Thêm những nỗi đau từ vượt biên trái phép kiếm việc làm
VOV.VN - Vẫn còn nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vượt biên trái phép đi làm thuê, để rồi phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng cả tính mạng.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng ở Yên Bái đã tăng cường vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm khi đi lao động trái phép ở nước ngoài; đồng thời, điều tra, xử lý nhiều đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vượt biên trái phép đi làm thuê, để rồi phải trả những cái giá rất đắt, thậm chí bằng cả tính mạng của mình.
Chị Khé và anh Hương trình bày sự việc con trai mình với lực lượng Công an. |
Đã hai năm tìm kiếm, chờ đợi trong tuyệt vọng, gia đình anh Triệu Văn Hương và chị Bàn Thị Khé ở xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vẫn chưa có tin tức gì về người con trai của mình. Do không tìm được việc làm có thu nhập cao tại địa phương, lại nôn nóng muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình nên khoảng trung tuần tháng 9/2017, chàng thanh niên Triệu Quý Vìn đã theo một số người vượt biên sang làm thuê ở một xưởng sản xuất thuốc lá tại Trung Quốc. Thời gian đầu, Vìn vẫn gửi tiền về cho bố mẹ nhưng sau đó gia đình không nhận được thông tin gì về con trai của mình nữa.
Chị Bàn Thị Khé buồn rầu nói: “Tôi không muốn cháu đi, nhưng cháu cứ nói đi làm kiếm tiền giúp bố mẹ. Bây giờ chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng tìm giúp đưa được cháu về nhà thôi”.
Cũng với mong muốn đổi đời, kiếm được tiền nuôi hai con ăn học, chị Đặng Thị Chung ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên đã mạo hiểm cùng chồng sang Trung Quốc làm thuê. Nhưng khi vừa sang đến nơi, người chồng không may mắc bạo bệnh và đột ngột qua đời. Do xuất cảnh lao động trái phép nên việc đưa thi hài chồng về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn; chị Chung đã phải vay mượn số tiền gần 200 triệu đồng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chi phí đi lại.
Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn gấp bội, từ đây chỉ còn mình chị Chung phải lo liệu cuộc sống, nuôi dạy hai con cùng với số nợ lớn phải trả. Chị Đặng Thị Chung nói: “Hết nhiều tiền lắm, giờ nợ nần rất nhiều, hơn trăm triệu. Bây giờ anh ấy mất rồi, khó khăn chồng chất khó khăn”.
Với hy vọng đổi đời, nhiều người dân ở vùng cao, vùng sâu tỉnh Yên Bái đã tự ý vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Qua công tác nắm tình hình của lực lượng chức năng và các vụ án liên quan xuất nhập cảnh thời gian qua cho thấy: Hầu hết những trường hợp vượt biên đều có trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, đôi khi còn không biết bản thân đã vi phạm các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã phát hiện trên 230 vụ với hơn 330 trường hợp xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở nước ngoài, trong đó hơn 100 trường hợp bị bắt và trao trả về Việt Nam. Có nhiều người bị bắt, bị tù giam, thậm chí nhiều người còn phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động nắm bắt tình hình, quản lý chặt chẽ những đối tượng có dấu hiệu tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là với những người không có việc làm ổn định, dễ bị các đối tượng cò mồi rủ rê, lôi kéo, hứa hẹn về một mức thu nhập cao khi xuất cảnh trái phép đi làm thuê….
Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Đơn vị tiếp tục giúp Ban giám đốc Công an tỉnh tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cấp cơ sở thực hiện có hiệu quả Chỉ thị UBND tỉnh Yên Bái về tăng cường quản lí, giảm tình trạng hoạt động xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định tại địa phương để thu hút nguồn lao động và tuyên truyền vận động nhân dân ổn định cuộc sống, không xuất cảnh trái phép ra nước ngoài”.
Kiếm việc làm, tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân, nhất là đối với đồng bào vùng cao, vốn cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, các địa phương cần kịp thời nghiên cứu, triển khai các phương thức phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả cao để giữ chân người dân ở lại quê hương, chỉ có như thế, mới bớt đi những câu chuyện đau lòng từ việc vượt biên trái phép tìm việc làm như thời gian qua./. Giải pháp nào cho tình trạng “Vượt biên đi lao động trái phép” ở Tây Bắc?