Thi tuyển công chức, viên chức: Cách nào để tránh trục lợi?
VOV.VN - Bộ Nội vụ đã trình Đề án cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có quy định không để người thân trục lợi, lợi dụng.
Gian lận thi công chức ở cấp Bộ, trúng tuyển cấp huyện đổi thành cấp tỉnh, hàng trăm giáo viên bỗng nhiên mất việc ... là những lùm xùm liên quan đến thi tuyển công chức, viên chức trong thời gian vừa qua. Và mặc dù các kỳ thi vẫn diễn ra công khai, theo đúng quy trình nhưng không mấy minh bạch. Và những sinh viên khá, giỏi sau khi ra trường vẫn rất ít cơ hội nếu không có quen biết hoặc thuộc diện “con ông cháu cha”.
Một buổi thi công chức tại Hà Nội |
Tuyển dụng công chức, viên chức nếu không công tâm, khách quan sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, trước là mất lòng tin của dân, của cán bộ mới được tuyển dụng, sau là tạo môi trường cho sự tha hóa cán bộ có chức, có quyền. Làm thế nào để các kỳ thi tuyển công chức, viên chức thật sự công bằng, minh bạch và tạo cơ hội cho người thực tài? Nhiều giải pháp đã được đưa ra. Theo ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ: Một số ngành, địa phương đã bắt đầu có những đổi mới trong quy trình tuyển dụng, từ khâu xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, thu nhận hồ sơ, ôn tập, thi tuyển... Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã trình cơ quan có thẩm quyền Đề án cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có quy định không để người thân trục lợi, lợi dụng.
“Khi tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, ưu tiên những người đáp ứng được công việc ngay. Và triển khai thực hiện Luật cán bộ công chức viên chức để không để người thân trục lợi. Hiện nay Bộ Nội vụ đang có văn bản gửi các bộ ngành địa phương, đề nghị báo cáo, đánh giá thực tế. Vì việc không để người thân lợi dụng quy định ở rất nhiều cơ quan không phải mỗi quy định của Chính phủ mà quy định của mỗi bộ ngành, địa phương một. Thời gian vừa qua Bộ Nội vụ phối hợp với dự án của Nhật Bản giới thiệu mô hình tổ chức thi tuyển tập trung. Thời gian tới nếu nghiên cứu thấy mô hình này phù hợp, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với một số bộ ngành địa phương nếu thấy phù hợp tình hình Việt Nam thì sẽ áp dụng trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, Bộ Nội vụ là đơn vị đầu tiên thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển công chức, viên chức, sau đó nhân rộng ra ở một số bộ, địa phương. Và việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần thực hiện tốt nguyên tắc khách quan, công bằng, minh bạch, đảm bảo chất lượng trong thi tuyển.
“Ứng dụng công nghệ thông tin vào trong tuyển dụng để đảm bảo tối đa nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng. Bởi vì mỗi người vào thi có một đề, ngân hàng câu hỏi trong máy và máy tự ra đề thi sau đó chấm điểm ngay và báo ngay cho người dự thi biết, rất khách quan. Sắp tới chúng tôi tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có văn bản, trước mắt là các bộ ngành và 5 thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thi tuyển công chức trên máy tính. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra kiểm tra trong công tác tuyển dụng để đảm bảo kịp thời phát hiện, răn đe ngăn ngừa nhưng sai phạm xảy ra trong công tác tuyển dụng” – ông Tuấn nói.
Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có quy định việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu phải gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Điều đó đòi hỏi người đứng đầu mỗi cơ quan phải đổi mới phương thức tuyển dụng để gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng, hạn chế tình trạng chạy chọt, tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức./.