Tích cực chăm lo đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số ở Buôn Hồ (Đắk Lắk)
VOV.VN - Với nhiều chính sách dân tộc được triển khai, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) đã tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, từng bước cải thiện mức sống người dân. Kinh tế khởi sắc, bà con các buôn làng càng vững đoàn kết, chung sức xây dựng thị xã Buôn Hồ trở thành một cực phát triển của tỉnh.
Từng là hộ thuộc diện khó khăn trong xã, gia đình ông Ayua Nha Phương, dân tộc Bru-Vân Kiều, ở buôn Sing A, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ đã vươn lên “thoát nghèo” từ năm 2017. Với thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm, ông đã xây được nhà kiên cố.
Theo ông Phương, 200 triệu đồng mỗi năm chưa phải là mức thu nhập khá, nhưng nhờ có nhiều chính sách an sinh xã hội, như được vay lãi thấp, được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nên cả sản xuất và đời sống của gia đình vẫn đảm bảo, các con đều được đi học. Ông Ayua Nha Phương cho biết, việc học nghề nông và tập huấn kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi ở Buôn Hồ cũng được mở thường xuyên, miễn phí, giúp bà con nâng cao trình độ sản xuất, ông cùng bà con ở buôn Sing A cũng tích cực tham gia những khóa tập huấn này.
“Các nhà đầu tư họ tập huấn, hướng dẫn cho bà con về chăm sóc cây trồng vật nuôi, tạo mô hình hợp tác xã nuôi dê, nuôi heo, nuôi bò. Cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Đó là việc làm rất cụ thể để cho bà con cũng như gia đình mình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ngày một tốt hơn”, ông Phương nói.
Già làng Y Khuê Ayun, dân tộc Ê Đê, ở buôn Kwang A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ cho hay: các chính sách hỗ trợ về cấp đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề đã đem lại những hiệu quả thiết thực, thay đổi diện mạo buôn làng. Buôn Kwang A hiện có 210 hộ với gần 1.000 khẩu, thì có gần 100 hộ khá, chỉ còn 3 hộ nghèo. Thu nhập các hộ đều ổn định và cao hơn trước, nhiều hộ có thu nhập trên 2 - 3 tỷ đồng mỗi năm. Thanh niên sau học nghề tích cực vào làm trong các công ty, nhà máy trên địa bàn xã, nên tỉ lệ thanh niên có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng cao. Cũng theo già làng Y Khuê, kinh tế phát triển, người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm vật tư sản xuất, đóng góp tiền của làm đường giao thông nông thôn, tích cực cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới.
“Làm đường nông thôn mới hiện nay đã đạt 80%, thu gom rác thải rất tốt, tổng dọn vệ sinh hàng tuần, hàng tháng. Đường buôn ngõ xóm có điện thắp sáng. Chú trọng đảm bảo về an ninh chính trị và quốc phòng, đoàn kết các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, chú trọng quan tâm các chính sách người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế hộ gia đình. Tôi rất vui mừng và tự hào”, già làng Y Khuê cho hay.
Với 8 xã, phường thuộc vùng dân tộc thiểu số và 44 thôn, buôn có đông dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, thị xã Buôn Hồ đã chú trọng tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dân tộc thiểu số. Từ năm 2019 đến nay, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, thị xã đã hỗ trợ hơn 43.000m2 đất ở, 214 bồn chứa nước cho hộ nghèo. Tổ chức 20 đợt tư vấn, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; mở 27 lớp đào tạo nghề, thu hút hàng trăm lượt người dân tộc thiểu số tham gia. Xây mới và sửa chữa hàng trăm nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; tạo điều kiện cho gần 3.000 lượt hộ dân tộc thiểu số vay vốn chính sách với tổng dư nợ hơn 121 tỷ đồng. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện tốt công tác kết nghĩa với 28 thôn, buôn; tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ xây nhà và thăm, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết.
Ông Nông Văn Chắn, (dân tộc Nùng) Trưởng buôn Pon 1, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ cho rằng, những chính sách ấy đã tạo động lực để người dân vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định đời sống: “Thôn của chúng tôi bây giờ ngày càng phát triển. Kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống của bà con hiện nay được cải thiện và rất tốt đẹp. Hộ nghèo và hộ cận nghèo liên tục giảm, trong thôn hiện nay còn 4 hộ nghèo, hộ giàu khá bây giờ chiếm tỷ lệ trên 65%".
Ông Y Cing Mlô, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, địa phương đang phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2025, định hướng trở thành cực tăng trưởng trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2050. Trong lộ trình ấy, thị xã tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân; đồng thời chú trọng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho con em người dân tộc thiểu số; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
“Ngoài các nguồn lực của Trung ương, tỉnh theo các Chương trình mục tiêu quốc gia thì thị xã cũng ưu tiên và bố trí các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một nội dung mang tính chất đột phá, hết sức quan trọng để nâng cao đời sống người dân, để làm sao mức sống của người dân ở nông thôn, đặc biệt là đời sống của người dân trong vùng đồng bào tộc thiểu số dần tiếp cận với mức sống người dân thành thị. Từ đó giảm dần khoảng cách với các vùng khác”, ông Y Cing Mlô cho biết.
Các chính sách dân tộc đã và đang được triển khai đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống người dân tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Qua đó củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy mỗi người dân không ngừng vươn lên, chung tay xây dựng buôn làng giàu mạnh, góp phần xây dựng thị xã “giàu đẹp, sinh thái, văn minh, nghĩa tình”.