Thời nào cũng có người thấy Tết nhạt, đâu chỉ thời nay

VOV.VN -Thời nào cũng có người thấy Tết nhạt, đâu chỉ là thời nay. Không những nhạt mà còn những cái Tết lo lắng, chạy vạy, buồn thảm

Nhiều ý kiến cho rằng, Tết cổ truyền hiện nay đang nhạt đi, nhiều giá trị truyền thống của Tết cổ truyền không còn được trân trọng. Thời đại của những cái smartphone đang khiến cho con người tưởng gần nhưng rất xa. Về nội dung này, VOV.VN phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ - Giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội – Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Vòng xoáy của xã hội hiện nay đang khiến nhiều người cảm nhận, Tết cổ truyền đang nhạt đi? Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Vỹ: Xoáy vào cuộc sống mưu sinh nên thấy cái Tết nó nhạt đi cũng là một lý do để nhiều người nói "Tết nhạt". Mà thời nào cũng có người thấy Tết nhạt, đâu chỉ là thời nay. Không những nhạt mà còn những cái Tết lo lắng, chạy vạy, buồn thảm nữa. Trong thời kỳ chiến tranh và đói kém là vậy.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ: "Thấy Tết nhạt hay không, là ở tâm hồn người ta"

Tôi đã sống cả một thời trẻ tuổi với những cái Tết như thế. Nhưng kỳ lạ, bây giờ nghĩ lại, thấy ăm ắp những kỷ niệm. Té ra khổ đau cũng là tài sản tâm hồn. Bởi thế hình như tôi thấy Tết bây giờ vui hơn. Ngày Tết xưa vì không đủ nếp nên bánh chưng độn sắn gạo, vẫn ngon. Tết bây giờ rủ nhau nhổ sắn về độn xôi nếp, thấy lại càng ngon.

Thấy Tết nhạt hay không, là ở tâm hồn người ta. Ăn cao lương mỹ vị rồi cũng kêu Tết nhạt, mà được đĩa đậu giải chấm mắm cáy cũng có thể thấy Tết đậm đà.

Người có điều kiện thì du lịch trải nghiệm, người không có điều kiện thì lao động để thêm đồng chi tiêu. Tôi chưa thấy phong tục nào trong cuộc sống thực sinh mà mọi người chằn chặn như nhau cả. Nếu thêm được đồng tiền mà đó là niềm vui thì cái Tết đó thật mặn. Nếu đi chơi mà bị lừa đảo thì cái Tết đó chả vui vẻ gì.

Trong văn hóa, đó là sự đa dạng. Không thể ảo tưởng vào sự giống nhau mà nên kỳ vọng về sự tôn trọng nhau trong dịp Tết, người này nhớ đến người kia.

PV: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là câu tục ngữ nói đến sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người trên trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Nhưng hiện nay, giá trị đạo lý văn hóa đó hình như đang dần mất đi, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Vỹ: Đó là câu tục ngữ nói về cách lễ Tết của người xưa. Họ khôn ngoan dành cái Tết cho ba đối tượng cần thăm hỏi: bên nội, bên ngoại và thầy giáo. Đó là tục ngữ, không phải là quy định hành chính.

Về Tết thầy, cái ngày đó chưa có biên chế, chưa có cái gọi là giáo chức. Học trò vác ghế đến nhà thầy hoặc nhà trưởng tràng học "chi hồ dã giả", "quan quan thư cưu", thầy không ăn lương Nhà nước nên Tết nhất, phụ huynh đi Tết thầy để thăm hỏi và trả công bằng hiện vật. Làm thợ thì ăn theo công từng ngày, làm thầy thì đến lễ Tết. "Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng" là vậy. Rồi nó thành tục quen. Nay thì khác rồi. Về đạo lý thì xưa cũng có kẻ phản thầy theo giặc chứ không phải bây giờ.

Còn nói đạo lý đi xuống trong trường hợp này thì chính thầy cô và thiết chế giáo dục phải xem lại mình. Với người này nó mất nhưng với người khác thì nó còn mãi mãi.

PV: Tết là dịp gia đình sum vầy, là dịp bạn bè, chòm xóm gặp nhau sau một thời gian đi làm ăn xa, dịp thể hiện mối tình cảm gắn kết cộng đồng. Với thời đại công nghệ hiện nay, tình cảm đó đôi khi chỉ thể hiện qua chiếc smartphone, vài dòng tin nhắn trên mạng xã hội. Cảm giác cái Tết hiện đại phải chăng, mọi người đang xa nhau hơn, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Vỹ: Chúng ta phải tri ân truyền thông và kỹ thuật số hiện đại. Khả năng nối kết con người với con người là vô biên. Ngày xưa chỉ có thư viết tay thôi. Một bức thư đến có khi cả đơn vị đọc rồi san sẻ. Ngày nay thì bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thăm hỏi nhau, trông thấy nhau. Sự quan tâm lẫn nhau giữa con người với con người tăng lên nhiều lần. Những phong trào từ thiện lan rộng nhờ kết nối qua mạng. Còn việc thăm nhau cũng tiện lợi gấp nhiều lần nhờ giao thông: ngủ trên xe một đêm có thể từ Hà Nội thăm bạn ở Huế.

