Tiếp tục đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam

VOV.VN - Ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch VAVA: “Chúng tôi đang củng cố chứng cứ, chứ không dừng vụ kiện ở đây”

Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8), phóng viên VOV online phỏng vấn ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) về sự đồng hành của Hội cùng các nạn nhân chất độc da cam thời gian qua, đặc biệt là hành trình đi tìm công lý kéo dài suốt 10 năm qua, mà đến nay nhiều nguyên đơn trong vụ kiện đã qua đời vì bệnh tật mà không đợi được đến ngày công lý được thực thi…

Gần 630 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân da cam

PV: Ông có thể cho biết sau 10 năm thành lập, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thể hiện vai trò đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam như thế nào?

Ông Trần Xuân Thu: Sau 10 năm thành lập, VAVA đã có nhiều hoạt động quan tâm đến nạn nhân da cam, đặc biệt là việc hỗ trợ trực tiếp đến nạn nhân thông qua kêu gọi quyên góp vật chất ủng hộ nạn nhân.

Trong 10 năm, Hội đã vận động, quyên góp Quỹ được gần 630 tỷ đồng, số tiền này đã trợ cấp làm khoảng 3.000 căn nhà, xây dựng gần 30 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân, cấp hàng nghìn xuất học bổng cho con em gia đình nạn nhân, hỗ trợ vốn sản xuất, cấp phương tiện sinh hoạt, tổ chức khám, chữa bệnh và tặng quà cho gia đình nạn nhân nhân ngày lễ, Tết và dịp 10/8…

Hội đã tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các hội hữu nghị với Việt Nam ở nhiều nước, của nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học có uy tín trong việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam.

Ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam  (ảnh: Minh Hòa)
Cùng với đó, việc phát triển các tổ chức Hội, hội viên rộng khắp ở các tỉnh, thành để làm tốt hơn việc chăm lo cho các nạn nhân da cam. Tính đến nay, đã thành lập được tổ chức hội ở 58 tỉnh, thành phố trong cả nước.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự chung tay chia sẻ của cộng đồng, nhất là cộng đồng trong nước đối với các nạn nhân chất độc da cam?

Ông Trần Xuân Thu: Có thể nói, hoạt động hỗ trợ các nạn nhân ngày càng được quan tâm. Ví dụ, trước kia mọi người ủng hộ bằng cách phải đến tận Hội và gia đình nạn nhân thì giờ đây có nhiều hình thức khác, trong đó có nhắn tin. Cộng đồng hiện nay có nhiều điều kiện, nên từ các em bé, cụ già đều có thể hỗ trợ nạn nhân bằng cách nhắn tin. Vì thế, sự hỗ trợ cho nạn nhân ngày càng nhiều.

Cùng với sự ủng hộ trong nước, bạn bè năm châu cũng quan tâm hơn đến các nạn nhân. Hiện nay, Chính phủ Đức đang có đề án hỗ trợ xây dựng một Trung tâm nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân. Đây là lần đầu tiên có sự giúp đỡ của Chính phủ nước ngoài.

Nhiều nhà hảo tâm đã đến trực tiếp ủng hộ các gia đình nạn nhân da cam. Ví dụ, bà Masako (Nhật Bản) liên tục đến Việt Nam ủng hộ trực tiếp cho nạn nhân, đại diện của bà con Việt kiều Pháp cũng thường xuyên ủng hộ…

Chúng tôi đánh giá cao và rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng. Nhà nước mỗi năm chi 1.000 tỷ đồng cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng chưa hỗ trợ được nhiều vì số nạn nhân quá lớn.

Số liệu mới về số người phơi nhiễm dioxin là 6,8 triệu

PV: Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân?

Ông Trần Xuân Thu: Các chính sách của Nhà nước đối với các nạn nhân ngày càng tốt và số người được hỗ trợ ngày càng nhiều. Nhưng nếu so với số nạn nhân hiện nay thì số người được hưởng chính sách còn rất ít. Hiện số nạn nhân da cam ở nước ta rất lớn, không phải là con số 4,8 triệu người phơi nhiễm mà đã lên tới 6,8 triệu người.

Giờ luyện tập của trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin làng Hữu Nghị (Hà Nội) (ảnh: Minh Hòa)
Phần nhiều trong số các nạn nhân hiện tuổi cao (60-70 tuổi) và nhiều người đến khi qua đời vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Những người đang sống thì rất khó khăn, phải đối mặt với bệnh tật nguy hiểm như ung thư, suy gan, thận… Vì thế cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ đối với những người này.

Tôi đi rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, các nạn nhân đều đề nghị nên có chế độ cho đến cả đời cháu của họ. Các gia đình có cháu bị ảnh hưởng của chất độc da cam phải chịu hậu quả rất lớn, nhiều dòng họ tuyệt tự. Chúng ta cần phải đẩy nhanh tốc độ quan tâm đến nạn nhân, kể cả về số lượng người được hỗ trợ.

