Tiếng loa khát vọng thống nhất non sông
VOV.VN - Đài truyền thanh Vĩnh Linh cùng hệ thống loa giới tuyến đã nối dài cánh sóng, đưa Tiếng nói Việt Nam vang xa
Sau hiệp định Geneva, nhằm động viên nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, Trung ương Đảng quyết định xây dựng Đài truyền thanh Vĩnh Linh cùng hệ thống loa truyền thanh, phân bố thành 5 cụm suốt chiều dài 1500 mét ở bờ bắc sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Đài truyền thanh Vĩnh Linh cùng hệ thống loa giới tuyến đã góp phần nối dài cánh sóng, đưa Tiếng nói Việt Nam vang xa. Dưới làn mưa bom bão đạn, “tiếng nói át tiếng bom” đã cổ vũ, động viên nhân dân đấu tranh giải phóng đất nước.
Hệ thống loa truyền thanh tại bờ Bắc sông Bến Hải qua cầu Hiền Lương (ảnh tư liệu). |
Từ năm 1954 đến năm 1964, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ngưng tiếng súng nhưng những cuộc đấu trí, đấu lý diễn ra ngày càng căng thẳng. Chính quyền Sài Gòn xây dựng hệ thống loa truyền thanh đồ sộ bên bờ Nam, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng ta.
Ông Đinh Văn Quang, nguyên đội Trưởng Đội dân quân tự vệ Hiền Lương cho biết, để đập tan luận điệu xuyên tạc phát ra từ giàn loa lớn của địch ở phía bờ Nam; bên bờ Bắc, ta đặt nhiều cụm loa dọc sông Bến Hải. Từ đây, một cuộc “chọi âm thanh” giữa 2 bờ giới tuyến diễn ra quyết liệt. Mỗi lần bờ Nam dựng loa mới vang xa hơn là bờ Bắc lại đấu giàn loa công suất mạnh hơn. Cuối cùng phía Bắc đặt cặp loa công suất lớn, to bằng cái nong phơi lúa mới át được tiếng loa của chính quyền Sài Gòn đặt ở bờ Nam. Bà con ở cách xa giới tuyến cả chục cây số vẫn nghe rõ tiếng nói thân thương từ bờ Bắc vọng sang.
Ông Đinh Văn Quang nhớ lại: “Hai bên thi thố nhau xây dựng loa đài. Họ tuyên truyền tầm bậy, thì mình cũng phải có loa để nói rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đấu tranh thống nhất Bắc – Nam. Đầu họ làm một loa vừa thì làm một chùm 25 đến 30 chục loa, làm rất nhiều chùm loa. Có những cái loa 500 Oát nói ở đây mà tận trong Dốc Miếu nghe”.
Với những bài viết sắc bén, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh đã vạch trần thủ đoạn của kẻ thù phá hoại Hiệp định Geneva, chia rẽ hai miền Nam- Bắc, kêu gọi đồng bào miền Nam vùng lên đấu tranh.
Ông Nguyễn Mạnh Thí, ở xã Trung Hải bên bờ Nam kể lại, hồi đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn lập ấp chiến lược, xây dựng làng kiểu mẫu, đặt hệ thống loa truyền thanh đồ sộ để phô trương sức mạnh, nhưng bà con vẫn một lòng hướng về miền Bắc vững tin vào cách mạng. Mỗi khi tiếng loa từ bờ Bắc cất lên là đồng bào giới tuyến như nghe được tiếng nói người thân. Có lần, Mỹ điên cuồng dội bom xuống thị trấn Hồ Xá, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh bị hư hỏng, sóng phát thanh gián đoạn. Đài của địch ở bờ Nam rêu rao: Vĩnh Linh bị bom hủy diệt, Bí thư Khu ủy chết, 2 phát thanh viên của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh bỏ mạng... Bà con nín lặng lo lắng. Chỉ sau vài giờ khắc phục hư hỏng, từ bên bờ Bắc lại vang lên lời xướng của phát thanh viên: “Đây là Đài truyền thanh Vĩnh Linh”. Bà con vỡ òa vui sướng. Ông Nguyễn Mạnh Thí kể: “Lúc đó, Đài truyền thanh của Vĩnh Linh mình có gián đoạn đi một thời gian, rất lo. Nhưng mà sau mấy tiếng đồng hồ, đường dây nối lại và nghe được tiếng loa. Lúc đó Đài mình phản bác lại tin này ngay và các đồng chí mà nó đã tuyên truyền là bị tiêu diệt rồi thì các đồng chí đã lên tiếng tạo niềm tin cho dân và khẳng định nguồn tin đó không đúng sự thật”.
