Thiếu quy hoạch không gian ngầm, giao thông công cộng ngầm bế tắc?
VOV.VN - Các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đã quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, trong đó có nhiều tuyến giao thông công cộng ngầm nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, vừa qua một số dự án đường sắt đô thị đã liên tục xin lùi thời gian hoàn thành vì nhiều nguyên nhân, như năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bên còn lỏng lẻo và những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Trong đó, bất cập trong khâu quy hoạch các tuyến đường sắt và không gian ngầm là một trong những nguyên nhân cơ bản.
Giữa năm 2023, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên hơn 34.800 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ đồng so với quyết định được phê duyệt vào năm 2013 và lùi thời gian hoàn thành đến năm 2027.
Một trong những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ là do cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng phức tạp, trong đó có nhiều đoạn liên quan đến không gian ngầm.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, sở dĩ một số dự án phát triển giao thông công cộng của Hà Nội bị chậm tiến độ là do những bất cập trong khâu quy hoạch và chắp vá khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.
"Các quy hoạch này chắp vá với nhau và không hề có một nghiên cứu, luận chứng kinh tế kỹ thuật hay khảo sát một cách thấu đáo về nhu cầu đi lại, về nguồn lực để thực hiện, về các kỹ thuật, lựa chọn loại hình phương tiện.
Ngay cả việc lựa chọn lộ trình tuyến đường sắt nào quan trọng nhất và nguồn vốn ở đâu và lựa chọn công nghệ nào cũng chưa được xác định. Do vậy, khi vào giai đoạn nghiên cứu khả thi, các dự án gặp phải rất nhiều vấn đề, phải sửa đổi liên tục. Thậm chí có tuyến đường sắt vốn đầu tư tăng gấp 9 lần so với ban đầu".
Ông Ánh cho rằng, vốn đầu tư xây dựng các dự án công trình giao thông ngầm cao gấp khoảng 9-10 lần so với dự án trên mặt đất nên công tác quy hoạch phải thực hiện bài bản và cẩn trọng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch hội kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, Việt Nam chưa quan tâm đến việc quy hoạch không gian ngầm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, mà cả các dự án hạ tầng ngầm và các công trình khác nữa.
Trong khi đó, ngay tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia làm việc này khá tốt. Chẳng hạn, Singapore thực hiện quy hoạch đồng thời, cả trên mặt đất và không gian ngầm. Điều này không chỉ đảm bảo về địa chất cho các công trình ngầm, mà còn đảm bảo cả chất lượng nguồn nước. Với những thành phố không quy hoạch đồng thời, việc xây dựng công trình ngầm phải đảm bảo cả mạng lưới đủ độ sâu nhất định:
"Ví dụ móng nhà cao tầng khoảng 15-20m, nhưng metro họ đào sâu hàng trăm mét thì họ làm được. Lúc đấy đòi hỏi công trình ngầm phải rất sâu thì mới không ảnh hưởng. Còn công trình ngầm của mình khá nông thì sẽ ảnh hưởng công trình khác ngay, chưa nói còn ảnh hưởng cả nguồn nước nữa cơ. Tuyến đường sắt của mình không thể đào quá sâu được, bởi vì đào sâu phải cả mạng lưới cơ. Trước kia mình gân như không để ý vấn đề này".
Không chỉ Hà Nội, mà 2 dự án đường sắt đô thị tại Tp.HCM đều bị chậm và lùi tiến độ. Sau 11 năm chờ đợi, tháng 6 vừa qua, gói thầu đầu tiên di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2 Bến Thành- Tham Lương mới chính thức được khởi công.
Việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng làm phát sinh mỗi năm 68 tỷ đồng và nếu không được khắc phục, dự án có thể sẽ bị điều chỉnh tăng vốn… Việc Tp.HCM chưa có quy hoạch không gian ngầm cũng là một trong những lí do dẫn đến hiện trạng này.
Theo một chuyên gia giao thông đô thị, khác với quy hoạch các tuyến giao thông trên mặt đất thông thường, việc quy hoạch các tuyến đường giao thông đi ngầm rất phức tạp, đòi hỏi phải khảo sát toàn bộ cả trên, dưới mặt đất và phải tính toán kỹ lưỡng về điều kiện địa chất, thủy văn, bởi nếu quy hoạch không chính xác, sẽ rất khó để sửa chữa:
"Đây không đơn giản chỉ là quy hoạch đâu mà nó còn liên quan đến khâu thiết kế vì liên quan tới các vấn đề kỹ thuật, đào ngầm, độ vững chắc của đường ngầm. Các vấn đề kỹ thuật của đường sắt đi ngầm phức tạp hơn rất nhiều đường trên cao và đường bộ, cần phải giải quyết".
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng, dù các dự án đường sắt đô thị đã triên khai từ cách đây hàng chục năm, nhưng năm 2021, Hà Nội mới chính thức phê duyệt Quy hoạch không gian ngầm. Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều đô thị Việt Nam.
Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án nếu không nắm được thông tin về số lượng, loại hình các công trình ngầm, độ sâu, khoảng cách chiều cao, chiều ngang công trình ngầm cũng như sự kết nối của các công trình ngầm:
"Trong các quy hoạch hiện nay, chúng ta đã có những các tuyến tàu điện ngầm, các công trình ngầm và cũng đã thể hiện được trên các bản đồ nhưng phần lớn các bản đồ với tỷ lệ rất lớn. Nhiều khi chúng ta không lường trước được những cái vướng mắc, khó khăn từ khâu quy hoạch, chứ không phải là đến khâu đầu tư xây dựng.
Chính vì vậy mà muốn quy hoạch được tốt và quy hoạch có tính khả thi, đầu tiên nó phải có một cái điều tra, khảo sát từ cái hiện trạng, từ cái điều kiện địa chất công trình địa chất thủy văn".
TS Nguyễn Công Giang, nguyên Trưởng bộ môn công trình ngầm, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Việt Nam thiếu Luật sử dụng không gian ngầm và hiện nay đang có sự chồng chéo trong quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Dù đánh giá cao sự nỗ lực của Hà Nội khi ban hành Quy hoạch chung không gian ngầm, nhưng theo ông Giang, bản quy hoạch chưa tính đến sự kết nối giữa không gian ngầm với nhau:
"Khi chưa có quy hoạch chúng ta sẽ vướng mắc, không biết dự án giao thông công cộng triển khai, cốt các tầng hầm ra sao để kết nối với nhau . Ví dụ như Hà Nội xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, thì phải có đường kết nối sang Nhà ga đường sắt ngầm SP2. Nếu không có đường đi bộ đó thì người phải trèo lên mặt đường đi vào tuyến đường tàu điện ngầm".
Trong bối cảnh, không gian trên mặt đất đã trở nên chật chội, bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị chưa thể giải quyết thì việc phát triển các hệ thống giao thông công cộng ngầm dưới mặt đất là một cách thức nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện.
Tuy nhiên, đây là loại hình công trình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật cao, do vậy khâu quy hoạch các tuyến giao thông công cộng ngầm cần phải thực hiện kỹ lưỡng, công phu nhằm giảm vốn đầu tư và tăng hiệu quả khi triển khai thực hiện.
Hà Nội là một trong số ít các đô thị tại Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, quy hoạch này được phê duyệt vào năm 2022, sau hơn 10 năm khi một số dự án tuyến đường sắt đô thị đã triển khai xây dựng, nên sẽ không tránh khỏi những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố có 10 tuyến, hiện nay mới đưa vào khai thác 1 tuyến đường sắt đô thị trên cao Hà Đông- Cát Linh, một tuyến đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội dự kiến đưa vào hoạt động đoạn trên cao vào đầu năm 2024.
Cả 2 dự án đều bị chậm tiến độ đến hàng chục năm và phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Một số dự án khác đã bị điều chỉnh thời gian khởi công, hay điều chỉnh hướng tuyến.
Từ thực tế những bất cập trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác cần có sự tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm cho các dự án sau, nhằm tránh đi vào vết xe đổ.
Nâng cao chất lượng quy hoạch không gian ngầm, trong đó có quy hoạch các tuyến giao thông công cộng ngầm là điều cần đặc biệt quan tâm.
Luật Quy hoạch năm 2009 và Thông tư số 39 của Bộ Xây dựng quy định, quy hoạch không gian ngầm là một phần của quy hoạch đô thị. Các công trình giao thông công cộng ngầm có độ phức tạp cao, có tác động ảnh hưởng tới các công trình xung quanh và trên mặt đất nên trước khi thực hiện quy hoạch, điều đầu tiện là cần tiến hành khảo sát về điều kiện địa chất, thủy văn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành rà soát, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về các công trình ngầm trên địa bàn từ các cơ quan đầu mối khác nhau. Chỉ khi nguồn dữ liệu đầu vào đầy đủ và chính xác, việc lập quy hoạch xét đến cả yếu tố trên mặt đất và ngầm, thì các bản quy hoạch các tuyến giao thông công cộng ngầm mới có độ tin cậy nhất định và quá trình triển khai thực hiện được thuận lợi.
Khi tiến hành thực hiện quy hoạch không gian ngầm, các nhà lập quy hoạch cần bám theo các tuyến đường sắt đô thị. Ngoài thiết kế những công trình ngầm riêng lẻ, cần phải tính đến sự kết nối các công trình ngầm như bãi đỗ xe, các tòa nhà cao tầng với các nhà ga, tuyến đường sắt đô thị để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Đầu tư xây dựng dự án giao thông công cộng ngầm đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật xây dựng phức tạp, có tác động lớn.
Do vậy, để việc lựa chọn và xây dựng các tuyến đường sắt đô thị cần đảm bảo sự chính xác cao nhất, hạn chế sự thay đổi nhằm giảm chi phí cho ngân sách thành phố, và tăng hiệu quả khi triển khai, chính quyền thành phố cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch không gian ngầm, có những cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm quy hoạch cũng như huy động sự tham gia của các chuyên gia, đối tác nước ngoài cùng tham gia thực hiện quy hoạch không gian ngầm nói chung và tuyến đường sắt đô thị nói riêng.
Chỉ khi thành phố có sự quyết tâm và có kế hoạch, quy hoạch phát triển các tuyến đường sắt cụ thể thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án và sớm hình thành mạng lưới đường sắt đô thị trong tương lai, giải quyết được bài toán ùn tắc của thủ đô.