Tiền lương hưu quá thấp do số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp
VOV.VN - Điều kiện hưởng lương hưu trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định sẽ giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm để nhiều người lao động được hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, mức lương được hưởng của người lao động sẽ rất thấp, không đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu.
Đề nghị bổ sung chế tài khởi tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 6 tháng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đây là một trong những nội dung được kiến nghị tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng với người lao động tại thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều nay (6/5).
Tại buổi tiếp xúc, người lao động, đại diện tổ chức Công đoàn ở thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến, điều kiện hưởng lương hưu trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định sẽ giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm để nhiều người lao động được hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, mức lương được hưởng của người lao động sẽ rất thấp, không đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Các cử tri đề nghị cần xem xét các quy định mang tính chia sẻ, hỗ trợ đối với những người lao động có mức tiền lương hưu quá thấp do số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp, nếu không sẽ khó bảo đảm cuộc sống khi lúc về già.
Hiện nay, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có quy định: Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thực tế hiện nay, khi đi khám thai định kỳ, bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày, đề nghị tăng số lần khám thai lên 9 lần trong thai kỳ để theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi; Tỷ lệ bao phủ của chính sách thai sản đối với lao động nữ hiện rất thấp, chỉ khoảng 30%. Theo quy định hiện hành chỉ có người lao động tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản. Như vậy, khoảng 70% lao động nữ không có chế độ thai sản. Chị Nguyễn Lý Thục Nhi, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam kiến nghị: “Người lao động và gia đình không có nguồn thu nhập thay thế trong thời gian phụ nữ nghỉ làm việc để sinh con. Đề nghị trong Luật BHXH sửa đổi lần này, cho phép người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản".
Anh Trần Công Vy, công nhân Công ty cổ phần MP Pack Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy, vẫn còn một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản, cố tình chiếm dụng bảo hiểm hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn dẫn đến người lao động bị mất quyền lợi rất nhiều. Trong khi đó, trách nhiệm thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ý tế được giao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, người nộp và vi phạm là chủ doanh nghiệp nhưng bị mất quyền lợi là người lao động. Anh Trần Công Vy, công nhân Công ty cổ phần MP Pack Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đề nghị Luật Bảo hiểm xã hội cần bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động:
"Tôi đề xuất sửa luật cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thu BHXH để xảy ra nợ đọng bảo hiểm. Nếu doanh nghiệp đã trừ tiền đóng BHXH của người lao động thì người lao động cũng phải được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm, còn việc nợ là trách nhiệm của cơ quan BHXH và doanh nghiệp. Cần bổ sung chế tài khởi tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 6 tháng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.
Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là bộ luật rất quan trọng, có tác động lớn đến người lao động được cử tri cả nước quan tâm. Các ý kiến kiến nghị góp ý của công nhân liên quan đến chế độ chính sách cho công nhân đều rất xác đáng.
Liên quan vấn đề trả lương và nhân sự Công đoàn chuyên trách trong Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khi làm việc Đảng đoàn Liên đoàn Lao động thành phố đã có ý kiến về vấn đề này. Đây là một chức danh làm kiêm nhiệm, nguyên tắc cán bộ Công đoàn không chuyên trách làm việc trong doanh nghiệp trước hết phải hưởng lương của doanh nghiệp, tuy nhiên cần có khoản hỗ trợ từ Công đoàn cấp trên. Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương để UBND thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố trình HĐND thành phố xem xét ban hành chính sách phù hợp.
Về chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khó khăn, đưa công nhân vào ở trong khu nhà ở công nhân, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục rà soát xem xét, mở rộng đối tượng để tạo điều kiện cho công nhân tiếp cận nhà ở xã hội. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng 15.549 căn hộ chung cư và 1146 phòng ký túc xá sinh viên, trong đó ngân sách thành phố đầu tư hoàn thành 10579 căn hộ chung cư. Thành phố đang xin Trung ương chuyển ký túc xã sinh viên thành nhà ở xã hội, bố trí cho người lao động và tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án nhà ở xã hội cho công nhân.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, thành phố thông nhất chủ trương với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bố trí khu đất xây dựng 700 căn hộ cho công nhân trên địa bàn thành phố. Điều này thể hiện rõ chủ trương của thành phố trong việc quan tâm bố trí chỗ ở, điều kiện ăn ở cho người lao động. Ngoài ra, thành phố có cơ chế hỗ trợ cho người lao động, nhất người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn có điều kiện tiếp cận nhà ở”.
Dịp này, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng trao 100 suất quà tặng người lao động ở thành phố Đà Nẵng hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.