Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH: Rà soát lại tất cả người khuyết tật để có biện pháp hỗ trợ
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi: Chúng tôi cố gắng rà soát lại tất cả người khuyết tật, xem những ai mà chưa được hưởng chế độ chính sách về an sinh xã hội, về dạy nghề, việc làm, tiếp cận giáo dục thì chúng ta có biện pháp để hỗ trợ.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm chăm lo, cải thiện cuộc sống và giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ngày càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải còn nhiều. Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi về nội dung này.
PV: Thưa ông, cả nước đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Người khuyết tật Việt Nam, cá nhân ông có mong muốn gì dành cho họ?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Chúng tôi mong muốn người khuyết tật Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Nhiều sự chia sẻ từ các doanh nghiệp, người dân, cộng đồng và từ các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, đặc biệt là cấp độ địa phương. Chúng tôi cố gắng rà soát lại tất cả người khuyết tật, xem những ai mà chưa được hưởng chế độ chính sách về an sinh xã hội, về dạy nghề, việc làm, tiếp cận giáo dục thì chúng ta có biện pháp để hỗ trợ. Điều quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau và tất cả người khuyết tật đều được tạo mở các cơ hội để phát triển, tất cả người khuyết tật đều được hỗ trợ kịp thời.
Đối với người khuyết tật, chúng tôi mong muốn người khuyết tật tự tìm được một giải pháp cho mình để giải quyết được những vấn đề của mình một cách tốt nhất; Tự giải quyết các vấn đề tăng cường tiếp cận giáo dục và tăng cường về học nghề, về việc làm để có được thu nhập tốt, việc làm tốt và có địa vị vững chắc trong xã hội.
PV: Từ thực tế ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực từ phía cơ quan nhà nước cũng như các ban ngành, doanh nghiệp đã có những cải thiện như nào trong cách nhìn nhận, cũng như đánh giá về vai trò của người khuyết tật trong xã hội, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Chúng tôi đánh giá cộng đồng người khuyết tật của Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, bởi vì người khuyết tật là một bộ phận dân số rất lớn trong cộng đồng, trong xã hội. Họ đã có những đóng góp cho xã hội về mặt tăng trưởng kinh tế, về mặt chính trị, các mặt đời sống của xã hội. Cho nên, đối với người khuyết tật, chúng tôi cho rằng, họ cực kỳ quan trọng và luôn luôn nhận được sự sẻ chia, luôn luôn nhận được sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong việc hỗ trợ họ để tăng cường tiếp cận.
PV: Thưa ông, việc làm đối với người khuyết tật là một trong những vấn đề luôn được đặt ra, nhằm giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Vậy từ phía cơ quan nhà nước đã có những nỗ lực như thế nào để cải thiện đời sống cho người khuyết tật thông qua việc làm?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Về việc làm, cơ bản lực lượng lao động là người khuyết tật đều được tiếp cận thị trường lao động. Tuy nhiên, có một bộ phận người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (khoảng 1,2 đến 1,3 triệu người khuyết tật nặng) khó tiếp cận được với thị trường lao động. Hiện nay, chúng ta đang có một loạt các công cụ để hỗ trợ cho người khuyết tật. Ví dụ, vừa rồi có Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội thì Nhà nước đã thêm 30.000 tỷ đồng cho Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Qua đây, nhiều người khuyết tật được hỗ trợ để tự tạo giải quyết việc làm và phát triển kinh tế hộ gia đình. Thứ hai, Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về dạy nghề, việc làm. Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã hỗ trợ cho người khuyết tật là lao động ở nông thôn và người khuyết tật nặng tiếp cận về dạy nghề, qua đó, giúp họ có thể tiếp cận tốt hơn thị trường lao động. Hàng năm, chúng ta đang hỗ trợ khoảng 20.000 người khuyết tật nặng và có hoàn cảnh khó khăn để học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ ba, đối với trẻ em khuyết tật, về mặt dài hạn, chúng ta đang hỗ trợ rất tốt cho trẻ em khuyết tật (khoảng 2 triệu trẻ em được tiếp cận giáo dục hòa nhập). Còn lại trên 150 cơ sở giáo dục đặc biệt tập trung vào hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật nặng, để có thể tiếp cận được với giáo dục các cấp học, từ tiểu học, trung học và học lên cao hơn. Đây là những công cụ để chúng ta hỗ trợ cho người khuyết tật, bảo đảm họ tiếp cận được với thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.