“Thu giá BOT” thực chất là bảo vệ doanh nghiệp tận thu
VOV.VN -Việc đổi tên “trạm thu phí” thành “thu giá” không giúp Bộ GTVT giải quyết được những bức xúc về các trạm BOT, nhất là tính minh bạch, vị trí đặt trạm.
Bộ GTVT đưa khái niệm “thu giá” thay cho “thu phí” cho các dự án BOT nhằm để toàn bộ việc thu phí BOT nằm ngoài lề Luật phí và Lệ phí đang khiến dư luận bức xúc.
Bản chất “thu giá” hay “thu phí” cũng là thu tiền của người dân khi sử dụng đường BOT. Thế nhưng, với việc đánh tráo khái niệm khiến người ta càng mất niềm tin hơn vào các dự án BOT đang thiếu minh bạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hình thức bảo vệ lợi ích nhóm, bảo vệ cho các doanh nghiệp BOT đang tận thu ở tất cả các dự án.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT đã bắt đầu thu phí từ ngày 10/4 vừa qua…Tất nhiên, tên gọi của trạm thu phí này là trạm “thu giá BOT38. “Giá” hay “phí” thì người dân cũng tìm cách trốn trạm thu phí này đi theo Tỉnh lộ 276 qua đoạn đê sông Đuống thuộc địa phận 2 thôn Chi Trung, Chi Hồ thuộc xã Tân Chi, (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Theo họ, với mức giá cao và mang tính tận thu như thế này thì tìm đường tránh trạm thu phí là đương nhiên…
Trạm thu giá dự án BOT Quốc lộ 38 mới đưa vào hoạt động.
Theo chị Nguyễn Thị Lam (ở Tiên Du, Bắc Ninh), bao năm qua đi trên tuyến đường này không phải mất tiền, nay sửa chữa, nâng cấp một tí rồi đề biển trạm thu phí BOT.
“Nói thật với các anh, nhà em cách đây có 8km, trước đi không sao, giờ đi có vài cây số tự dung mất 35.000 đồng tiền phí, mỗi ngày 4 lượt cả đi lẫn về em mất 140.000 rồi. Cho nên, dù đường nhỏ nhưng không mất phí thì phải đi thôi, không ai muốn thế...”, chị Lam nói.
Không riêng gì BOT QL38, ngay tại BOT Cai Lậy, người dân do không trốn theo đường nào được nên họ đã phản ứng, phản đối khiến trạm thu phí BOT này phải tạm dừng thu phí trong hơn 8 tháng qua. Tâm tư của người dân là họ không cần biết “thu giá” hay “thu phí”, nhưng việc thu theo kiểu tận thu, phí chồng phí là không chấp nhận.
Đây cũng là một trạm thu giá...
“Xe ô tô chúng tôi đã phải mua phí bảo trì đường bộ, phí đó tôi được biết là để đi đường không phải BOT, chừng nào anh em chúng tôi đi vào đường nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thì tụi tui sẵn sàng trả tiền. Đường không phải BOT, không có sự lựa chọn sao cứ bắt chúng tôi nộp phí”, ông Trần Văn Hùng, một lái xe ở Tiền Giang cho hay.
“Thu giá” hay “thu phí”, theo phân tích của các chuyên gia thì bản chất vẫn là “thu tiền của người dân đi qua trạm thu phí BOT”. “Thu giá” là khái niệm hoàn toàn không có trong văn bản quy phạm pháp luật mà do chính Bộ GTVT đánh tráo khái niệm và Bộ GTVT đang thực hiện quản lý tài chính trái luật.
Những con đường chỉ "tráng men" lại rồi đề biển trạm thu phí BOT thời gian qua đã thực sự làm méo mó chủ trương đúng. Khiến người dân nghi ngờ về các dự án BOT.
“Trong trường hợp này, rõ ràng liên quan đến vấn đề tài chính phải là cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính là Bộ Tài chính mới được quyền quyết định, thế nhưng khi đánh tráo khái niệm bằng việc “thu giá” và chuyền về cho Bộ GTVT được quyền quyết định ra mức giá thì tôi cho rằng Bộ GTVT đang vô hình chung loại Bộ Tài chính”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh phân tích.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật Bản) cho rằng “Trước đây là phí sử dụng đường bộ, có nghĩa là tôi sử dụng đường bộ thì tôi phải bỏ 1 lệ phí nhất định và lúc ấy theo đúng quy định của nhà nước, là phí bù đắp lại dịch vụ công, nó không được hợp lý lắm khi đường tôi có quyền sử dụng là ngân sách thì tại sao tôi phải trả phí”.
Bộ GTVT phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại của ngành mình, nhất là các dự án BOT để xử lý thay vì vòng vo giải thích.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, “giá” hay “phí” thì người dân cũng phải bỏ tiền ra để bù cho các nhà đầu tư BOT mà theo kết luận của Kiểm toán nhà nước thì các dự án BOT đều có giá đắt trên trời, năm thu tăng cao…Sau khi người dân phản ứng, giảm chút phí thì lại tăng năm thu lên để bù, đó chỉ là sự hoán đổi. Tồn tại này chưa được giải quyết triệt để thì Bộ GTVT lại đẻ ra cái thu giá để bảo vệ lợi ích cho các dự án BOT này.
“Đấy là cách của nhà đầu tư BOT để lấy tiền của Nhà nước, của dân cho lợi ích của họ, mà tôi cũng không biết là do kém cỏi về năng lực hay là sự móc ngoặc của những người quyết định cho các dự án đó làm ngơ mà để cho các nhà đầu tư họ kiếm tiền trên người dân theo cách đó”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thì cho rằng, doanh nghiệp đang kinh doanh hạ tầng giao thông và họ có quyền quyết định giá.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai cho phép họ đường sá, cầu cống, hạ tầng để kinh doanh ngoài Luật phí, lệ phí? Thu giá đã trở thành trò cười của dư luận như thế này…Và người dân thì chỉ mong những góc khuất BOT phải được sáng tỏ, phải được giải quyết rõ ràng, sòng phẳng, chứ không thể năm bữa, nửa tháng lại ra những quyết sách lập lờ như là “Trạm thu giá”./.
“Thu giá” và “thu phí”, Bộ GTVT đã vượt quyền Quốc hội?
Đổi trạm thu phí BOT thành trạm "thu giá BOT" là đánh tráo khái niệm!
Ông Dương Trung Quốc:Chuyển thu phí sang thu giá là do thiếu minh bạch
Kết luận thu phí sai, Cục HKVN đề xuất tạm dừng thu phí vào sân bay
Hình ảnh hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy ngày thu phí trở lại