PV: Trong một lần trả lời phỏng vấn VOV online, ông cho biết Hội đang tập trung vào việc xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân. Vậy đến nay công việc đó đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Xuân Thu: Chúng tôi xác định, ngoài việc hỗ trợ nạn nhân, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các trung tâm bán trú để điều dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân và làm thế nào để cuộc sống của các nạn nhân vơi đi nỗi khó khăn.

Hội chủ trương đến năm 2015, xây dựng được 55 nhà bán trú, nhưng đến nay mới được 30 Trung tâm. Ở nhiều tỉnh, thành đã xây, có mô hình do Trung ương Hội Nạn nhân trực tiếp làm, có mô hình do Sở Lao động thương binh xã hội các tỉnh làm, có nơi lại xây Trung tâm chung cho cả nạn nhân và người có công... Chúng tôi thấy những mô hình do Nhà nước đứng ra rất thích hợp, bởi vì qua kinh nghiệm ở làng Hữu Nghị, những lúc khó khăn thì Nhà nước, Bộ Quốc phòng tham gia thì hiệu quả rất cao.

Ngoài việc xây các Trung tâm đó, chúng tôi đang có chương trình xây dựng 3 Trung tâm ở 3 miền tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Đầu tư cho 3 Trung tâm này tối thiểu cần 100 tỷ đồng. Ba Trung tâm này sẽ làm nhiều chức năng, như điều dưỡng cho những người không nơi nương tựa là nạn nhân da cam hoặc con cháu của họ.

Cùng với đó, Trung tâm phải có nhiệm vụ phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam. Việc này cũng phải thực hiện theo quy định của Nhà nước và hiện nay Bộ LĐ-TB-XH đang xem xét.

Chúng tôi đang chọn lọc xem mô hình nào là hiệu quả, bởi quan trọng là xây xong nhưng phải duy trì được hoạt động của các trung tâm đó. Nhưng việc xây dựng được 30 Trung tâm là một cố gắng lớn của Hội và cả cộng đồng.

4 “điểm nóng” về dioxin cần thải độc đầu tiên

PV: Thưa ông, vừa qua dư luận khá quan tâm đến việc 62 người dân ở Đà Nẵng đi xét nghiệm “bỗng dưng” thấy trong máu có dioxin. Vậy đến nay Hội đã phối hợp giải quyết việc này đến đâu?  


Ông Trần Xuân Thu: Chúng tôi được biết qua tỉnh Hội Đà Nẵng, có số liệu về một số nạn nhân trong máu có dioxin. Trung ương Hội và Hội Đà Nẵng đang thống nhất lại cách giải quyết.

Những người phát hiện  trong máu có dioxin ở Đà Nẵng đều đã được đưa đến bệnh viện khử độc bằng phương pháp xông hơi. Tất cả họ sau khi xông hơi đều cho biết sức khỏe của họ được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, để tẩy độc dioxin không dễ dàng.

PV: Việc có những người không liên quan đến dioxin, nhưng khi đi xét nghiệm lại có dioxin trong máu làm nhiều người không khỏi lo ngại về nguy cơ bị nhiễm dioxin khi sống ở các “điểm nóng”, thưa ông? 

Ông Trần Xuân Thu: Có thể nói, bức tranh chung của toàn quốc là những vùng bị rải chất độc da cam/dioxin ở mức độ nhẹ và môi trường tốt thì trong đất không còn mức độ nguy hiểm, chẳng hạn như đồng bằng Sông Cửu Long.

Những “điểm nóng” (hiện nay phía Mỹ nói là còn 28 điểm, số liệu khác nêu 50 điểm) thì mức độ nguy hiểm cao. Đó là những nơi đặt kho chất hóa học của Mỹ trong chiến tranh; những nơi Mỹ rải trực tiếp hàng chục tấn chất độc hóa học hoặc là nơi báy bay chở chất độc hóa học của Mỹ khi bị bắn cháy đã trút hàng chục tấn chất độc xuống...

Nhưng trước mắt có 3 “điểm nóng” đang được xử lý làm giảm độ độc trong đất ở Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát (Bình Định)... Chúng ta đang phối hợp với quốc tế xử lý bằng phương pháp rải hấp nhiệt, nghĩa là dùng nhiệt độ đẩy chất độc ra khỏi đất... Bây giờ có một “điểm nóng” nữa là vùng sân bay A So, A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Theo tôi, đó là 4 “điểm nóng” cần phải quan tâm xử lý thải độc đầu tiên.

Năm 2013, tiếp tục đâm đơn vụ kiện chất độc da cam

PV: Thưa ông, tính đến nay vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã được gần 10 năm nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông có cho rằng nên tiếp tục vụ kiện? 

Ông Trần Xuân Thu: Đấu tranh đòi công lý của chúng ta vẫn liên tục. Vừa qua, có bà Lee (ủy viên Quốc hội Mỹ) và một số người quan tâm đã đứng ra đề nghị với Quốc hội Mỹ công nhận đạo luật cứu trợ cho các nạn nhân chất độc da cam 2013. Đây cũng là một hình thức đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam của Mỹ, của Việt Nam và người Mỹ gốc Việt.

