huyện có đủ công suất hay không".
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, khi phát triển giao thông xanh tại Cần Giờ, cần tính toán đến yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, cần tính toán thêm về điều kiện sinh hoạt, đáp ứng khả năng chi tiêu người dân: "Ví dụ như nguyên vật liệu chở về đảo Thiềng Liềng đắt gấp ba lần bình thường, thậm chí công vác từ dưới ghe lên bờ lại làm tăng thêm giá bán. Như vậy trong trường hợp vận chuyển, tải về các làng, xã hay xã đảo Thạnh An sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả sinh hoạt và chi tiêu của người dân. Việc sử dụng các phương tiện xe điện như vậy thì vận tải hàng hóa về các vùng sâu vùng xa liệu người dân có đáp ứng được hay không?".
Theo các chuyên gia, việc phát triển giao thông xanh phải được coi là xu hướng tất yếu ở Cần Giờ. Lâu dài, cần có giải pháp về chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xanh đồng bộ với phát triển hệ thống hạ tầng giao thông xanh trong định hướng phát triển chung của TP.HCM trong những năm tới.