Thiếu sân chơi ở Hà Nội, đẩy trẻ gần hơn với game
VOV.VN - Chỗ vui chơi, giải trí lành mạnh của trẻ ngày càng thiếu hụt trầm trọng khiến trẻ em phải chơi game, chơi ở đường phố, vỉa hè...
Thực tế này đặt ra câu hỏi, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội có thực sự quan tâm tới nhu cầu vui chơi của thế hệ trẻ cũng như các quy định về xây dựng và quản lý công viên, vườn hoa, sân chơi hay không?
Sân chơi bị sử dụng sai mục đích
Thiếu vườn hoa, sân chơi là thực tế diễn ra nhiều năm nay tại các khu dân cư ở nội thành Hà Nội. Trong khi vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Điển hình nhất là các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), khu tập thể Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tập thể ở Đội Cấn (quận Ba Đình)… và các khu đô thị mới như Mỹ Đình, Trung Hòa, Nhân Chính… Những khu vực đã từng là vườn hoa, có ghế đá, sân chơi cho trẻ em đều đã trở thành nơi buôn bán, kinh doanh dịch vụ như hàng ăn, cà phê, trà đá, thậm chí là họp chợ, làm bãi gửi xe… Vì vậy, người dân chỉ còn cách đưa con em mình đến các công viên lớn, hoặc mua vé vào khu vui chơi mất phí, nếu không thì đành để các em chơi ở vỉa hè, hay xem tivi, chơi điện tử tại nhà.
“Khu vui chơi chỉ có ít thôi. Bây giờ nhu cầu cuộc sống người ta chiếm dụng chỗ vui chơi. Ví dụ như giữa dãy B và C trở thành chợ luôn, dãy bên này lại trở thành các hàng quán. Ở đây hầu như là không có chỗ chơi. Trước đây khi xây dựng là đã làm hết thành sân chơi, vườn hoa, đủ hết nhưng sau này người ta cứ lấn chiếm, lấn dần, không ai quan tâm cả nên ai lấn được thì lấn” – một người dân ở Hà Nội phản ánh.
Hiện nay, trong khu vực nội thành Hà Nội, diện tích công viên, vườn hoa trung bình là 2,08m2/người, chiếm gần 2% tổng diện tích đất. Các quy hoạch của Hà Nội đều dành quỹ đất hợp lý của từng xã, phường để làm khu vui chơi cho trẻ em, nhưng nghịch lý là hầu hết những điểm vui chơi này đều bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi giải trí cho người lớn và kinh doanh dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa, xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, các khu vực đô thị mới được xây dựng gần đây đều dành đất cho hạ tầng xã hội, nhưng nhiều nơi không thực hiện việc xây dựng thành vườn hoa, cây xanh, sân chơi. Còn đối với các khu đô thị cũ, đất dành cho sân chơi, vườn hoa rất ít, lại bị lấn chiếm, đặc biệt một phường có tới 17 nghìn dân nhưng chỉ có 30m2 sân chơi công cộng.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Hội đồng nhân dân đã có nhiều kiến nghị đối với lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhưng để khắc phục không phải là dễ: “Đối với khu đô thị cũ thì vườn hoa, công viên rất là ít. Để khắc phục thực trạng này không phải là đơn giản, khó nhất đó là không có đất. Ở những nơi này đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa ở các tổ dân cư cũng đang rất khó khăn, đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa, kể cả tiểu vườn hoa thực sự là không có. Đây là thực trạng mà thành phố cũng rất quan tâm nhưng không thể ngày một ngày hai có thể khắc phục ngay được”.
Thiếu sân chơi, trẻ em “nghiền” game, internet
Tại ngõ 195 Đội Cấn, quận Ba Đình (khu nhà ở dành cho cán bộ làm việc tại các cơ quan Trung ương), phần sân chơi chung cho trẻ em rộng chừng 200m2 đang bị một hộ kinh doanh lấn chiếm làm chỗ bán bia. Giữa chiều hè oi ả, hàng trăm thực khách ngồi la liệt uống bia, xe máy để ngay ở giữa sân, chiếm gần hết diện tích. Trong khi đó, hàng chục trẻ em ngồi chờ ở lan can, đợi sân chơi sau khi đi học về. Trong khi sân bị lấn chiếm để người lớn uống bia, thì một nghịch lý là quanh khu vực này, hàng chục quán internet mọc lên và lúc nào cũng đông nghịt khách, phần lớn là trẻ em. Không phải tổ dân phố, chi bộ ở đây và chính quyền phường Đội Cấn, quận Ba Đình không biết. Nhưng vì sao nghịch lý này vẫn tồn tại? Rất dễ để có câu trả lời…
Theo nhận định của các chuyên gia, thiếu điểm vui chơi an toàn và lành mạnh đã vô hình chung đẩy các em vào game, internet. Và hậu quả là bạo lực học đường, các vụ việc trẻ em vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng nhiều, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, thiếu sân chơi an toàn cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó Hà Nội là 1 trong 3 địa phương có trẻ em bị chết đuối nhiều nhất trên cả nước.
Kiến trúc sư Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội trăn trở: “Con em chúng ta cứ đi vào mạng internet, nghiền internet, trở thành những con nghiện của internet, trò chơi điện tử, bởi vì chúng không có những không gian hợp lý và hiệu quả. Và không tạo ra những sức bật trong thế hệ trẻ cũng như nhân sinh quan, quan điểm sống mang tính tích cực. Con cháu chúng ta có những gương mặt tươi sáng, có những tình cảm với quê hương đất nước hay không chính là những không gian này”
“Làm ngơ” với các quy định
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03 năm 2000 về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Chỉ thị này nêu rõ, khi quy hoạch khu dân cư, đất tập thể… phải có một phần diện tích dành cho đầu tư, xây dựng khu vui chơi giải trí. Thế nhưng, suốt thời gian qua, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã không thực hiện tốt, nhưng vẫn không có lãnh đạo nào bị phê bình, kỷ luật về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng từng có Chỉ thị tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho trẻ em, nhưng các địa phương vẫn “làm ngơ” và để các khu vui chơi liên tục bị lấn chiếm.
Ông Nguyễn Trọng An, Chuyên viên cao cấp chăm sóc bảo vệ trẻ em phân tích, nguyên nhân sâu xa là do các cấp chính quyền thành phố Hà Nội chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của vấn đề vui chơi giải trí, văn hóa tinh thần cho trẻ em:
“Mảnh đất đó nếu để làm chỗ karaoke, làm khách sạn, làm gì đó sẽ sinh ra vàng, sinh ra lợi nhuận rất nhiều, thay vì mảnh đất ấy làm chỗ vui chơi giải trí cho trẻ em. Nhìn thấy nó không sinh lời gì cả, nhưng có biết đâu rằng đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai. Nhận thức đó đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ em Hà Nội nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung”.
Thiếu sân chơi là thiệt thòi lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước. Trẻ em xứng đáng được ưu tiên, được hưởng những khu vui chơi, giải trí để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Hơn nữa, Thủ đô Hà Nội- trung tâm văn hóa của cả nước lại thiếu chỗ vui chơi là một thực tế đáng phải suy nghĩ. Người dân mong mỏi, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội nghiêm túc nhìn nhận, rà soát để cải tạo, bổ sung, đồng thời kiên quyết giải tỏa những vườn hoa, sân chơi tập thể đang bị lấn chiếm, trả lại không gian sinh hoạt lành mạnh cho các em./.