Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vướng mắc trong công tác cai nghiện
VOV.VN -"Phải tập trung rà soát, đánh giá vì sao số người nghiện tăng, vì sao cai nghiện không hiệu quả, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các biện pháp".
Chiều nay (3/11), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cai nghiện ma túy.
Theo báo cáo rà soát, quản lý người nghiện của Bộ Công an: Trong 20 năm gần đây, số người nghiện ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, người nghiện ma túy có ở tất cả các tỉnh, thành phố và trong mọi thành phần xã hội, từ học sinh, sinh viên đến công chức, viên chức.
Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cai nghiện ma túy. Vấn đề nổi lên đang gây vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện liên quan đến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các tổ chức xã hội tại một số địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ; xác định hồ sơ còn nhiều thủ tục và thời gian còn dài; xử lý đối tượng nghiện ma túy từ 12 đến 18 tuổi chưa thống nhất trong Luật phòng chống ma túy với Luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời thiếu thông tư hướng dẫn nên không đưa được người nghiện vào trại cai nghiện bắt buộc…
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Số người nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay khoảng trên 19.000 người, trong đó 50-70% là không có chỗ ở ổn định.
Ông Thuận cho rằng vấn đề hiện nay đang vướng ở Điều 131 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định giao tổ chức xã hội quản lý đối với người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trong thời gian lập thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên đến nay tổ chức xã hội không có… Đặc biệt, số người nghiện ở các công viên như Hòa Bình, 30/4 đang là thách thức lớn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: số người nghiện ma túy ở nước ta tăng không chỉ do công tác rà soát, thống kê không hết hoặc phát sinh thêm mà còn cho thấy kết quả cai nghiện hiệu quả còn chưa cao, tỷ lệ tái nghiện lớn. Tình trạng nghiện ma túy gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự bình yên cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ phòng chống ma túy hết sức nặng nề và phải làm kiên trì, quyết liệt, lâu dài. Phải tập trung rà soát, đánh giá vì sao số người nghiện tăng, vì sao cai nghiện không hiệu quả, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các biện pháp hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống ma túy vì sức khỏe của người dân, vì giống nòi và vì trật tự an toàn xã hội”.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Luật xử lý vi phạm hành chính tôn trọng quyền tự do, quyền công dân theo đúng tinh thần Hiến pháp. Xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu bảo vệ quyền công dân ngày càng cao là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên qua bước đầu triển khai, một số điều quy định trong luật còn vướng mắc do nêu không đủ rõ hoặc mâu thuẫn với Luật phòng chống ma túy.
Trên tinh thần vì lợi ích chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý quan điểm Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội cho thí điểm lập Trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để cắt cơn, giải độc và chuẩn bị các thủ tục để Toà án quyết định đưa các đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú đến các cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc kiến nghị với Quốc hội cho lùi một số điều trong Luật xử phạt vi phạm hành chính trong khi chưa sửa đổi, bổ sung các quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan dứt khoát những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ không để thiếu và vướng mắc, nhất là ban hành kịp thời thông tư hướng dẫn thi hành luật phù hợp với quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu cải tiến thủ tục, quy trình làm hồ sơ người nghiện ma túy có nơi cư trú phải nhanh gọn hơn, không nhất thiết tối đa tới 37 ngày; đồng thời, các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục các đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú tự nguyện vào các Trung tâm cai nghiện tự nguyện để điều trị bằng Methadone…/.