Nhiều nạn nhân chất độc da cam đã ngã xuống khi công lý chưa có lời giải đáp (ảnh: Minh Hòa)
Chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Mỹ cũng đã đề cập đến vấn đề hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Phía Mỹ cũng đang có kế hoạch hỗ trợ,  nhưng là hỗ trợ chung cho người khuyết tật. Chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ này, nhưng phía Mỹ cần phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân da cam Việt Nam- những người đã và đang chịu khổ đau cùng cực do chất độc hóa học mà họ gây ra.

Còn về vụ kiện, chúng tôi đang phát triển thêm, củng cố chứng cớ chứ không dừng lại ở đây. Vụ kiện có những chứng cứ rõ ràng, liên quan đến quyền con người, liên quan đến công ước Quốc tế về quyền con người.

Còn việc chúng tôi tiến hành vụ kiện với hình thức như thế nào, ở Toà án địa phương nào của Mỹ đang được chúng tôi lên kế hoạch cụ thể. Còn việc có tiến hành vụ kiện ở nước nào nữa không cũng đang được chúng tôi tính toán. Dự kiến trong năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục đâm đơn vụ kiện.

PV: Những nguyên đơn đầu tiên của vụ kiện như ông Nguyễn Văn Quý, bà Nguyễn Thị Hồng… đều đã không đợi được đến ngày công lý được thực thi, trong khi con cháu họ đang phải đối mặt với khó khăn, bệnh tật. Vậy Hội có sự quan tâm đến những người thân của họ như thế nào, thưa ông? 

Ông Trần Xuân Thu: Đối với một số người đã mất, như ông Nguyễn Văn Quý, chúng tôi đã đề nghị chính quyền Hải Phòng công nhận ông là Liệt sỹ. Đối với bà Nguyễn Thị Hồng, tôi cũng đã đến tỉnh Đồng Nai, trực tiếp đề nghị công nhận Liệt sỹ cho bà, nhưng đến nay chưa có câu trả lời.

Tôi cho rằng, những cựu chiến binh khi bị tái phát bệnh rồi qua đời, được công nhận là liệt sĩ thì những người như ông Quý, bà Hồng cũng là nạn nhân của chiến tranh, họ cũng cần được công nhận.

Còn đối với con cháu của họ, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, ưu tiên và quan tâm về học hành. Tôi đang đề nghị các tỉnh, thành Hội đến trực tiếp từng gia đình, xem việc thực hiện các chính sách trên như thế nào và có báo cáo cụ thể.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Luật sư Mỹ: Đấu tranh đến cùng cho nạn nhân da cam
Luật sư Mỹ: Đấu tranh đến cùng cho nạn nhân da cam

VOV.VN - Luật sư Jeanne Mirer cùng các đồng nghiệp khởi xướng dự luật kêu gọi Chính phủ Mỹ hỗ trợ các nạn nhân da cam.

Luật sư Mỹ: Đấu tranh đến cùng cho nạn nhân da cam

Luật sư Mỹ: Đấu tranh đến cùng cho nạn nhân da cam

VOV.VN - Luật sư Jeanne Mirer cùng các đồng nghiệp khởi xướng dự luật kêu gọi Chính phủ Mỹ hỗ trợ các nạn nhân da cam.

Tội ác da cam/dioxin: Công lý phải được thực thi
Tội ác da cam/dioxin: Công lý phải được thực thi

VOV.VN -Nỗi đau da cam/dioxin kéo dài đang thôi thúc lương tri, công lý cần đấu tranh giành lấy công bằng cho các nạn nhân.

Tội ác da cam/dioxin: Công lý phải được thực thi

Tội ác da cam/dioxin: Công lý phải được thực thi

VOV.VN -Nỗi đau da cam/dioxin kéo dài đang thôi thúc lương tri, công lý cần đấu tranh giành lấy công bằng cho các nạn nhân.

Nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”
Nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”

VOV.VN-Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị-xã hội cao, mang tính nhân văn sâu sắc, thiết thực góp phần giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”

Nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”

VOV.VN-Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị-xã hội cao, mang tính nhân văn sâu sắc, thiết thực góp phần giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Hoa hậu Thu Thảo kêu gọi nghệ sỹ ủng hộ nạn nhân da cam
Hoa hậu Thu Thảo kêu gọi nghệ sỹ ủng hộ nạn nhân da cam

VOV.VN - “Thu Thảo sẽ hoàn thành vai trò Đại sứ một cách có trách nhiệm nhất và sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động của chương trình”

Hoa hậu Thu Thảo kêu gọi nghệ sỹ ủng hộ nạn nhân da cam

Hoa hậu Thu Thảo kêu gọi nghệ sỹ ủng hộ nạn nhân da cam

VOV.VN - “Thu Thảo sẽ hoàn thành vai trò Đại sứ một cách có trách nhiệm nhất và sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động của chương trình”