Tết tự do lựa chọn là cái Tết đẹp nhất.

Tâm lý chỉ đến Tết mới gặp nhau thăm hỏi là quán tính của quá khứ rồi. Xa nhau hơn hay gần nhau hơn là ở tấm lòng của người ta với nhau. Nguyễn Du viết: "Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng" là vậy.

Để sẻ chia, quan tâm, thông cảm thì thời đại kỹ thuật số mở ra sự tiện lợi mênh mông. Vấn đề là người ta có nghĩ đến nhau không, chứ đâu có phải chỉ chuyện gặp mặt ngày Tết.

PV: Là một nhà nghiên cứu văn hóa, cảm nhận của ông về Tết Việt hiện nay như thế nào?

Nguyễn Hùng Vỹ: Khi nghiên cứu văn hóa, chúng tôi tiếp cận đa chiều tài liệu và kiến thức thực tế. Xem những mô tả lễ hội và Tết nhất được người phương Tây ghi lại đầu thế kỷ XX qua ảnh, chúng ta thấy một cộng đồng ủ rũ, thiếu sức sống, thiếu tiếng cười.

Ngày nay thì khác, dù còn nhiều lo toan nhưng góc phố, ngõ chợ, làng xã nào cũng tràn ngập màu sắc và tiếng cười (trừ những nơi vỡ hụi, những nhà bể cá độ). Có một sinh khí mới, một sự cạnh tranh để giàu có mới rất xôn xao. Nhưng cũng thật nhiều cái lạ tiêu cực: đua đòi, rượu chè, cờ bạc, tai nạn...

Một cái Tết tốt đẹp là cái Tết của tự do lựa chọn trên giá trị cốt lõi của truyền thống. Giá trị của Tết, với tư cách là một lễ hội lớn nhất của quốc gia dân tộc là: uống nước nhớ nguồn, cố kết cộng đồng, bình đẳng tâm thức của mọi thân phận, là vui và ngon. Còn ứng xử như thế nào thì tự do theo hoàn cảnh của mình. Đua đòi người khác là mất tự do, ép mình rượu chè cờ bạc là mất tự do.

Hãy hành động khi mình hợp với hoàn cảnh của chính mình. Có nhiều vui nhiều có ít vẫn vui lòng. Phong tục không phải là luật pháp để phải hành động như nhau. Con người quý nhất là tự do. Tết tự do lựa chọn là cái Tết đẹp nhất./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thầy giáo Tây hơn chục năm đón Tết Việt
Thầy giáo Tây hơn chục năm đón Tết Việt

Thầy Patrick nhận thấy, Tết cổ truyền có nhiều điểm tương đồng với Giáng sinh ở phương Tây.

Thầy giáo Tây hơn chục năm đón Tết Việt

Thầy giáo Tây hơn chục năm đón Tết Việt

Thầy Patrick nhận thấy, Tết cổ truyền có nhiều điểm tương đồng với Giáng sinh ở phương Tây.

Cùng vui Tết Việt: VTC trực tiếp không khí xuân trên khắp mọi miền
Cùng vui Tết Việt: VTC trực tiếp không khí xuân trên khắp mọi miền

VOV.VN - Đài VTC sẽ phát sóng chương trình Cùng vui Tết Việt kéo dài 72 tiếng đồng hồ bắt đầu từ 6h ngày 30 cho tới hết ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất

Cùng vui Tết Việt: VTC trực tiếp không khí xuân trên khắp mọi miền

Cùng vui Tết Việt: VTC trực tiếp không khí xuân trên khắp mọi miền

VOV.VN - Đài VTC sẽ phát sóng chương trình Cùng vui Tết Việt kéo dài 72 tiếng đồng hồ bắt đầu từ 6h ngày 30 cho tới hết ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất

Khám phá Tết Việt qua những trò chơi dân gian
Khám phá Tết Việt qua những trò chơi dân gian

VOV.VN - Đôi khi tìm về cội nguồn thông qua những trò chơi dân gian ngày Tết cũng là cách để chúng ta hiểu và thêm yêu hơn những giá trị truyền thống.

Khám phá Tết Việt qua những trò chơi dân gian

Khám phá Tết Việt qua những trò chơi dân gian

VOV.VN - Đôi khi tìm về cội nguồn thông qua những trò chơi dân gian ngày Tết cũng là cách để chúng ta hiểu và thêm yêu hơn những giá trị truyền thống.

Giữ mãi hồn Việt trong Tết Việt tại Nhật Bản
Giữ mãi hồn Việt trong Tết Việt tại Nhật Bản

VOV.VN -Hôm nay, nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đang tất bật chuẩn bị những chiếc bánh chưng-biểu hiện rõ nét nhất văn hóa Việt Nam trong ngày Tết.

Giữ mãi hồn Việt trong Tết Việt tại Nhật Bản

Giữ mãi hồn Việt trong Tết Việt tại Nhật Bản

VOV.VN -Hôm nay, nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đang tất bật chuẩn bị những chiếc bánh chưng-biểu hiện rõ nét nhất văn hóa Việt Nam trong ngày Tết.