Từ năm 1955 đến năm 1964, phần lớn thời lượng phát sóng hàng ngày của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh là tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam. Các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam đã cuốn hút sự quan tâm theo dõi của người dân đôi bờ Bến Hải... Ai đã từng sống ở giới tuyến những năm đó hẳn còn nhớ mãi những giọng ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào. Sâu sắc nhất là các chương trình binh vận, thư gửi lính miền Nam, chương trình tiếng thơ Châu Loan…Tiếng nói chính nghĩa đánh thức lương tri của bao người. Nhiều người lính bên kia chiến tuyến phục vụ cho chính quyền, quân đội Sài Gòn sớm giác ngộ, bỏ súng trở về với cách mạng.
Những năm tháng đế quốc Mỹ ồ ạt ném bom phá hoại, người dân phải sơ tán ra khỏi vùng giới tuyến. Ngày đó, đôi bờ Hiền Lương trở thành vành đai trắng, chỉ còn các cán bộ hoạt động cách mạng bám trụ nhưng phải ở dưới hầm. Hệ thống loa truyền thanh dọc giới tuyến bị đánh phá. Hồi đó, ông Lê Công Cầu là Bí thư Chi bộ thôn Hiền Lương vừa làm Chủ nhiệm HTX nên được cấp trên tặng một chiếc rađiô nhỏ luôn được ông mang theo bên mình. Để mọi người được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Cầu cho đấu nối đường dây thông các hầm với nhau, mỗi hầm đặt một cái loa. Mỗi lần mở Đài, bà con ở dưới hầm đều nghe rõ. Ông Cầu kể, mỗi lần nghe Bác Hồ chúc tết trên làn sóng Đài TNVN, bà con Vĩnh Linh ai cũng nghẹn ngào, rưng rưng. Tết năm 1969 qua Đài Tiếng nói Việt Nam, bà con được nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”
Không ngờ đó cũng lần cuối cùng Bác Hồ chúc Tết đến đồng bào cả nước. Nghe tin Bác mất, bà con giới tuyến tuôn trào nước mắt. Ông Lê Công Cầu nghẹn ngào nhớ lại: Tất cả cán bộ, chiến sỹ đồn Hiền Lương khi cầm dải băng đen thắt lên lá cờ để tang Bác ai cũng bật khóc: “Hồi đó, lòng tin của cán bộ, của dân sắt đá lắm, ác liệt lắm nhưng không ai nao núng. Một lần đồng bào nghe được Đài của mình họ tin tưởng lắm. Chúng tôi làm lễ truy điệu Bác tại địa phương, dân họ thương họ khóc, cả dân, cả cán bộ, cả du kích đều khóc”.
Bây giờ, những ai vào Nam ra Bắc đi qua cây cầu Hiền Lương vẫn còn nhìn thấy chùm loa lớn đặt tại Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải. Những người làm phát thanh ngày ấy nay người còn, người mất. Tổ quốc này mãi mãi ghi nhớ công lao của những người đưa Tiếng nói Việt Nam cùng khát vọng thống nhất vang xa trên vùng đất giới tuyến năm xưa…/.