Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc“
VOV.VN - Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc", Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi các Bộ ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc" trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Công điện nêu rõ, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, nhờ đó hoạt động vận tải hành khách trên cả nước bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; ý thức của phần lớn lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải được nâng lên. Tuy nhiên, trên một số tuyến đường quốc lộ và đường địa phương, nhất là trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai… vẫn còn tình trạng "xe dù, bến cóc", xe chở khách núp bóng xe hợp đồng, hoạt động đón, trả khách trái quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
"Xe dù" vẫn đang hoành hành. (Ảnh: Quốc Học) |
Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc" trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Công an: Tiếp tục triển khai các lực lượng để duy trì thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.
2. Bộ Giao thông vận tải: Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng "xe dù, bến cóc"; tiến hành thanh tra các doanh nghiệp vi phạm; chỉ đạo sử dụng dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để làm cơ sở xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách trái phép, hoạt động sai hành trình tuyến đã đăng ký, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về hoạt động vận tải hành khách.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban An toàn giao thông cấp tỉnh: Trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách tại địa phương.
5. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội.
6. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện Công điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.